Từ việc đặt tên ca khúc gây ý kiến trái chiều, ngẫm về chuyện nói lái
(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, tựa đề các bài hát như “Nắng cực”, “Như cái lò”, “Như lời đồn”… đang bị dư luận lên án khá nhiều so với những ý kiến ủng hộ, chia sẻ. Mà, lý do chủ đạo của những lời lên án này nằm ở việc các tựa đề ấy khi nói lái đã trở thành những từ khá tục tĩu, khó mà được số đông chấp nhận.
Người viết cho rằng, khi chọn đặt tên các tựa đề này, dụng công của tác giả - người muốn chơi chữ - còn khá thô, thiếu tinh thần trào lộng và thiếu cả trí tuệ theo kiểu đố tục giảng thanh. Chúng ta có thể phản đối tên các bài hát, nhưng đừng từ đó mà quá ác cảm với chuyện nói lái – vốn đã tồn tại hàng ngàn năm tại Việt Nam.
Nói lái là cách chơi chữ hiện diện từ cổ chí kim ở hầu hết các vùng miền- trong đó nổi bật và đa dạng nhất là vùng Bắc Trung Bộ. Chẳng hạn trong truyền thuyết dân gian, Trạng Quỳnh có bài thơ nổi tiếng, thường được nhắc lại trong lịch sử văn học: “Tuyên Quang, Hoằng Hóa cũng thì vua/ Nắng cực cho nên phải mất mùa/ Lại đứng bên đường xin xỏ chị/ Nỡ nào mà chị lại không cho”. Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) thì lại càng nổi tiếng hơn, với hàng chục bài thơ Nôm theo: “Số kiếp tu hành nặng đá đeo/ Hỏi thăm sư phụ đá nơi neo?/ Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc/ Trái gió cho nên phải lộn lèo”.
Trong dân gian, tầng lớp nào cũng có cách nói lái của riêng mình, tùy nghề nghiệp và địa vị xã hội mà có cách húy kị, kiêng cữ riêng. Nhìn chung thì nói lái được coi là bình dân, ít nghiêm túc, có tính cách bông đùa, mỉa mai hoặc châm biếm. Các tác giả viết bài hát “Nắng cực”, “Như cái lò”, “Như lời đồn”… có vẻ chưa chọn được cách chơi chữ, nói lái phù hợp với công việc, địa vị xã hội của mình, thành ra bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Chứ nếu đây là nhạc chế, nhạc kiểu lô tô, sơn đông mãi võ, nhạc hội chợ vùng ven… thì câu chuyện có khi đã khác. Nghĩa là, trường hợp này có vẻ “y phục bất xứng kỳ đức”.
Cũng cần nói thêm, nói lái còn là công cụ đấu tranh của nhân dân với quân xâm lược, với giai cấp bóc lột, cường hào, ác bá. Trong trường hợp này thì phải hiểu nói lái như là cách “đố thanh giảng tục”, cái tục trở thành công cụ để động viên nhau, để lên tinh thần mà cùng nhau chống áp bức. Bài vè dưới truyền tai nhau thời kháng Pháp, sau ghi vào văn học sử: “Chiến lược rào dân khắp bốn làng/ Thi hành đạo dụ mấy thằng quan/ Ngày thì lặt cỏ, đêm làm cột/ Nắng cực dân làng chẳng dám than/ Khi mõ đánh reo, khu có động/ Cồn lân, cồn lạc đứng đầy làng/ Bắt cụ già nua ra tiếp rước/ Môn làng, bà quận đứng nghênh ngang”.
Khảo sát nghệ thuật nói lái của người Việt khắp Trung, Nam, Bắc, các nhà ngôn ngữ học chỉ ra có đến 6 - 8 kiểu phổ biến, tùy cách tính. Ngoài hoán vị từ, âm, còn lái nghĩa, lái phiên âm, phiên nghĩa, lái với tiếng Pháp, tiếng Hán-Việt… Dựa vào cơ sở này, có thể thấy các tác giả “Nắng cực”, “Như cái lò”, “Như lời đồn”… đã chọn lựa cách chơi chữ vừa đơn giản, vừa thô vụng nên chưa “sạch nước cản” để số đông chấp nhận được, hoặc cảm thấy ý vị.
Chứ đưa nói lái hoặc “đố tục giảng thanh”, “đố thanh giảng tục” vào sân khấu, vào ca hát một cách tinh tế và hợp với bối cảnh thì chẳng ai khó chịu. Mà, việc này cũng chẳng có gì mới lạ, nếu như chúng ta nghe/xem lại ca dao, dân ca, hát ca trù, ả đào, quan họ, bài chòi, tễu, Mẹ Đốp, mõ làng, hề chèo, hề…, thì nói lái đã bàng bạc khắp nơi. Đừng vì một vài ca khúc chưa viết đạt mà vội lên án hoặc phê phán một thể loại, một thủ pháp nghệ thuật đi ra từ truyền thống lâu đời.
Vô Ưu