Từ sự cố cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu đuổi đánh trọng tài: Tan giấc mơ hoa!
(Thethaovanhoa.vn) - Báo cáo đã được gửi về VFF, và Ban Kỷ luật VFF, theo khung, Bà Rịa – Vũng Tàu khả năng bị cấm tham gia các giải đấu do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức trong một đôi năm. Nó cũng tựa như tình huống của Vĩnh Long năm 1999. Kể từ sau đó, Vĩnh Long mãi mãi chỉ chơi giải hạng Nhì quốc gia, vì nhiều lý do, cũng gần 20 năm rồi.
- Sự cố cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu đánh trọng tài: Trách cả anh lẫn ả…
- Bà Rịa Vũng Tàu sa thải cầu thủ đánh trọng tài, thủ môn Đà Nẵng nhận án phạt nặng
- Cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu đánh trọng tài, tân binh U23 Việt Nam nhận 'hung tin'
Điều đáng nói là, bóng đá Bà Rịa – Vũng Tàu mới được đầu tư, với riêng nhà tài trợ SCG (Thái Lan) với hợp đồng ký kết tài trợ trên áo đấu không dưới 15 tỷ, chưa nói Công ty mẹ Bình Minh group. Họ có tham vọng thực sự và có chiến lược thực sự, chứ không đùa. Tương lai gần, đội bóng vệ tinh của CLB TP.HCM (đang chơi ở V-League) còn mở Học viện bóng đá ở huyệt Đất Đỏ - Bà Rịa Vũng Tàu. HLV Lư Đình Tuấn (trợ lý của Toshiya Miura tại CLB TP.HCM) sẽ được ướm vào chiếc ghế lái trưởng đội bóng, khi thăng hạng Nhất. Nhưng giờ thì mọi thứ tiêu tan.
Bà Rịa – Vũng Tàu chắc chắn sẽ phải chịu án kỷ luật cấm thi đấu của VFF, chứ không riêng cầu thủ Trần Quốc Tuấn, vốn đã ở chương cuối của sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.
Sau tất cả, vấn đề mà chúng tôi muốn đặt ra ở bài báo này là: Tại sao và như thế nào, bóng đá Việt Nam không thể thoát khỏi cái “huông” bạo lực, tiêu cực, khiến cho hình ảnh nền bóng đá trở nên xấu xí? Nhà tổ chức và bộ phận điều hành, trong đó các nhân vật chính là trọng tài, có thực sự công tâm hay chưa? Tiêu cực là rào cản lớn nhất khiến các nhà đầu tư và Mạnh Thường Quân chùn tay khi có ý định se duyên với bóng đá, chứ không hẳn vì vị thế của bóng đá Việt Nam quá thấp. Chúng ta phải nghiêm túc xem xét điều này, bởi quá khứ quá nhiều bài học nhãn tiền rồi.
Phần lớn khán giả Việt Nam đều vừa mới trải qua một kỳ World Cup 2018 tuyệt vời trên đất Nga, từ công tác tổ chức đến hình ảnh quảng bá và chất lượng chuyên môn. Nhưng, khi quay về bóng đá xứ sở, nó thực sự ngán ngẩm. Bạo lực ở Thiên Trường, tranh cãi ở Thống Nhất khiến trận đấu phải tạm ngưng đến 5 – 7 phút, rồi mới nhất là trường hợp ở giải hạng Nhì giữa Bà Rịa – Vũng Tàu và Phố Hiến FC. Nhà tổ chức muốn truyền thông viết hay, viết đẹp về giải đấu cũng khó, khi nhan nhản ra đấy, đầy những tồn tại, tiêu cực. Khán giả không buồn đến sân cũng là chuyện bình thường.
Trong hệ thống các giải bóng đá Việt Nam, giải hạng Ba, hạng Nhì là bản “de mo” cho chuyên nghiệp. Nhưng từ nhiều năm qua, cuộc khủng hoảng thiếu trầm trọng đội bóng tham dự, khiến các giải đấu hạng thấp bị phong trào hóa. Thậm chí, ngay cả các giải phong trào được tổ chức bài bản, có quy mô, cũng không tệ đến thế. Vì thiếu đội bóng, nên người tổ chức mới phải nghĩ ra VCK, tức là vẽ thêm việc làm cho các bộ phận chuyên môn. Chứ nếu thẳng tưng ra, 3 đội giành ngôi đầu 3 bảng đấu theo khu vực giải hạng Nhì 2018, lên thẳng hạng Nhất 2019 thì còn gì phải bàn nữa?!
Không phải đợi đến bây giờ, bóng đá Bà Rịa – Vũng Tàu mới tiệm cận các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong quá khứ, họ đã hơn một lần giành suất lên chơi giải hạng Nhất, nhưng sau đó rút lui vì cơ chế tài chính không cho phép. Một trong những địa phương đóng góp ngân sách Nhà nước lớn nhất, có thu nhập đầu người cao nhất, lại gặp khó khăn về cơ chế tài chính đầu tư cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, kể cũng lạ. Thực ra, nó thuộc về vấn đề chiến lược. Bà Rịa – Vũng Tàu không có chiến lược cho bóng đá, cho đến năm ngoái, với cái bắt tay cùng đối tác.
Nhưng, những sự cố như thế này, sẽ triệt tiêu luôn ước muốn, cũng như tham vọng của các địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu. Suy cho cùng, cái gì đi vay mượn hay kiểu mua đứt bán đoạn, cũng khó lâu bền được. Cứ tự lực cánh sinh, đến đâu hay đến đó, lại nhận được sự ủng hộ!
Trần Hải