80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Lịch sử văn hóa, văn nghệ Việt Nam mở ra trang mới từ Đề cương
Có thể thấy, các văn kiện định hướng quan trọng của Đảng sau này được soi sáng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Và cũng có thể nói, lịch sử văn hóa, văn nghệ Việt Nam chính thức mở ra những trang mới từ Đề cương.
Đề cương về văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo ra đời tháng 2/1943. Theo hồi ký của nhà văn Học Phi: "Anh Trường Chinh rất quan tâm đến văn hóa, văn nghệ ngay từ hồi mặt trận bình dân", "Theo anh Trường Chinh kể lại thì anh suy nghĩ từ lâu về bản Đề cương văn hóa này... Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp ở Pác Bó, gặp Bác, anh Trường Chinh báo cáo tình hình hoạt động văn hóa. Bác nhận xét và chỉ thị nhiều ý kiến". Đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại nhà cụ Bạch ở làng Võng La, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Căn cứ vào ý kiến từ Hội nghị, đồng chí Trường Chinh đã khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam tại làng Phú Gia (nay thuộc Phú Thượng, TP Hà Nội).
Sau 13 năm công bố đường lối cách mạng Việt Nam trong Luận cương chính trị (1930), bản Đề cương về văn hóa, văn kiện văn hóa đầu tiên ra đời đã xác định quyền lãnh đạo văn hóa của Đảng; khẳng định mặt trận văn hóa phải do Đảng lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa là vấn đề có tính nguyên tắc và đó là cuộc cách mạng lâu dài, bền bỉ.
Bản Đề cương ra đời trong thời điểm đất nước vô cùng bộn bề căng thẳng chống thù trong, giặc ngoài. Dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng, nhưng Đảng ta vẫn bình tĩnh, sáng suốt ban hành Đề cương về văn hóa với mục đích kịp thời là chống lại chính sách văn hóa phản động của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc...
Toàn văn bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đăng trên Tạp chí Tiên Phong số 1 đã phản ánh những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê nin trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam. Đề cương ra đời đã "bồi đắp sự thiếu thốn thốn trong chương trình hành động của Đảng giai đoạn trước" (Đặng Thai Mai); đặc biệt đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng; đặt nền móng lý luận căn bản và định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Đây là văn kiện chính thức đầu tiên, tương đối hoàn chỉnh của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ; đã phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hoá dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân khi Đảng ta ở tuổi 13, khi nước ta chưa được độc lập, dân ta chưa được tự do. Đề cương chính là cuốn cẩm nang có tác dụng soi đường, giúp văn hóa Việt Nam vượt qua thời kỳ đen tối, hướng tới một tương lai rạng rỡ.
***
Đề cương khoảng 1.500 từ chia làm 5 phần: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ văn hóa Việt Nam dưới ách Nhật - Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác xít Đông Dương.
Nhận thức đúng đắn của Đảng được thể hiện ngay trong phần đầu về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, kinh tế. Đề cương xác định văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hoá): a) Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản hoạt động; b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; c) Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả.
Đề cương nêu rõ quan niệm văn hóa của Đảng mới chỉ là nhận thức bước đầu: Phạm vi văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm nhiều thành tố trong đó có tư tưởng, học thuật và nghệ thuật là quan trọng. Trong khi khoa học nghiên cứu về văn hóa xuất hiện ở nước ta tương đối muộn, thì bản Đề cương văn hóa xuất hiện năm 1943 cho thấy "quan niệm về văn hóa mới mẻ, khoa học, phản ánh đúng nhận thức đúng đắn chức năng văn hóa của những người Mác xít" và việc đưa ra quan niệm về văn hóa như vậy chính là sự "vượt lên trước tư duy của thời đại ở Việt Nam" (Phạm Quang Nghị). Vì thế, Đề cương về văn hóa được coi là cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong thời điểm đó.
Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam là phần quan trọng nhất của Đề cương. Nhận thức của cách mạng văn hóa Việt Nam được khẳng định: a) Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được công cuộc cải tạo xã hội; b) Cách mạng văn hóa muốn được hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo; c) Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho cách mạng triệt để mai sau.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin trong điều kiện cách mạng lúc đó, bản Đề cương đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa.
Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Trong bối cảnh đó, Đảng thừa nhận những cải cách lúc này chỉ mang ý nghĩa dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để sau này. Đó chính là tư duy tôn trọng sự phát triển khách quan, không gò bó cứng nhắc theo kiểu rập khuôn máy móc, kìm hãm sự phát triển. Đảng khẳng định cuộc cách mạng văn hóa là một cuộc cách mạng lâu dài, bền bỉ, bởi công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới không phải một sớm, một chiều là có thể hoàn thành. Tính chất nền văn hóa xây dựng là nền văn hóa XHCN. Nền văn hóa XHCN cũng là mục tiêu mà Đảng đề ra.
Đề cương nêu tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam: Văn hóa mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, là một nền văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung...
Đề cương đề cập mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và cách mạng dân tộc giải phóng. Đảng khẳng định hai cuộc cách mạng này gắn bó mật thiết với nhau, trong đó cách mạng văn hóa phải dựa vào cách mạng giải phóng mới có điều kiện phát triển, cách mạng dân tộc giải phóng sẽ làm cho văn hóa Việt Nam có tính dân chủ và tính dân tộc chân chính, tiến bộ.
Đề cương đề ra ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam ở nước ta giai đoạn này, đó là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Trong bài phát biểu 40 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (27/12/1983), đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Một nền văn hóa dân tộc mà không có tính khoa học và tính nhân dân thì có thể vì quyền lợi ích kỷ và hẹp hòi của dân tộc mình mà đi ngược lại bước tiến hóa của lịch sử, cố níu lấy những cái cổ truyền đã lỗi thời của dân tộc mình mà không đặc biệt chú ý đến nguyện vọng thiết tha của công, nông là đa số người cần cù và yêu nước nhất trong dân tộc.
Văn hóa có tính khoa học mà không mang tính dân tộc và tính nhân dân thì rất có thể phục vụ khoa học của kẻ địch, đem lợi ích của mình phục vụ bọn thống trị, phản lại quyền lợi của nhân dân, phản lại độc lập dân tộc và hòa bình trên thế giới.
Văn hóa có tính nhân dân mà không có tính dân tộc và tính khoa học thì sẽ trở nên hẹp hòi, chỉ nhìn thấy lợi ích của công, nông mà không chú ý đến lợi ích của dân tộc để kháng chiến thắng lợi; hoặc theo đuôi quần chúng, không làm cho họ ngày càng giác ngộ thêm về chính trị, hiểu biết thêm về khoa học, kỹ thuật để vận dụng vào sản xuất, chiến đấu và đời sống hàng ngày...".
Đề cương khẳng định tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam là văn hóa có tính dân tộc về hình thức, tính dân chủ về nội dung. Chính vì thế, nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương giai đoạn này.
Phần cuối Đề cương đề cập đến những nhiệm vụ cấp bách của các nhà văn hóa Mác xít: Mục đích trước mắt của văn hóa Việt Nam là chống lại văn hóa phát xít, phong kiến thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân, phỉnh dân, phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương. Công việc phải làm là: Cuộc đấu tranh chống những xu hướng, quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều tai hại ở nước ta nhằm bảo vệ cho học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
***
Đề cương về văn hóa Việt Nam với sứ mệnh lịch sử đặc biệt như một ngọn cờ tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trí thức tham gia cách mạng, hướng đến cuộc đấu tranh giành độc lập, dân tộc.
Ngay sau khi ra đời, Đề cương đã thu hút được đông đảo trí tuệ của dân tộc trong và ngoài nước. Tư tưởng Tổ quốc trên hết, văn hóa soi đường cho quốc dân đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ngọn cờ đã tập hợp mọi giai tầng xã hội, thành phần giai cấp đi theo cách mạng, kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, nhân dân.
Đề cương về văn hóa Việt Nam như tên gọi mới là dạng đề cương, phác thảo một số luận điểm, luận cứ hoạt động của Đảng trong điều kiện hoạt động bí mật. Trung ương dù chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam, nhưng Đề cương đã có vai trò rất lớn, định hướng xuyên suốt hoạt động trên mặt trận văn hóa - văn nghệ của Đảng và có ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Có thể thấy các văn kiện định hướng quan trọng của Đảng sau này được soi sáng từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Có thể nói, lịch sử văn hóa - văn nghệ Việt Nam chính thức mở ra những trang mới từ Đề cương. Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Đề cương kế thừa, phát huy, lan tỏa ánh sáng soi đường, đảm nhận sứ mệnh lịch sử quan trọng đối với việc xây dựng, sự phát triển văn hóa Việt Nam, càng có ý nghĩa hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ba nguyên tắc trong Đề cương: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng đã được bổ sung, điều chỉnh ở giai đoạn sau và có ý nghĩa lớn trong trong chỉ đạo, xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong các nghị quyết về văn hóa văn nghệ: Nghị quyết Trung ương 5 năm khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 23-NQ/TW khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...
Đề cương văn hóa là đỉnh cao trí tuệ, là cái gốc của đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng; là một văn kiện đã đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam; là ngọn cờ tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia, phụng sự sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tinh thần Đề cương văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam và mang tầm vóc cương lĩnh của Đảng.