Tương lai của hàng rong
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành văn hóa Hà Nội vào tuần qua, Thứ trưởng Bộ VH,TT& DL Vương Duy Biên bất ngờ nhắc tới… những gánh hàng rong.
- Nhiếp ảnh rong 'phải lòng' hàng rong Hà Nội
- Những hình ảnh trên cao tuyệt đẹp của các gánh hàng rong Hà Nội xuất hiện trên báo Mỹ
Ông nói đại ý, đó là một nét văn hóa của Hà Nội, do vậy ngành quản lý cần quy hoạch, tổ chức làm sao để quản lý tốt nhưng lại vẫn gìn giữ được nét văn hoá hàng rong, văn hóa vỉa hè.
Thực tế, không phải đến bây giờ, chúng ta mới nhắc tới “văn hóa hàng rong” của Hà Nội. Ngay từ hơn một thế kỷ trước, các học giả phương Tây cũng đã rất hào hứng với “đặc sản” này.
Chẳng hạn, có thể kể tới cuốn Hàng rong và tiếng rao trên phố Hà Nội của F.Fénis (xuất bản năm 1929) với 28 bức ký họa ghi lại các gánh hàng tào phớ, kem, dâu, báo, mía.
Hoặc, trong cuốn Bắc kỳ - Phong cảnh và ấn tượng in năm 1944, nữ tác giả người Pháp - Hilda Arnhold - cũng dành khá nhiều trang để nói về tiếng rao hàng của những gánh hàng rong tại Hà Nội, kèm theo đó là câu chuyện về thân phận của tầng lớp bình dân đang kiếm sống bằng phương thức buôn bán ấy.
Đó là chuyện cũ. Còn trong hoàn cảnh bây giờ, chỉ cần tìm kiếm trên mạng, chúng ta có thể bắt gặp vô vàn những chia sẻ (kèm theo hình ảnh) của du khách quốc tế quanh những gánh hàng rong tại Hà Nội.
Điển hình, John Ramden và Loes Heerink, 2 nhiếp ảnh gia quốc tế từng có tên trong giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (do báo Thể thao và Văn hóa - TTXVN tổ chức) cũng đã có những tác phẩm rất ấn tượng về hàng rong Hà Nội.
***
Nhưng, chúng ta cũng không khó để tìm ra những nét thiếu tích cực của hàng rong. Hàng loạt câu chuyện về những gánh hàng rong chèo kéo, quấy rối để bán hàng cho du khách tại Hồ Gươm với giá siêu đắt là một ví dụ.
Từ thực tế của một đô thị đang phát triển như Hà Nội, ai cũng hiểu rõ: hàng rong là khởi nguồn cho sự cạnh tranh không công bằng về giá cả và điều kiện đảm bảo chất lượng (so với các cửa hàng, quán ăn đang hoạt động nghiêm chỉnh theo những quy định hiện hành). Ngoài ra, hàng rong cũng là một trong những lý do khiến giao thông đô thị ngày càng tệ hại hơn, khi không gian dành cho người đi bộ bị chiếm dụng.
Bởi thế, gần 10 năm trước, “cuộc chiến” với hàng rong được bắt đầu tại Hà Nội, khi thành phố chính thức công bố danh sách 72 tuyến đường cấm bán hàng rong (kể từ ngày 1/7/2008). Để rồi, kể từ đó tới nay, vấn đề quản lý các gánh hàng rong vẫn luôn diễn ra trong tình cảnh giằng co qua lại.
Thời điểm ấy, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành ước tính rằng Hà Nội có khoảng vài trăm ngàn người bán hàng rong. Nếu lấy trung bình mỗi gánh hàng rong bán được 200.000 đồng tiền hàng mỗi ngày, số tiền thu về chỉ trong một ngày có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.
***
Trong sự phát triển theo hướng hiện đại hóa của Hà Nội, chỗ đứng của hàng rong ngày càng ít dần. Muốn hay không, ta vẫn phải chấp nhận thực tế đó.
Bởi vậy, việc đưa “văn hóa” hàng rong phục vụ du lịch là một giải pháp hợp lý và tích cực. Và, cũng đã có rất nhiều ý kiến nhắc tới việc Hà Nội nên có những giải pháp “mở cửa” cho hàng rong vào phục vụ tại những khu vực như phố đi bộ Hồ Gươm, thậm chí xa hơn là thành lập những “phố hàng rong” đặc thù.
Tất nhiên, để làm điều ấy, cần có những giải pháp đi kèm về việc quản lý chất lượng sản phẩm, giữ gìn vệ sinh, tập huấn về văn hóa bán hàng… thậm chí là khuyến khích sử dụng trang phục truyền thống.
Chẳng ai ảo tưởng rằng việc phục vụ du lịch có thể giải quyết toàn bộ “đầu ra” cho những gánh hàng rong ở Hà Nội. Nhưng, chúng ta hãy cứ gắng làm những gì tốt nhất trong khả năng, để ít ra, có thể biến hàng rong thành một nét văn hóa đặc thù của Hà Nội.
Anh Bảo