Tuyển Việt Nam từng không ngại Tây Á
(Thethaovanhoa.vn) - Có một sự thật không thể chối cãi rằng bóng đá Việt Nam vẫn chưa đạt tới đẳng cấp của các đại diện Trung Đông hoặc Đông Bắc Á. Tuy nhiên, nếu lịch sử là 15 năm đổ lại, thi thoảng chúng ta cũng có thể nói chuyện sòng phẳng với họ ở một số trận đấu cụ thể. Nó thể hiện ở kết quả để lại.
Tại vòng loại Asian Cup 2004, đội tuyển Việt Nam với thuần tuý là lực lượng U23 QG chuẩn bị SEA Games 22 trên sân nhà đã làm nên địa chấn ở Oman, sau chiến thắng lịch sử 1-0 trước Hàn Quốc, đương kim đệ tứ anh hào thế giới. Bàn thắng duy nhất trận đấu được ghi bởi Văn Quyến sau pha thoát xuống phá bẫy việt vị và đón đường chuyền vượt tuyến của Tuấn Phong. Chiến thắng lịch sử chưa thể giúp nền bóng đá xứ sở sang trang, nhưng nó tạo ra những tiền đề quan trọng.
Cho đến thời điểm này, đấy vẫn được xem là kỳ tích, là kết quả khả dĩ nhất trong các cuộc đối đầu ở cấp độ ĐTQG của bóng đá Việt Nam với các đại diện Đông Bắc Á tại các giải đấu chính thức. Tuy nhiên, trước các đối thủ Tây Á, bóng đá Việt Nam từng không ít lần đánh bại họ, từ sân chơi Asian Games (dành cho Olympic QG) đến Asian Cup (ĐTQG).
Năm 2007, cùng với thành tích lọt tới vòng 3 vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 của đội tuyển Olympic Việt Nam, đội tuyển Việt Nam dưới triều đại Alfred Riedl đã từng đả bại cả Oman, Lebanon và hàng loạt đối thủ khác. Trước đó, khi VCK Asian Cup 2007 được tổ chức trên sân nhà, đội tuyển Việt Nam thậm chí còn hạ cả UAE, cầm hoà Qatar... để lần đầu tiên lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục, và chỉ phải dừng bước trước nhà vô địch năm đó là Iraq.
Các kỳ Á vận hội 2010 và 2014, bóng đá Việt Nam tiếp tục giành được các kết quả khả quan trước các đối thủ trên cơ đến từ khu vực này. Cụ thể, Olympic Việt Nam đã thắng Bahrain với tỷ số 3-1 ở Quảng Châu (Trung Quốc) và chỉ thua sát nút 0-1 trước Iran để bước tiếp vào vòng knock-out bằng cửa phụ. Không phải đợi lâu, 4 năm sau ở Incheon (Hàn Quốc), Olympic Việt Nam của HLV Miura bây giờ thắng đậm Iran tới 4-1.
Tại sao bóng đá Việt Nam lại có những chiến thắng được liệt vào hàng điển tích khi đối đầu với các đại diện Trung Đông hay Tây Á? Bất ngờ xảy ra khi một đội bị đánh giá yếu hơn thắng đội mạnh hơn, là thời điểm mà chúng ta tiết chế được tối đa sở đoản và phát huy tốt nhất sở trường. Trước các đối thủ cao to, chiến thuật chơi bóng mặt đất, phòng ngự chặt và tổ chức tấn công nhanh khi đoạt được bóng là lựa chọn duy nhất.
Và sự khác biệt được tạo ra khi chúng ta tận dụng được những cơ hội ít ỏi, trong khi đối thủ lại phung phí. Hai pha tổ chức phản công chớp nhoáng và chính xác đến từng cm đã giúp đội tuyển Việt Nam có 2 bàn thắng vào lưới UAE năm 2007, cho đến nay vẫn được xem là kinh điển của nghệ thuật phòng ngự phản công. Và có bất ngờ không, khi một hậu vệ như Quang Thanh cũng có thể băng lên như tên bắn ghi bàn (sau cú chọc khe của Minh Phương, bàn còn lại do công của Công Vinh)? Câu trả lời là không, bởi chiến thuật phòng ngự phản công cho phép người gần bóng nhất thực hiện điều có thể.
Trước một Iraq đã qua thời đỉnh cao, biết đâu được khi chúng ta được chơi sân nhà. Một chiến thắng là đòi hỏi thái quá, nhưng HLV Miura và các học trò có quyền nghĩ đến kết quả hoà, nếu đội bóng đạt được sự hợp lý tối đa về bày binh bố trận.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa