Từ sự cố sân bay tới thói quen xếp hàng
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều tối 29/7, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ bị tin tặc tấn công. Để tránh hiển thị các thông tin xuyên tạc qua màn hình và loa phóng thanh, phía quản lý buộc lòng tắt toàn bộ hệ thống thiết bị này. Bởi vậy, nhân viên các hãng hàng không buộc lòng phải thực hiện các thủ tục cần thiết cho khách bằng phương pháp thủ công.
- Vụ tin tặc tấn công sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất: Nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc lên tiếng
- Sân bay Nội Bài bị tin tặc tấn công: Màn hình thông báo, loa phát thanh vẫn chưa thể hoạt động trở lại
Rất nhiều người lạc quan nói tới việc trong lúc khó khăn nhất, ý thức đoàn kết khắc phục sự cố của người Việt nói riêng và toàn bộ hành khách nói chung đã được đưa ra. Có người còn gọi đó là điều kỳ diệu khi ý chí đoàn kết của cộng đồng đã làm thất bại âm mưu gây bất ổn của bọn tin tặc.
Nhưng, cũng đã có những ý kiến được nhắc tới theo chiều hướng... bi quan. Vắn tắt, bởi chuyện xếp hàng theo trật tự ở xã hội ta là quá hiếm nên người ta mới hân hoan như vậy.
Sự thực, cũng không quá khó để lý giải về câu chuyện "trật tự xếp hàng" này. Bởi, so với sự hỗn loạn, xô đẩy trong một không gian đang bị hạn chế về hiệu suất làm việc, chuyện tuân thủ các yêu cầu về kỷ luật, về trật tự giải quyết luôn là hướng đi hợp lý duy nhất để chúng ta sớm thoát khỏi sự cố. Và, sau vài phút hốt hoảng, hẳn hành khách nào cũng ý thức được điều này.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là bỏ qua, không cần nhắc tới việc chúng ta biết dẹp đi đúng lúc cái ích kỷ, dẹp tâm lý đi sau về trước - vốn dĩ luôn rất phổ biến trong thực tế giao thông Việt Nam. Và biết đâu, ít nhiều trong số các hành khách có mặt tại các sân bay chiều 29/7 cũng tự ý thức thêm về sự trật tự, kỷ luật cần thiết, nếu họ gặp những sự cố tương tự sau này.
Cũng giống như trong thực tế, nếu chịu khó tìm đọc, chúng ta sẽ bắt gặp khá nhiều câu chuyện về văn hóa xếp hàng ở Việt Nam. Bởi, như 2 mặt của một vấn đề, bên cạnh những người vô ý thức, cũng không thiếu những người có ý thức khi xếp hàng mua vé, mua xăng, lên xe bus cộng cộng hay dừng trước đèn đỏ...
Thực ra, thói quen xếp hàng không chỉ hoàn toàn do ý thức, mà còn do cả cách tổ chức và cơ chế vận hành.
Chuyện chen lấn, xô đẩy ở các lễ hội văn hóa, sự kiện cộng đồng, tranh mua hàng khuyến mãi, xếp hồ sơ nhập học, khám bệnh... vốn không thiếu. Nguyên nhân thì đến từ cả 2 phía: phía người sử dụng dịch vụ và phía người cung cấp dịch vụ. Nếu quầy bán vé chỉ có một cái cửa nhỏ xíu, trong đó có quá ít nhân viên thò tay ra thu tiền, trả vé, thì đương nhiên hàng trăm hàng ngàn người cần mua vé sẽ phải đạp nhau mà tiến lên.
Hay như ở bệnh viện, vì quy trình khám chữa bệnh quá rắc rối, cho nên thân nhân người bệnh thường nháo nhào chạy từ cửa này đến cửa khác, không biết phòng nào ra phòng nào, mà quầy nào cũng kín đặc người. Đó là chưa kể, đôi khi, lại có những người được ưu tiên vì một lí do nào đó, khiến đám đông càng bức xúc, ào lên, phá nát hàng lối.
Thói quen xếp hàng phải bắt đầu từ cơ chế xếp hàng minh bạch, để mọi người hiểu rằng, cứ xếp hàng thì sẽ đến lượt mình và mọi sự chen ngang sẽ bị từ chối. Đằng sau ý thức xếp hàng là niềm tin về sự công bằng.
Giống như câu chuyện ở sân bay, khi sự cố xảy ra chung với tất cả hành khách, chúng ta sẽ dễ dàng có ý thức chia sẻ và cảm thông để cùng vượt khó. Nhưng để thành thói quen, chẳng lẽ chúng ta cứ phải chờ tới khi có "chất xúc tác" như vậy, thay vì chủ động hướng tới nó trong cuộc sống hàng ngày?
Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa