Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Điện ảnh Việt Nam thực hiện sứ mệnh văn hóa
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), Cục Điện ảnh đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội), các Sở VH,TT&DL và các đơn vị điện ảnh của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai Tuần phim kỷ niệm sự kiện này từ ngày 25/2 đến ngày 3/3/2023. Tôi là một trong những khán giả cùng gia đình, bạn hữu có mặt tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia xem trọn vẹn Tuần phim ý nghĩa này.
1. Những tác phẩm điện ảnh được chiếu trong tuần phim gồm ba thể loại: phim hoạt hình, phim tài liệu và phim truyện. Thể loại phim hoạt hình gồm 4 bộ: Kỳ tích đầm Dạ Trạch, Tái sinh và nguồn cội (Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), Đôi cánh kim cương (Công ty CP phim Giải phóng); ba phim tài liệu: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, Chầu văn - âm hưởng linh thiêng (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương), Hồ Chí Minh, năm 1946 (phần 2, Công ty CP Truyền thông Vietking); bốn bộ phim truyện: Bình minh đỏ (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam), Nhà tiên tri (Công ty TNHH Hãng phim Truyện Việt Nam), Cơn giông (Công ty CP phim Giải phóng), Phượng cháy (Công ty CP phim Truyện I).
Chùm bốn phim hoạt hình đã mang đến bao cảm xúc cho trẻ thơ bởi chất lượng phim được nâng cao thể hiện qua hình ảnh đẹp, màu sắc tươi tắn, diễn xuất mềm mại, âm thanh sống động... Đặc biệt, nội dung phim phong phú, hấp dẫn, sinh động, gần gũi với thế giới tuổi thơ. Việc đưa phim hoạt hình vào tuần phim phục vụ thiếu nhi là bước đi đúng hướng, quan tâm đến thế hệ tương lai, gắn tác phẩm nghệ thuật với bồi dưỡng thẩm mỹ, kỹ năng, nhân cách, đạo đức, lối sống, giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước của dân tộc cho thiếu nhi. Từ đó hình thành cho khán giả nhỏ tuổi kỹ năng, thói quen tới rạp thưởng thức tác phẩm nghệ thuật...
Phim tài liệu Văn hóa soi đường cho quốc dân đi do NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách đạo diễn - cùng ê-kíp của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bộ phim đã phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn, làm sáng rõ thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Phim truyện Bình minh đỏ (kịch bản: Minh Nguyệt, đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân - Trần Chí Thành) được chiếu khai mạc tuần phim. Đây là lần thứ ba, tôi xem lại bộ phim này sau buổi chiếu ra mắt (4/2022) tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và giải Cánh diều tại TP Nha Trang (9/2022). Lấy cảm hứng từ những gương chiến đấu anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, phim Bình minh đỏ đã tôn vinh những nữ chiến sĩ lái xe đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hình tượng bốn nữ chiến sĩ lái xe được xây dựng hết sức chân thực, giản dị, mang vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên, đằm thắm, nữ tính, khao khát được yêu, khát khao được sống... như bất kỳ người phụ nữ nào. Nhưng khi đất nước có chiến tranh, các chị đã sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Phim Bình minh đỏ mang đến bao cảm xúc cho khán giả. Chị Thẩm Ngọc Liên ở Liên gia văn hóa 12 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã không giấu nổi cảm xúc, sự ám ảnh. Chị nói bộ phim cần phổ biến rộng rãi cho nhiều người xem, nhất là thế hệ trẻ để hôm nay được sống trong hòa bình con cháu hiểu, tri ân với sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Tính đến tuần phim này, tôi đã xem phim Nhà tiên tri lần thứ 5, kể từ lần đầu được Hãng phim Truyện Việt Nam mời xem, góp ý cho bộ phim tại số 4 Thụy Khê cùng đạo diễn Vương Đức, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, biên tập Nguyễn Quang Thiều, NSND Bùi Bài Bình - người vào vai lãnh tụ Hồ Chí Minh...
Tôi có may mắn được tiếp cận kịch bản phim từ khi được lãnh đạo giao đọc, nhận xét tác phẩm. Kịch bản được Hoàng Nhuận Cầm viết dựa trên hai truyện ngắn Việt Bắc anh dũng và Giấc ngủ 10 năm, do Bác Hồ sáng tác trong giai đoạn 1947-1951. Thời điểm đó, đất nước ở trong tình thế vô vàn cam go, khi thực dân Pháp vây ráp, vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc... Bác và cơ quan trung ương cách mạng chuyển lên căn cứ Việt Bắc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, gian khổ. Lúc đầu, tên Nhà tiên tri khiến nhiều người còn băn khoăn. Qua nhiều lần bàn bạc, cuối cùng tên phim vẫn được giữ nguyên như kịch bản.
Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm từng cho biết, từ hai truyện ngắn của Bác, anh đã tập trung khai thác, làm nổi bật khả năng phán đoán, tính dự báo, tiên đoán tài tình của Bác về ngày Hà Nội giải phóng. Hình tượng Bác trong phim Nhà tiên tri thể hiện ở lòng yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí độc lập, tự do, đức tính giản dị, khiêm tốn, hòa đồng, yêu thương... Đồng thời, bộ phim toát lên sự bình tĩnh, tin tưởng vào tương lai, nuôi khát vọng hòa bình... Bộ phim được ra mắt nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2015).
Phim Cơn giông (đạo diễn: Trần Ngọc Phong) được Ngô Hoàng Giang chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Lê Văn Thảo. Bộ phim ra mắt khán giả TP.HCM ngày 22/12/2021. Cơn giông là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp văn học của cố nhà văn Lê Văn Thảo, đã đoạt "cú đúp" giải thưởng: giải B (không có giải A) Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (2003); giải thưởng văn học Đông Nam Á (2006). Bối cảnh phim là rừng đước Cà Mau thập niên 1980 với từng thân phận con người miền Tây Nam bộ.
Tôn trọng tính chân thực, nhân văn của tác phẩm, đạo diễn đã cố gắng thực hiện, cam kết với niềm mong của nhà văn là đưa lên màn ảnh rộng sao cho chân thực, xúc động, chạm đến trái tim khán giả, tránh sự "phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương". Cơn giông là bộ phim lộ thiên một vẻ đẹp của thiên nhiên hào phóng, rộng rãi, ngút ngàn, bất tận mà xanh biếc của những cánh rừng ngập mặn, mây trời, sông nước miền Tây Nam bộ. Đằng sau vẻ đẹp đó là những con người hào hiệp, trượng nghĩa, yêu thương, sẵn sàng sống chết cho nhau vì tình người ấm áp. Qua bao biến động, thách thức vô cùng nghiệt ngã, cái còn lại bền thắm chính là tình người, sự nhân văn.
Phim Phượng cháy (đạo diễn: Nguyễn Mạnh Hà, kịch bản: Đỗ Bích Thúy) là bộ phim tâm lý, tình cảm có thời lượng 138 phút (phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi). Bộ phim là câu chuyên chân thực, xoay quanh chủ đề gia đình, ứng xử với con chạm tuổi mới lớn... Nhân vật chính trong phim Phượng cháy là Ngọc 16 tuổi xinh đẹp, học trung học, đang trong giai đoạn thay đổi tâm lý với các mối quan hệ với gia đình, bạn bè...
Ngọc sống trong gia đình có điều kiện kinh tế, được bố chăm sóc, yêu thương; được mẹ kế yêu như con đẻ. Là một doanh nhân thành đạt, ông Phúc - bố Ngọc yêu con theo cách riêng của mình, theo hoàn cảnh riêng của mình. Vợ mất khi Ngọc vừa mới sinh ra, nên bao tình cảm, yêu thương ông Phúc dành hết thảy cho cô con gái côi cút. Lúc nào, người cha cũng ưu tiên con, để mắt đến con, kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi. Can thiệp đến đời sống riêng của con, cha Ngọc đã bí mật thuê thám tử, gắn nhiều camera từ ngoài cổng đến trong nhà, đến gặp cậu bạn của Ngọc...
Ngọc cảm thấy ngột ngạt, bức bối, bế tắc như kẻ bị giam lỏng, bị tổn thương khi quyền tự do cá nhân bị xâm phạm... Xung đột, mâu thuẫn của hai cha con đã lên tới đến đỉnh điểm. Xung đột phim đã được tháo gỡ khi cả hai cha con đã tìm được tiếng nói chung.
2. Ngoài bốn phim hoạt hình chiếu lúc 10h ngày 26/2 phục vụ thiếu nhi, còn lại các bộ phim đều chiếu vào lúc 20h - "khung giờ vàng", thuận lợi cho khán giả đến rạp.
Những bộ phim được chiếu trong tuần phim thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa đất nước, con người Việt Nam phát huy truyền thống yêu nước, nhân văn và nổi bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với thông điệp "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tác phẩm được phát hành và phổ biến trong tuần phim là những bộ phim được đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Để lan tỏa văn hóa từ tuần phim đến với đông đảo khán giả, nhất là khán giả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Cục Điện ảnh đã in ba phim truyện Bình minh đỏ, Phượng cháy, Nhà tiên tri; phim tài liệu Hồ Chí Minh, năm 1946 - Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn (Hồ Chí Minh, năm 1946, phần 2); hai phim hoạt hình Kỳ tích đầm Dạ Trạch và Đôi cánh kim cương gửi đến các đơn vị điện ảnh phục vụ khán giả.
Tuần phim đã thực sự mang đến món ăn tinh thần quý giá cho đông đảo khán giả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần dung dưỡng tình yêu nghệ thuật, bồi dưỡng công chúng thưởng thức các giá trị văn hóa; bồi đắp niềm tin với Đảng và Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây chính là việc làm thiết thực, có ý nghĩa lan tỏa đề cương văn hóa trong cuộc sống hôm nay.