Từ điển tiếng Việt là 'phiên bản' trung thực nhất về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Từ cuốn từ điển của tác giả Vũ Chất hơn 5 năm trước, và đến giờ là Từ điển chính tả (NXB ĐHQG Hà Nội, 2017), dư luận liên tiếp nổi sóng về những vấn đề ngữ nghĩa hay chính tả của tiếng Việt ở trong đó- những vấn đề tưởng như hết sức hàn lâm, sư phạm, đã thành chuẩn mực từ lâu. Chưa biết đúng sai đến đâu, nhưng rõ ràng là một số các cuốn từ điển về tiếng Việt đang gây ra nỗi lo ngại cho xã hội về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Trong khi nhiều người đề cập đến việc xây dựng bộ Luật Ngôn ngữ cho quốc gia, trong khi từ lâu ta đã nói "chính tả là quốc pháp", thì quy trình biên soạn, xuất bản, phát hành loại sách công cụ từ điển về tiếng Việt phải như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, hiện công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
*Thưa ông, ngoài tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản thì việc biên soạn và cho lưu hành các cuốn từ điển liên quan đến tiếng Việt có phải tuân thủ quy trình đặc thù chuyên ngành nào đó không?
- Luật Xuất bản là căn cứ để các cơ quan xuất bản (các NXB) thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình. Đó là công bố các ấn phẩm trong phạm vi quyền hạn cho phép.... Từ điển, thuộc dòng sách công cụ tra cứu (có giá trị định hướng cho độc giả việc sử dụng từ ngữ) phải là những sách đòi hỏi sự chuẩn mực cao. Từ điển phải do các chuyên gia biên soạn theo quan điểm của Từ điển học. Từ điển học (Lexicography) là một chuyên ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng mà thế giới và Việt Nam đang áp dụng.
* Ở các nước, việc biên soạn và xuất bản từ điển được tổ chức và quản lý như thế nào để giảm nhầm lẫn, sai sót hoặc gây tranh cãi?
- Từ điển là dòng sách đặc biệt. Nó không phải là tác phẩm sáng tác (do ai đó hoặc tập thể nào đó) tự nghĩ ra. Nó là công trình thu thập, khảo cứu, hệ thống hóa vốn từ, ngữ (nói và viết) của một ngôn ngữ theo các nguyên tắc nhất định. Mỗi từ điển phải có cấu trúc thông tin rõ ràng cho mục từ biên soạn. Các thông tin phải được thừa nhận, ở mức Từ điển học, nghĩa là phải phản ánh tính phổ quát trong mọi ngôn ngữ và tính đặc thù của bản ngữ. Chẳng hạn, với mọi cuốn từ điển giải thích trên thế giới thì: 1) mỗi đơn vị mục từ phải là một từ theo một hình thức chính tả (theo thứ tự bảng chữ cái với cách viết chuẩn) với cách phát âm chuẩn; 2) phải có quan điểm phân định từ loại (danh từ, động từ, tính từ...) rõ ràng, nhất quán; 3) mỗi từ phải được phân tích thành các nét nghĩa hợp lí; 4) phải chú các thông tin ngữ dụng (khẩu ngữ, văn chương, trang trọng, thông tục...); 5) phải chú thông tin đồng nghĩa, trái nghĩa, các biến thể chính tả; 6) phải có ví dụ (ngữ cảnh sử dụng) v.v... Những nội dung đó, nhà từ điển phải dựa vào ngữ liệu khảo sát. Có nghĩa là dựa vào cách sử dụng của cộng đồng ngôn ngữ đang xét để phản ánh một cách chính xác, khách quan nhất. Nhà từ điển tuyệt đối không được tùy hứng, tự tiện, thêm bớt theo chủ quan của mình.
Vì vậy, việc biên soạn từ điển phải tuân thủ theo một quy trình nào đó. Trước hết, phải có kho ngữ liệu ở mức đủ dùng (càng lớn càng tốt) để phục vụ cho định nghĩa từ (từ điển giải thích) và cách viết từ (từ điển chính tả). Đồng thời (trong điều kiện công nghệ hiện nay), phải có phần mềm biên soạn, để có cách quản lí, đối chiếu, so sánh các mục từ cũng như thông tin định nghĩa… sao cho tránh trùng lặp, vênh nhau về cách thức định nghĩa.
Ví dụ những từ như vịt, ngan, ngỗng chỉ 3 con cùng họ vịt. Vậy phải lấy vịt làm từ chính để định nghĩa (vịt: gia cầm nuôi lấy thịt và trứng, mỏ dẹp và rộng, chân thấp có màng da ở giữa các ngón, bơi giỏi, bay kém) rồi từ đó làm căn cứ định nghĩa 2 từ ngan và ngỗng (ngan: chim nuôi cùng họ với vịt, nhưng lớn hơn, đầu có mào thịt đỏ; ngỗng: chim nuôi cùng họ với vịt, nhưng mình to và cổ dài hơn). Nếu mỗi từ lại có cách định nghĩa riêng sẽ xảy ra hiện tượng "cọc cạch" thiếu nhất quán. Người Việt có thể nói con ngan, con ngỗng, con vịt nhưng khi vào từ điển thì bỏ loại từ "con" cho phù hợp. Nếu tự nhiên lại có thêm từ "con ngan" (trong khi đã có từ "ngan") là sẽ hỏng vì phá vỡ cấu trúc vĩ mô.
Một điều cần lưu ý nữa là phải theo dõi tiến trình phát triển của ngôn ngữ (từ mới, từ cũ được dùng lại giữ nguyên nghĩa hoặc thêm nghĩa mới, từ vay mượn,…) để cập nhật cách giải thích, phục vụ cho cách sử dụng của cộng đồng.
* Thưa ông, từ điển liên quan đến tiếng Việt là thứ công cụ quan trọng để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu xây dựng Luật Ngôn ngữ thì ông có kiến nghị gì về việc biên soạn, xuất bản từ điển liên quan đến tiếng Việt?
- Luật Ngôn ngữ phải xây dựng trên các quy tắc sử dụng chuẩn mực của hệ thống ngôn ngữ. Nhà từ điển không làm theo Luật Ngôn ngữ mà làm sao phản ánh cơ cấu một ngôn ngữ theo đúng quy luật tồn tại và phát triển của nó. Điều này giúp cho mọi người có căn cứ thực hiện Luật Ngôn ngữ đúng hơn. Các trung tâm, các nhà biên soạn từ điển (nhà nước hay tư nhân) nước ngoài có lịch sử hàng trăm năm, họ đã biên soạn và định hướng ngôn ngữ phát triển theo hướng tích cực (qua từ điển chỉ ra dạng chuẩn, cái hợp lí để cộng đồng sử dụng sao cho chính xác). Tất nhiên, khi xây dựng Luật Ngôn ngữ, Nhà nước phải tham khảo thêm các tài liệu hữu quan, trong đó có từ điển.
* Khi từ Ao dai (Áo dài), Pho (phở), Banh mi (Bánh mì) được đưa vào “Từ điển Oxford”, mọi người xem đó là niềm tự hào về sản phẩm văn hóa của Việt Nam và cũng là tự hào về tiếng Việt nữa. Ông thì nghĩ sao? Theo ông từ điển có phải là phương tiện để truyền bá văn hóa?
- Quốc sử, quốc văn, quốc ngữ luôn được coi là những nhân tố cốt lõi làm nên hồn vía mỗi dân tộc. Ngôn ngữ là sản phẩm phản ánh những nét văn hóa đặc sắc, cách tư duy của mỗi cộng đồng ngôn ngữ, rộng hơn là cả dân tộc. Từ điển tiếng Việt là "bản sao chép" trung thực nhất những nét đặc thù về ngôn ngữ và văn hóa của người Việt Nam đã qua lịch sử hàng ngàn năm.
* Ở chiều ngược lại, khi văn hoá quốc tế du nhập thì từ điển - qua việc ghi nhận các từ mới - sẽ phải tổ chức như thế nào để vừa tiện dụng, văn minh, hiện đại, bắt kịp cuộc sống, lại vừa giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt.
- Vay mượn ngôn ngữ trong quá trình giao lưu, hội nhập là xu hướng tất yếu với mọi ngôn ngữ. Nhưng giao thoa và chuyển di của ngôn ngữ có những đặc thù riêng. Nó phụ thuộc vào nhu cầu, thái độ, điều kiện mà cộng đồng tiếp nhận. Trong suốt chiều dài lịch sử, tiếng Việt đã du nhập một lượng từ ngữ không nhỏ (từ tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga...) và hiện tại, trong vòng mấy chục năm đổi mới (từ 1990) thì tốc độ tiếp nhận từ ngoại lai còn mạnh và nhiều hơn (đã tới hàng ngàn từ). Đó cũng là chuyện bình thường.
Nhưng chỉ vay khi ta chưa có, chỉ mượn khi ta thật cần. Không tuỳ hứng "nhập tịch" những từ không cần thiết hoặc mượn theo lối "thời thượng" thì chỉ làm thêm nhiêu khê, rắc rối, ảnh hưởng tới sự tiện lợi và cản trở cho giao tiếp. Mượn như thế chỉ thêm phiền và làm mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.
Nguyễn Âu (thực hiện)