Tuyển Việt Nam và cuộc 'khủng hoảng' trung phong thời hậu Công Vinh
(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Việt Nam thời hậu Công Vinh đang trở nên thiếu sắc bén hơn bao giờ hết. Không những thế, hàng công đội tuyển thời điểm hiện tại đang sở hữu chiều cao khiêm tốn nhất trong vòng 10 năm qua.
- Cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Weigang qua đời ở tuổi 81
- 'Lính U20' và cuộc chiến giành vị trí ở đội tuyển Việt Nam
- HLV Hữu Thắng: ‘Tôi rất lo lắng với lực lượng đội tuyển Việt Nam’
Từ những HLV ngoại như ông Alfred Riedl, Henrique Calisto, Toshiya Miura đến các thầy nội như HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Thắng, mỗi năm đội tuyển Việt Nam đều triệu tập từ 5 đến 7 gương mặt cho vị trí tiền đạo.
Trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, những HLV ngoại từng dẫn dắt đội tuyển đều rất trọng dụng những tiền đạo cắm có thể hình tốt. HLV Riedl trọng dụng Anh Đức (1.8m), với ông Calisto là Việt Thắng (1.77m) và với HLV Miura là Mạc Hồng Quân (1m80). Những cái tên ấy có thể không ghi nhiều bàn thắng nhưng đáp ứng được yêu cầu về sức mạnh trong các pha tranh chấp, khả năng làm tường, tì đè hậu vệ đối phương và mở ra nhiều phương án tấn công hơn cho đội nhà.
Chiều cao trung bình của các tiền đạo được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam đạt giới hạn cao nhất là 1m76 vào năm 2014 khi HLV Miura triệu tập Công Vinh (1.72m), Anh Đức, Văn Quyết (1.72m), Hải Anh (1.78m) và Hồng Quân (1.8m) cho chiến dịch AFF Suzuki Cup 2014. Ngược lại, năm 2011, 2016 và 2017, đội tuyển Việt Nam sở hữu hàng công có chiều cao khiêm tốn nhất với chỉ 1.71m.
Một nghiên cứu của Đại học Trung Âu ở Budapest (Hungary) do Achim Kemmerling thực hiện chỉ ra rằng đa phần những đội có hệ số điểm FIFA càng cao thì trình độ của đội tuyển tỉ lệ thuận với chiều cao trung bình của nam giới tại quốc gia đó.
Từ kết quả đó, Chris Anderson, chủ sở hữu của blog Soccer by the Numbers trả lời trên tạp chí The Atlantic: “Cầu thủ thường có chiều cao tốt hơn mức trung bình của quốc gia đó. Nó cho tôi một câu chuyện về sức mạnh, cao là một lợi thế, và cao hơn sẽ tạo nên nhiều lợi thế hơn.
Mặc dù khả năng chịu đựng và sự nhanh nhẹn là yếu tố quan trọng trong bóng đá nhưng, chiều cao cũng là một lợi thế không nhỏ. Chiều cao tốt giúp các thủ môn kiểm soát tốt vòng cấm cũng như lý giải cho việc tại sao những người có chiều cao tốt nhất của đội lại nằm ở vị trí trung vệ hay tiền đạo”.
Thành công của bóng đá Việt Nam luôn gắn với tên tuổi của những tiền đạo cắm xuất sắc nhất. Tuyển Việt Nam hiện tại lại thiếu một người như thế, một cá nhân có thể hình tốt, có sức mạnh và đủ sức đảm đương vị trí trung phong cắm.
Văn Quyết chỉ chơi hay ở Hà Nội FC khi anh đá cặp cùng một trung phong đẳng cấp như Gonzalo hay Samson. Còn Công Phượng, cố nhét anh vào đá trung phong chẳng khác gì bắt "cá trèo cây".
Tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng đang đi theo triết lý chơi bóng ngắn. Chris Anderson trong phần trả lời trên The Atlantic cho rằng không phải nền bóng đá nào cũng có thể thi đấu tiki-taka như CLB Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha. Lối chơi ấy cần một thế hệ chơi bóng cùng nhau với cùng một triết lý lâu năm và phải là những cá nhân có IQ về bóng đá rất tốt.
Thay vì ảo tưởng về tiki-taka, con đường phát triển của bóng đá Nhật Bản có lẽ là một thứ gì đó thiết thực hơn. Nhật Bản chú trọng đến phát triển đào tạo trẻ, kỹ năng chơi bóng nhưng không quên thay đổi thể chất của người dân trong nước. Từ một quốc gia yếu về bóng đá, Nhật Bản vươn lên trở thành nền bóng đá hàng đầu ở châu Á, đi kèm với đó là chiều cao của nam giới Nhật tăng từ 1.50m (1950) lên 1m72 (2016), con số đó ở Việt Nam là 1.64m.
Ngước nhìn sang hàng tiền đạo của Thái Lan hẳn nhiều người hâm mộ Việt Nam sẽ thèm thuồng, họ có Teerasil Dangda (1.81m), Siroch Chatthong (1.83m) và Adisak Kraisorn (1.82m) với độ tuổi trung bình 26,6 cùng 51 bàn thắng cho đội tuyển.
Bóng đá Thái Lan đang loay hoay tìm cách khẳng định đẳng cấp ở châu Á và thế giới. Cùng thời điểm ấy, bóng đá Việt Nam vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng vị trí trung phong thời hậu Lê Công Vinh.
Hiếu Lương