Tử tế
Tuần trước, báo chí làm khá rộn ràng việc một người tử tế về hưu. 31/10 là ngày làm việc cuối cùng của thượng tá Lê Đức Đoàn, một cảnh sát giao thông tận tụy, hết lòng vì công việc, hết mình vì cộng đồng. 20 năm công tác tại nút giao thông phía Nam cầu Chương Dương, ngoài cái chuyện điều tiết giao thông đương nhiên phải làm, ông còn làm thêm những việc khác rất đáng trân trọng, chẳng hạn thuyết phục và cứu được gần 40 người có ý định nhảy cầu tự vẫn, cứu giúp vô số những người bị tai nạn giao thông.
Bởi ông là người tử tế đúng nghĩa như thế, nên hôm ấy, rất nhiều người đã đến chào tạm biệt vị thượng tá trong buổi trực cuối cùng của ông trên cầu Chương Dương. Có lẽ là hiếm hoi ở Hà Nội này, có một sự luyến tiếc nồng nhiệt như vậy với một người về hưu. Không ai nhắc đến việc ông bao nhiêu lần viết biên lai xử phạt, cảnh sát giao thông nào chẳng phải làm thế. Không ai kể những lần ông tuýt còi đột ngột khiến ai đó phải dừng xe lại và tạt vào lề đường để chịu kiểm tra; thậm chí ông còn phải vung dùi cui nữa, có gì đâu, cảnh sát giao thông mà...
Người ta chào ông trân trọng trong phiên trực ban cuối cùng. Chuyện ấy cũng là chuyện lạ lắm, bởi trong bao nhiêu năm, thiếu gì người đã về hưu ở bao nhiêu nút giao thông trên cả nước... Mấy khi có một người về hưu để người ta buồn, người ta luyến tiếc đến thế, dù người ấy là... cảnh sát giao thông! Người tử tế vẫn luôn được mến yêu, vẫn luôn có chỗ trong trái tim mọi người, rõ ràng là thế.
Chỉ có mỗi một vấn đề là không thiếu những người tử tế trên đời. Hàng ngàn vạn nút giao thông trên cả nước chắc chắn không thiếu những ông Đoàn sống tử tế, làm tử tế công việc. Nhưng hình như chỉ có mỗi thượng tá Đoàn được nhắc đến vào dịp nghỉ hưu như vậy. Và không thiếu những trang mạng rao lên một câu rằng “Người tử tế cuối cùng đã ra đi”, mọi ngợi ca hay thương mến dành cho một người tử tế bỗng dưng thành nỗi xót xa cho sự tử tế mất rồi... Cứ thế, một sự ngợi ca tuy ồn ào nhưng chắc chắn không hoàn toàn xuất phát từ một tấm lòng tử tế. Bởi còn nhiều cảnh sát giao thông vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ, và người tử tế chắc chắn không phải không còn.
Cái lối khen người này để dìm người khác thực ra thành một lối khá quen ở nhiều nơi. Chẳng hạn một ai đó kể chuyện đưa con đi học (ở xứ khác) thì lập tức có ngay người nhảy vào than thở cái câu: Chẳng bù cho xứ mình...! Những liên hệ ngoắt ngoéo và ngậm ngùi để người ta đọc thấy, nghe thấy sự chán nản vô bờ bến với cuộc sống ngày càng ít đi điều tử tế.
Mà đúng là ít người tử tế thật, bà chủ quán bảo. Ít ngưởi tử tế, ít chuyện tử tế, cứ đọc báo hàng ngày rầu hết cả người. Nhưng vứt tờ báo xuống, nhìn ra phố, thì thấy còn bao nhiêu người tốt vẫn ở quanh mình. Hôm qua, ngay đây, có một con bé nhặt được tờ 2 nghìn đồng mà cứ đứng mãi đến gần tiếng đợi xem có ai nói mất để trả lại. Mẹ con bé thấy con mãi chưa về bèn lao đến gần trường tìm con. Câu đầu tiên khi cô ấy nghe con trình bày việc đứng đường không phải một câu mắng, dù cô ấy rõ ràng hốt hoảng khi thấy con về muộn, mà là câu: Con làm thế đúng rồi... Rồi cô ấy dắt con ghé qua hàng nước, gửi bà chủ quán tờ 2 nghìn, dặn ai mất bà trả giúp cháu... Tất nhiên đấy là giải pháp khôn ngoan của người mẹ, nhưng từ lúc nhận tờ 2 nghìn đồng, để con bé yên tâm ra về, bà chủ quán nước cũng bỗng dưng cứ ngóng ra đường, xem có ai đi tìm tờ tiền rơi không. Nếu không, bà sẽ đưa tiền cho người bán tăm và mai bảo cô bé là tiền đã trả lại cho người mất. Thế có thể không đúng lắm, nhưng dù sao cũng có thể là cách xử lý tử tế nhất.
Bởi, việc không tin vào sự tử tế cũng là sự thiếu tử tế, mà để nói cho ra vẻ, cho sướng mồm, người lớn xứ này nhiều khi ít nghĩ tới trẻ em.
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần