Từ marathon đến golf và câu chuyện của các địa phương
Trong hội nghị về việc triển khai cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển TTVN 2030 – Tầm nhìn 2045 do Bộ VH,TT&DL tổ chức hôm 12/11, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân có nêu ý kiến về vai trò của các địa phương đối với đầu tư các môn trọng điểm.
Có 2 môn thể thao hiện nay tổ chức được nhiều sự kiện có tính hệ thống nhất, đó là marathon và golf. Nếu golf với đặc thù là một môn chơi có tính chất "thượng lưu", thi đấu khép kín nhưng đã phát triển rất lâu trong trong đời sống thể thao Việt Nam, thì marathon chỉ mới bùng nổ gần đây với tốc độ choáng ngợp và có quy mô "mở" rất lớn. Dù có phần khác nhau trong hoạt động tổ chức sự kiện, nhưng điểm chung của 2 môn này là tính xã hội hóa cực cao, với sự tham gia của nhiều đơn vị truyền thông ở khâu tổ chức và yếu tố địa phương "đậm đặc" với "mục đích kép" là phát triển du lịch, hình ảnh nơi đăng cai tổ chức.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh các giải đấu chính thức, thuần túy chuyên môn như các giải VĐQG, thì những sự kiện thể thao có tuổi đời lâu năm, tạo tiếng vang lớn, đóng góp chuyên môn cao đều là các giải đấu - sự kiện mà tự thân nó phải mang đến các giá trị xã hội rộng rãi và bền vững. Thậm chí, từ chỗ chỉ mang tính chất quảng bá, xây dựng liên kết xã hội với người hâm mộ, nhiều sự kiện thể thao- xã hội đã tạo ra chỗ đứng riêng, có khía cạnh chuyên môn nhất định đối với thể thao thành tích cao. Tiêu biểu như giải thưởng Cống hiến của báo TTVH, giải Quả bóng Vàng Việt Nam do báo SGGP tổ chức, hay giải U21 báo Thanh Niên, xe đạp xuyên Việt của HTV, Giải Việt dã báo Tiền Phong, giải vô địch bóng bàn báo Nhân Dân …
Chuyện của marathon và golf cũng vậy. Bên cạnh việc thi đấu với các tiêu chuẩn riêng, thì chính những tác động đến cộng đồng địa phương cũng là một khía cạnh giúp các sự kiện của 2 môn này tạo ra sức lôi cuốn riêng. Sự tham gia của các địa phương, với mục tiêu riêng cho du lịch hay tăng trưởng kinh tế cục bộ, cũng sẽ giúp cho ngân sách tổ chức có thêm một khoản không nhỏ để vận hành. Với các đơn vị ngoài thể thao, cũng sẽ có động lực để theo đuổi công tác duy trì sự kiện lâu hơn.
Khi giá trị xã hội được tạo ra càng lớn, lợi ích của các địa phương không chỉ gói gọn trong việc phát triển phong trào thể thao, thì tính bền vững của các sự kiện thể thao càng cao và cũng từ giá trị ấy, thúc đẩy niềm tin, truyền cảm hứng ngược lại với cộng đồng.
Nên theo ý kiến của ông Nguyễn Nam Nhân, thì cũng đã đến lúc "địa phương hóa" các môn thể thao thế mạnh thay vì đầu tư đại trà. Kiểu như các địa phương có du lịch là thế mạnh thì sẽ "ôm" những môn có tính quảng bá cao, giao lưu quốc tế nhiều, từ đó sẽ trở thành "thủ phủ" của các môn này, hút các VĐV cũng như ngân sách đầu tư một cách tập trung hơn.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Nam Nhân, ngay tại TP.HCM thì nguồn ngân sách từ xã hội hóa chỉ mới chiếm khoảng 20% chi phí tổ chức các giải đấu có tính chuyên môn cao. Thành phố dự kiến sẽ đẩy con số này lên 50%, mà để làm được điều đó thì cũng phải thu hẹp lại số lượng môn chứ không thể dàn trải.
Vấn đề đặt ra là số lượng môn thể thao tạo ra được các giá trị xã hội, gắn kết được với lợi ích của địa phương tổ chức, như vậy không nhiều. Không có giá trị xã hội thì sẽ không tạo được nguồn lực tài chính thông qua kinh doanh bản quyền và sản phẩm thể thao thương mại, không thể phát triển số lượng người chơi, người hâm mộ để khuyến khích trẻ em chọn lựa con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp. Và trên hết, khi giá trị xã hội quá ít, cũng khó mà trông đợi sự quan tâm của các địa phương, bộ nghành trong việc tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư.