80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khai thông thể chế, chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa
Tập trung vào vấn đề thể chế để khơi thông các nguồn lực chuyển hóa văn hóa thành sức mạnh mềm của quốc gia là đề xuất quan trọng được nêu ra trong phiên thảo luận bản tròn tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" đầu tuần này.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đặt vấn đề: Tại sao Việt Nam vốn được các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích quốc tế đánh giá là một quốc gia có nguồn tài nguyên sức mạnh mềm văn hóa vô cùng phong phú nhưng cho đến nay chúng ta chưa lọt vào danh sách 30 quốc gia được đánh giá là các cường quốc về sức mạnh mềm?
Một điểm tựa, hai nội hàm
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương làm gì thì cũng phải có điểm tựa. "Ở đây, chúng tôi dựa vào điểm tựa là Đề cương về văn hóa Việt Nam. Chúng ta có thể soi chiếu 2 nội hàm. Đó là nội hàm về sức mạnh mềm văn hóa và nội hàm của nền văn hóa mới - tân dân chủ tại Đề cương đưa ra. Sức mạnh mềm văn hóa xác định phải làm thế nào để gia tăng được sức hấp dẫn, sức lôi cuốn và sự thuyết phục của một nền văn hóa trong quan hệ quốc tế".
Bà Phương lý giải thêm: "Có nghĩa là phải tạo được sức hút sức lôi cuốn sức thuyết phục ngay trong chính dân tộc của chúng ta và sẽ lan tỏa được điều đó thông qua các mối quan hệ quốc tế. Điều này liên quan đến rất nhiều vấn đề trong nước và quốc tế, và nó tạo ra mối liên kết của các kênh tác động đa chiều như: ngoại giao văn hóa, truyền thông, các ngành công nghiệp văn hóa,… Để làm được điều này, liên quan đến rất nhiều vấn đề như hoàn thiện về luật. Và rõ ràng, câu chuyện này không còn là câu chuyện của riêng ngành văn hóa, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội Việt Nam".
Cũng theo Viện trưởng Nguyễn Thị Thu Phương, nếu như chúng ta đặt mình vào 80 năm về trước, khi mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời, với mục tiêu xây dựng một nền văn hóa tân dân chủ có tính dân tộc, khoa học và đại chúng, chúng ta thấy rằng tầm nhìn từ ngày đó với nội hàm về sức mạnh mềm văn hóa trong học thuyết quốc tế cũng như các vấn đề được đặt ra từ Đại hội Đảng lần thứ XIII đều có những điểm tương đồng.
Vậy tại sao không dựa vào điểm tựa này nhìn vào thực tế phát triển của Việt Nam để tạo ra sự huy động đồng bộ, toàn bộ nền chính trị xã hội vào cuộc cho phát triển văn hóa? Bà Phương đề xuất: "Chúng tôi rất mong muốn tạo ra được mô hình ba nhà: nhà nước, nhà đầu tư và nhà sáng tạo, để tạo ra một sự chuyển động thực tế. Điều này làm được nếu chúng ta coi văn hóa là một lĩnh vực được đầu tư ưu tiên như một "mặt trận". Và, "mặt trận" này cần phải được đầu tư như đã đầu tư cho y tế, giáo dục, giao thông - vận tải.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh rằng văn hóa có tính đặc thù. Không phải lúc nào chúng ta cũng đặt tính thị trường của văn hóa lên trên nhưng văn hóa cũng có tính thị trường, do đó, phải có sự phân tách và liên kết một cách uyển chuyển với thực tế. Ví dụ như ở những lĩnh vực mang tính đặc thù như các loại hình nghệ thuật: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói,… phải được có một cơ chế đặc thù để phát triển chứ không thể tự chủ hoàn toàn. Nếu buộc tự chủ hoàn toàn, chúng ta sẽ mất dần những vốn quý trong những loại hình nghệ thuật này.
"Mặt khác, nếu chúng ta tư duy văn hóa như một ngành công nghiệp văn hóa, trở thành mũi nhọn, thì có thể đến năm 2045 sẽ đạt được 7% GDP. Đây không phải là một con số quá sức với Việt Nam" - bà Phương nói - "Chúng ta là một cường quốc của các tài nguyên văn hóa. Nhưng đóng góp đến năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa chỉ đạt 3,61% GDP, đóng góp cho công ăn việc làm chỉ là 6%. Như vậy, chúng ta chưa phát hiện phát huy được tiềm năng và lợi thế".
Lý giải thực tế trên, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương tiếp tục cho rằng điểm nghẽn ở đây là do Luật Đầu tư chưa đặt đầu tư văn hóa như một ưu tiên, và vấn đề hợp tác công-tư còn nhiều điểm nghẽn.
Đồng bộ 3 thành tố "người chơi" - "luật chơi" - "sân chơi"
Gắn việc khai thông thể chế để tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển văn hóa với Đề cương về văn hóa Việt Nam, PGS-TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, trong Đề cương đã đưa ra một luận điểm hết sức quan trọng: "Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội". Và như thế các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa cũng dựa trên luận điểm này. Việc xây dựng thế chế phát triển văn hóa trong giai đoạn mới cũng phải dựa trên luận điểm này.
Nói rộng ra, trên thế giới hiện nay, cả về lý luận và thực tiễn đều có sự thống nhất khá cao là thể chế đóng góp vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia, dân tộc nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, thậm chí làm biến dạng sự phát triển. Cho nên nhận thức đúng và xây dựng được một thể chế phù hợp, hiệu quả là điều hết sức quan trọng, trong đó có thể chế về văn hóa.
PGS-TS Trần Quốc Toản cho biết: Hiện nay, nhận thức về bản chất và cấu trúc của thể chế phát triển cũng có những ý kiến khác nhau nhưng có sự thống nhất khá cao rằng: Thể chế phát triển là một cấu trúc đồng bộ bởi ba thành tố chính. Một là, chủ thể tham gia gọi là "người chơi". Hai là, khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách để các chủ thể hoạt động gọi là "luật chơi". Ba là, nội dung và môi trường, lĩnh vực mà các chủ thể hoạt động gọi là "sân chơi". Chính vì thế khi xây dựng thể chế phát triển phải có sự đồng bộ giữa ba thành tố cấu trúc này.
"Ở nước ta, trước Đại hội XIII của Đảng mới chỉ chủ yếu đề cập đến thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội XIII, lần đầu tiên đề cập đến xây dựng thể chế phát triển tổng hợp đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh bền vững. Đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển trong từng lĩnh vực cụ thể, trong đó có văn hóa" - ông Toản nói - "Thế nhưng, thể chế phát triển văn hóa có những đặc trưng chung của thể chế phát triển nhưng có những đặc trưng riêng thể hiện bản chất, tính chất, hình thức phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, cốt lõi là sự chi phối của các giá trị văn hóa không giống như các giá trị kinh tế mà nó còn mang giá trị con người, chính trị, xã hội, đạo đức…".
Cũng theo ông Toản, "mặc dù trong điều kiện hiện nay, chúng ta đề cập phải đẩy mạnh phát triển thị trường văn hóa, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa nhưng không phải tất cả các lĩnh vực, các sản phẩm văn hóa đều trở thành hàng hóa, đều bị chi phối đầy đủ các quy luật của cơ chế thị trường. Có những lĩnh vực văn hóa không thể phó mặc cho cơ chế thị trường, và có những lĩnh vực cần vận dụng cơ chế thị trường phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy phát triển văn hóa".
Từ thực tế trên PGS-TS Trần Quốc Toản đề xuất phải nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để xây dựng đồng bộ ba thành tố của thể chế văn hóa gồm "người chơi", "luật chơi" và "sân chơi" trên bình diện chung cũng như đối với từng lĩnh vực văn hóa. Trong đó phải chế định rõ vai trò trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình của tất cả các chủ thể liên quan. Đặc biệt là chủ thể nhà nước và các chủ thể hoạt động văn hóa và nhân dân trên cơ sở đó xây dựng các cơ chế chính sách phát triển văn hóa phù hợp hiệu quả.
"Thể chế phát triển là một cấu trúc đồng bộ bởi ba thành tố chính. Một là, chủ thể tham gia gọi là "người chơi". Hai là, khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách để các chủ thể hoạt động gọi là "luật chơi". Ba là, nội dung và môi trường, lĩnh vực mà các chủ thể hoạt động gọi là "sân chơi" - PGS-TS Trần Quốc Toản.