U23 Việt Nam và Hào khí Đông A
(Thethaovanhoa.vn) - Vượt qua Nhật Bản, thắng luôn Bahrain và hạ nốt Syria…, điều đó đã chứng minh không một đối thủ mạnh nào có thể khiến đoàn quân của HLV Park Hang Seo chùn bước. Bối cảnh làm chúng ta hồi tưởng lại Hào khí Đông A trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
* Xem trực tiếp Asiad 2018 TẠI ĐÂY:
Lịch thi đấu Bán kết bóng đá nam Asiad 2018:
16h00 ngày 29/8: U23 Việt Nam vs U23 Hàn Quốc
19h30 ngày 29/8: U23 Nhật Bản vs U23 UAE
15h00 ngày 1/9: Tranh HCĐ
18h30 ngày 1/9: Tranh HCV
Lịch thi đấu Bán kết bóng đá nam Asiad 2018:
Quá khứ hào hùng
Đã hơn một lần, Thể thao & Văn hóa nhắc lại cơn đại địa chấn ở Muscat, Oman, cách đây 15 năm. Đó là một buổi chiều trung tuần tháng 10, khi đội tuyển Việt Nam với gần 100% là tập hợp những người trẻ dưới 23 tuổi (hệt như lúc này), bước vào trận tái đấu với đội tuyển Hàn Quốc, mà không nhiều kỳ vọng sẽ có điểm, đặc biệt là sau trận thua chính đối thủ này với tỷ số 0-5 ở lượt đi. Nên nhớ, Hàn Quốc đang là đương kim đệ tứ anh hào thế giới vào thời điểm đó, còn bóng đá Việt Nam vẫn chỉ luẩn quẩn các chiến dịch chuẩn bị cho SEA Games 22, diễn ra trên sân nhà (12/2003) hoặc AFF Cup.
Cả trận đấu bị dồn ép nhưng chúng ta đã đứng vững và chỉ cần một nhát kiếm vung lên vào thời khắc quyết định, Văn Quyến và đồng đội đã “kết liễu” đội bóng hạng tư thế giới.
Thời gian qua đi, bóng đá Hàn Quốc vẫn được xem là một trong 2 nền bóng đá mạnh nhất châu Á (bên cạnh Nhật Bản). Họ vẫn đều đặn dự các ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh – FIFA World Cup. Thậm chí ở đấu trường ASIAD, khi bóng đá nam chỉ mang về một bộ huy chương cho cả nền thể thao, Hàn Quốc cũng đang là đương kim vô địch, thêm 3 lần khác đoạt HCV vào các kỳ Đại hội 1986, 1978 và 1970. Việc lọt vào vòng bán kết là chuyện đương nhiên với nền bóng đá hùng mạnh này, kể từ ASIAD lần thứ 2 được tổ chức tại Manila, Philippines (1954) đến 10 kỳ ASIAD gần nhất.
Về đẳng cấp của tổng thể nền bóng đá, Việt Nam khó thể so với Hàn Quốc. Nhưng về năng lực chinh phục của một đôi thế hệ cầu thủ, ví như ngay lúc này, cũng chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Khi U23 Việt Nam lừng lững tiến vào trận chung kết U23 châu Á ở Thường Châu hồi đầu năm, Hàn Quốc đã phải rời cuộc chơi sau 120 phút đấu với Uzbekistan ở bán kết. Cộng với chuỗi thành tích tuyệt vời ở Tây Java lần này.
Hãy vào cuộc và chiến đấu
Sau 120 phút trận tứ kết với Syria, Duy Mạnh phải cần đế sự trợ giúp của đồng đội để về được khách sạn nơi U23 Việt Nam đóng quân, khi anh đã bị vắt kiệt sức. Máu đã đổ trên gương mặt cầu thủ mới 21 tuổi – Nguyễn Quang Hải. Một người khác trẻ hơn, thậm chí mới 19 tuổi là Văn Hậu, đã cần đến tiểu xảo trong một trận đấu được mất. Văn Thanh nằm bệt xuống sân thở dốc… Những hình ảnh ấy truyền đi trên khắp thế giới và cũng hệt như bão tuyết Thường Châu, nó chạm đến tận sâu thẳm ngõ ngách trái tim người hâm mộ bóng đá Việt Nam, từ quê nhà đến hải ngoại, từ xa xôi hẻo lánh đến phố thị…
Đội bóng của HLV Park Hang Seo bao nhiêu bận tưởng như đã chạm đến giới hạn, đã kịch trần về khả năng chơi bóng hay năng lực chinh phục, nhưng hết lần này đến lần khác, thầy trò ông Park đã chứng minh điều ngược lại, rằng nếu cố thêm một chút nữa thôi, chúng ta hoàn toàn có thể quật ngã bất cứ đối thủ nào. “Khi chúng ta đã cố gắng hết sức thì tại sao phải cúi đầu”, lời nói như rót vào tai từng thành viên đội tuyển U23 Việt Nam sau trận thua đầy tiếc nuối trước Uzbekistan ở chung kết U23 châu Á. Một trận đấu tuyệt hay, đầy quả cảm và là một cột mốc lịch sử của nền bóng đá xứ sở.
Chúng ta vẫn còn 1 khoảng cách với bóng đá Hàn Quốc, nhưng với trái bóng tròn thì không gì là không thể nếu vào cuộc bằng tinh thần chiến đấu. Hãy tin tưởng ở thầy trò ông Park như con tim mách bảo.
Tùy Phong