Tỷ lệ sinh thấp - Nỗi lo chung của các nước Đông - Bắc Á
Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc lo ngại tỷ lệ sinh ngày càng thấp và nhất trí cần triển khai các biện pháp thiết thực để cải thiện thực trạng này. Tuyên bố này được đưa ra tại "Diễn đàn dân số Hàn-Nhật-Trung lần thứ nhất năm 2024" do Bộ Y tế và Phúc lợi cùng với Viện Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc tổ chức.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, phát biểu tham luận tại diễn đàn ngày 3/9, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ sinh thấp đang nổi lên như một rủi ro chung ở 3 quốc gia. Hàn Quốc đang chứng kiến tỷ lệ sinh đang thấp nhất thế giới, trong khi dân số Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng và Trung Quốc - quốc gia đông dân số thứ hai thế giới - cũng đang rơi vào tình trạng này. Do đó, các chuyên gia kêu gọi các nước phổ biến các chính sách cân bằng giữa công việc và gia đình, tăng chi tiêu công ở mức các nước tiên tiến để giải quyết bài toán tỷ lệ sinh thấp.
Theo chuyên gia Lee Sang Rim - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách dân số thuộc Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), nhận thức của thế hệ trẻ hiện về hôn nhân và sinh con đã thay đổi đáng kể. Tỷ lệ nam giới chưa lập gia đình trả lời "Tôi nên kết hôn" hoặc "Tôi khuyên bạn nên kết hôn" đã giảm từ 75,5% vào năm 1998 xuống còn 39,8% vào năm 2022. Phản ứng của phụ nữ chưa lập gia đình cho thấy sự sụt giảm lớn hơn, từ 52,1% xuống 23,5% trong cùng kỳ. Tỷ lệ phản hồi tiêu cực rằng "tốt hơn là không nên kết hôn" vẫn ở mức khoảng 10% đối với cả nam và nữ. Đó là một chỉ báo về nhu cầu cần có chính sách đối phó với tỷ lệ sinh thấp.
Chuyên gia Lee Sang Rim cho rằng mục tiêu chính sách giải quyết tỷ lệ sinh thấp của Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng từ việc mang thai và sinh con sớm sang lao động và nhà ở, nhưng chính sách thực tế không đi chệch khỏi các dịch vụ phúc lợi. Hàn Quốc coi tỷ lệ sinh thấp là một vấn đề về chi phí bằng cách chỉ liệt kê các dịch vụ và dự án hỗ trợ tiền mặt.
Chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản Mori Koizumi cũng cho rằng sự thay đổi trong nhận thức của những người trẻ tuổi là một biến số chính dẫn đến tỷ lệ sinh thấp. Trong số những người đàn ông Nhật Bản chưa kết hôn trong độ tuổi 18-34, tỷ lệ những người được hỏi cho biết không có ý định kết hôn suốt đời đã tăng từ 9,4% vào năm 2010 lên 17,3% vào năm 2021. Phụ nữ cũng tăng hơn gấp đôi từ 6,8% lên 14,6%.
Theo nhà nghiên cứu Mori Koizumi, để thay đổi xu hướng tỷ lệ sinh thấp, không chỉ cần thay đổi hệ thống và các biện pháp hỗ trợ mà còn phải thay đổi nhận thức và chuẩn mực giới về hôn nhân và sinh con. Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế dân số và Lao động thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc Dow Yang cho biết tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc, giống như các nước tiên tiến khác, đã dẫn đến tỷ lệ sinh giảm.