Tuyển thủ U20 Việt Nam ngồi dự bị quá lâu dù World Cup đã cận kề
(Thethaovanhoa.vn) - U20 Việt Nam sẽ bắt đầu hành trình tại giải U20 World Cup trong khoảng 2 tháng nữa, nhưng số cầu thủ được thi đấu tại CLB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một câu chuyện bình thường hay đó là vấn đề hóc búa với HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn?
- Xác định đối thủ của U20 Việt Nam tại World Cup, ông Nguyễn Văn Mùi mất quyền phân công trọng tài
- U20 Việt Nam chốt kế hoạch tập huấn với ‘quân xanh’ từ Bundesliga
- Xuân Trường gửi lời chúc U20 Việt Nam từ Hàn Quốc
Những trụ cột từng giúp U20 Việt Nam lọt vào bán kết U20 châu Á tại Bahrain thì hầu hết không thể cạnh tranh vị trí ở đội 1 (Thủ môn Tiến Dũng, Tiến Dụng, Đoàn Văn Hậu, Minh Dĩ), một số vẫn còn chấn thương hoặc vừa mới hồi phục (Trần Thành, Trọng Đại).
Không được thi đấu chính thức trong một khoảng thời gian dài chắc chắn sẽ khiến cảm giác bóng của nhiều cầu thủ thuộc lứa U20 giảm sút trầm trọng. Nhiều người cho rằng điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giải đấu lịch sử trên đất Hàn Quốc của U20 Việt Nam, thế nhưng đây không chỉ là câu chuyện riêng của bóng đá Việt Nam.
Quang Hải là cái tên hiếm hoi thuộc lứa U20 thi đấu ổn định tại CLB. Ảnh: Thanh Hà.
Đương kim vô địch giải U19 châu Á Nhật Bản cũng chỉ có 5 cầu thủ thường xuyên được ra sân thi đấu. Các giải đấu của Nhật Bản mới bắt đầu khởi tranh được 2 vòng đấu, hậu vệ Yuta Nakayama (Kashiwa Reysol) là cái tên hiếm hoi được đá trọn vẹn 180 phút tại hạng đấu cao nhất Nhật Bản. Ở J-League 2, hậu vệ Tomiyasu, Ryo Hatsuse Tomoki Iwata là 3 cái tên được ra sân thi đấu nhiều nhất. Còn lại, phần lớn đều làm bạn với băng ghế dự bị.
Đội chủ nhà U20 Hàn Quốc có tiền vệ Han Chan-hee đá chính thường xuyên cho Jeonnam Dragons tại K-League Classic. Còn lại đa phần ăn tập tại đội trẻ trong nước hoặc nước ngoài, điển hình như tiền đạo Paik Seung-ho thi đấu cho Barcelona II tại giải hạng 3 Tây Ban Nha.
Các đội tuyển trẻ của châu Á có ít cầu thủ được đá chính tại cấp CLB là câu chuyện chung. Điều khác biệt lớn nhất giữa các nền bóng đá nằm ở môi trường cầu thủ được đào tạo có đẳng cấp khác nhau.
Trọng Đại (phải) chỉ vừa mới trở lại sau chấn thương và có trận đấu đầu tiên tại mùa giải mới khi Viettel gặp Nam Định tại vòng 5 giải Hạng nhất Quốc gia Sứ Thiên Thanh 2017. Ảnh: VSI.
Nói rộng ra thế giới, sự khác biệt ấy còn được nới rộng hơn rất nhiều khi nhìn sang các nền bóng đá phát triển như Anh, Pháp Đức, Italia và Bồ Đào Nha (5 đội tham dự VCK U20 World Cup). Họ có hệ thống các giải đấu cho những cầu thủ trẻ từ trong nước (Development League) đến UEFA Youth League. Những cầu thủ này không có cơ hội đá cho đội 1 nhưng vẫn thường xuyên có từ 30 – 50 trận đấu tại giải trẻ trong suốt một năm.
Đức Chinh được trao cơ hội do tiền đạo Đỗ Merlo vẫn đang trong quá trình điều trị chấn thương. Ảnh: VSI.
Những cầu thủ trẻ ở Việt Nam vì thế thiệt thòi hơn hẳn mỗi khi bước ra “sân khấu lớn” để thi đấu. Một vài cầu thủ hiếm hoi có được những trận đá chính tại CLB với nhiều lý do khác nhau. Quang Hải đang là một trong những ngôi sao trẻ đáng xem nhất tại V-League 2017 với 4 bàn thắng sau 8 vòng đấu. Thái Quý được chính HLV trưởng Chu Đình Nghiêm thừa nhận là phương án giảm tải cho những đàn anh tại khu trung tuyến Hà Nội FC.
Trong khi đó, Đức Chinh là phương án thay thế khả dĩ nhất cho vị trí tiền đạo cắm của SHB Đà Nẵng khi Đỗ Merlo vẫn đang trong quá trình hồi phục chấn thương. Ở giải Hạng nhất, Văn Hào là trụ cột của một Viettel ưu tiên dùng “gà nhà”.
Trông đợi vào đợt tập huấn tại châu Âu U20 Việt Nam dự kiến sẽ tập trung vào cuối tháng 3 và có khoảng hai tuần tập thể lực tại Nha Trang. Sau đó, toàn đội sẽ có hai tuần tập huấn tại Đức (từ 16-28/4) và có 3 trận giao hữu với những đội trẻ như Schalke 04, Borussia Monchengladbach và Fortuna Dusseldorf. Kết thúc chuyến tập huấn, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ bay về Hà Nội và có tiếp một vài trận giao hữu nữa trước khi chính thức bay san Hàn Quốc, tham dự VCK U20 World Cup. |
Hiếu Lương