Từ ngày 18-23/11 sẽ diễn ra Tuần 'Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam'
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ VH,TT&DL ngày 2/11 cho biết: Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 23/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Sự kiện góp phần tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc thiết thực chào mừng Ngày Truyền thống - Ngày Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11); chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Các hoạt động trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” góp phần phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức mong muốn khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Đây cũng là hoạt động góp phần tuyên truyền, giới thiệu về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, nhất là sau thời gian dài cơ sở này tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.
Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2021 dự kiến diễn ra 4 nhóm hoạt động chính. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc Di sản Văn hóa Việt Nam” diễn ra vào tối 18/11. Tiếp đó là hoạt động thăm hỏi, tặng quà đồng bào các dân tộc; Triển lãm Quy hoạch, giới thiệu các khu chức năng kêu gọi xúc tiến đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cùng với đó là các hoạt động khác của đồng bào 13 dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng miền, trải nghiệm của du khách. Trong đó đáng chú ý là phần tái hiện Lễ hội Xuân (Nào pê chầu) và biểu diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Theo Cục Di sản văn hóa, Nào pê chầu (còn gọi là Nào chía pê chầu) của đồng bào Mông chính là là ăn Tết ngày 30. “Nào” là ăn, “chía” là tết, “pê chầu” là ngày 30. Đây là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang năm mới và được hiểu là ăn Tết chính, Tết cổ truyền của người Mông.
- Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11: Quản lý bền vững và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
- Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11: Văn hóa Óc Eo trên hành trình trở thành di sản quốc tế
Tết năm mới không cố định vào một ngày cụ thể mà do hội đồng già làng trưởng bản ấn định thời điểm trên cơ sở giao thời mùa vụ giữa năm cũ và năm mới, lúc mùa vụ thu hoạch xong, thời tiết thuận lợi. Vì vậy, Tết chính của người Mông dựa vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa để ấn định, từng bản, từng vùng có thể ăn Tết vào những ngày khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định.
Bên cạnh những nghi thức tạ ơn tổ tiên, đất trời và cầu mong cuộc sống luôn bình yên hạnh phúc, Tết Nào pê chầu cũng là ngày hội đoàn kết của người Mông, đưa mọi người xích gần nhau hơn với các hoạt động văn nghệ như hát ống (cha xái), thổi khèn (tsua kênh), thổi sáo (tsua cha), kéo nhị (ko tra), thổi đàn môi (tsua chà) hay các môn thể thao dân gian như đánh cù (tù lu), ném pao (pó po)…
Khôi Nguyên