Tuyển Việt Nam thèm khát 'người hùng' của Thái Lan
(Thethaovanhoa.vn) - Thái Lan lên đỉnh Đông Nam Á sau chiến thắng 2-0 ở trận chung kết lượt về với Indonesia. Siroch Chatthong trở thành người hùng với cú đúp bàn thắng. Siroch từ vô danh đã khiến tất cả phải chú ý, còn với bóng đá Việt Nam, anh là mẫu tiền đạo đang cực kỳ khan hiếm.
- CĐV Việt Nam khâm phục Thái Lan, tiếc nuối cho Alfred Riedl
- Thái Lan 5 lần vô địch Đông Nam Á, HLV Alfred Riedl lại về nhì
- Nghệ thuật xây dựng thương hiệu của bóng đá Thái Lan
Siroch Chatthong vẫn còn vô danh với nhiều người hâm mộ Thái Lan trước tháng 9 năm nay. Nhiều người vẫn còn ngạc nhiên về một tiền đạo lực lưỡng, đến từ CLB Ubon UMT United thuộc giải hạng Nhất Thái Lan – Thai Division 1 League được HLV Kiatisak tung vào sân đá với đội bóng hàng đầu của châu Á, Nhật Bản tại vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á.
Siroch Chatthong (số 9) đem lại sức mạnh cơ bắp cho hàng công Thái Lan. Ảnh: AFF Suzuki Cup.
Tiền đạo 24 tuổi khi ấy khác biệt hoàn toàn với các đồng đội tại đội tuyển quốc gia với chiều cao 1,84m và một thân hình vạm vỡ, sự khác biệt ấy còn lớn hơn khi anh đứng cạnh các cầu thủ tấn công như Chanathip Songkrasin hay cả đội trưởng Teerasil Dangda. Chính người hâm mộ Thái Lan cũng mông lung với quyết định của HLV trưởng Kiatisak.
Họ sợ Siroch thoạt nhìn trông khá vụng về sẽ phá vỡ lối chơi “tik-tok” quyến rũ mà Thái Lan đang theo đuổi. HLV Kiatisak từng chấn an dư luận vào hồi tháng 9: “Siroch là mẫu tiền đạo mà tôi rất cần. ĐT Thái Lan cần một người như Siroch và tôi đã gọi cậu ấy dù cậu ấy chưa bao giờ chơi ở giải đấu cao nhất của Thái Lan”. Và cho đến thời điểm này, Kiatisak đã đúng.
Trận chung kết lượt đi với Indonesia, Thái Lan với bộ ba tấn công Teerasil, Chanathip và Sarawut gần như bất lực trước hàng phòng ngự của đội bóng xứ vạn đảo. Sức mạnh của Pradana, Lilipaly, thể hình của Hansamu và Fachruddin gây khó cho những đôi chân kỹ thuật của người Thái. Họ có bàn thắng sớm nhờ công của Teerasil Dangda nhưng sau đó là gần 60 phút bế tắc.
Cuối hiệp 2, Siroch được tung vào sân, anh không ghi bàn, không quá nổi bật nhưng rất nhiều phóng viên của các tờ báo tại châu Á như FourFourTwo phiên bản Singapore, Bangkok Post, Goal phiên bản Thái Lan đều đưa ra chung nhận định, Kiatisak lẽ ra nên tung Siroch vào sân sớm hơn. Đơn giản vì họ tin vào sức mạnh thể chất, khả năng tì đè và tốc độ Siroch đem lại trước “bức tường” Indonesia.
Quả thật, HLV trưởng Thái Lan đã làm đúng như thế. Ông thay Sarawut bằng Siroch và thêm một sự thay đổi nhỏ khi thay Pokklaw A-nan bằng Charyl Chappuis đá cặp với Sarach ở trung tâm hàng tiền vệ. Thái Lan đá phóng khoáng hơn rất nhiều, Siroch tạo áp lực rất tốt lên cặp trung vệ Indonesia dù anh đá dạt cánh trái, trong một tình huống như thế ở phút 27 anh khiến Hansamu Pranata chuyền bóng trúng chân Tristan Do, tiếc là hậu vệ phải này không tận dụng thành công.
Thế nhưng, bàn thắng may mắn ở phút 37, rồi cú cứa lòng đẹp mắt ở phút 47 đã khẳng định Siroch là ngôi sao tại Rajamangala tối 17/12. Bàn thắng thứ hai còn đập tan sự nghi ngờ của người hâm mộ Thái Lan về một tiền đạo to lớn nhưng vụng về.
Siroch (số 9) chỉ là cầu thủ đến từ giải hạng Nhất Thái Lan, thế nhưng anh vẫn được trọng dụng bên cạnh các ngôi sao như Teerasil Dangda, Chanathip Songkrasin hay Sarach Yooyen. Ảnh: Bangkok Post.
Thi đấu 11 trận, ghi 3 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia. Siroch Chatthong là dẫn chứng sinh động cho phong cách tại ĐTQG của HLV Kiatisak. Thứ nhất, tất cả các cầu thủ đều có cơ hội nếu trình diễn tốt ở bất cứ giải đấu nào cấp CLB (Siroch đá ở giải hạng Nhất Thái Lan – PV).
Thứ hai, Thái Lan hay bất cứ đội bóng nào trên thế giới muốn đá quyến rũ đẹp mắt cũng cần một vài cầu thủ có thể hình và sức mạnh như Siroch dù kỹ thuật hạn chế. Cầu thủ ấy là giải pháp khi gặp những đối thủ giàu thể lực và tăng sức chiến đấu cho chính đội nhà.
Không cần đến ý nghĩa lớn lao như vậy, bóng đá Việt Nam vẫn thèm khát một mẫu tiền đạo như Siroch cho vị trí tiền đạo cắm. Sau Huỳnh Đức, Anh Đức và Văn Thắng, tuyển Việt Nam chưa trình làng bất cứ mẫu tiền đạo nào có thể làm tường tốt và giàu sức mạnh như thế. Và giờ Công Vinh đã giải nghệ, liệu HLV Hữu Thắng có dám tin vào những cái tên như Duy Long hay Văn Thắng như cách HLV Kiatisak tin vào Siroch Chatthong?
Đội tuyển Thái Lan sở hữu đội hình có chiều sâu nhất giải Tại AFF Suzuki Cup 2016, Thái Lan cho thấy họ có nhiều phương án thay thế nhân sự hơn hẳn các đội tuyển khác. Sarawut Masuk, 26 tuổi, là tiền vệ cánh nhưng ghi 3 bàn thắng, trong đó có 2 bàn mang tính chất quyết định đến chiến thắng trước Singapore và Philippines. Siroch sẵn sàng thay thế Teerasil Dangda, Charyl Chappuis thay thế Pokklaw và Sarach ở vị trí tiền vệ trung tâm, Peerapat thay thế Theerathon ở vị trí hậu vệ cánh trái,... Tất cả đều để lại dấu ấn nhất định, đều đá thoải mái trong lối chơi của HLV Kiatisak. Sự phụ thuộc vào một cầu thủ nào đó gần như được hạn chế đến mức tối đa. Các cầu thủ Thái Lan vì thế luôn có thể bị thay thế bất cứ lúc nào nếu thi đấu không tốt. Thể lực suy giảm cũng được giải quyết khi HLV Kiatisak liên tục xoay tua từ đầu giải, chưa một lần nào Thái Lan đá cùng 1 đội hình ở hai trận liên tiếp tại AFF Suzuki Cup năm nay. |
Hiếu Lương