Từ các nét dương trong tranh Đông Hồ...
(Thethaovanhoa.vn) - Như đã nêu trong kỳ trước (Xem bài Cùng là tranh dân gian, tại sao nét của Đông Hồ khác nét Hàng Trống? trên Thể thao và Văn hóa số ra ngày 21/3/2022), tranh dân gian Đông Hồ không đầu tư vào nét khéo để tả tinh vi mọi sự vật mà chuyển sang quy chuẩn hóa một số kiểu nét nhằm biểu hiện một số kiểu hình quen thuộc.
Trước hết, thế nào là kiểu nét dương? Người ta đục bỏ các mảng trống, giữ lại phần nét nổi cao, khi in thì các nét này bắt màu để ấn xuống mặt giấy, tạo ra đường nét trên tờ tranh. Xin gọi đó là "nét dương" vậy. Ở kỳ này, chúng ta hãy điểm qua 7 nét dương như thế.
1. Nét đơn
Tất nhiên đây là nét thông dụng cho mọi dòng tranh dân gian. Chỉ xin liệt kê ra đây theo thứ tự, khỏi cần hình minh họa vì ai cũng hiểu.
2. Nét kép
Xét khắp các làng tranh cổ Việt Nam, hình như chỉ có Đông Hồ "chơi" loại nét này. Thay vì chỉ 1 nét, họ dùng nét kép để diễn bụng, đùi và má lợn - dù đó là lợn con trong tranh Lợn đàn - còn bé, chưa "sề" mà bụng đã diễn nét kép.
3. Nét băm
Cũng chỉ có Đông Hồ dùng "nét băm" để tả cuống lá sen trong bức có chú bé vừa cưỡi trâu vừa thổi sáo lại vừa khéo kẹp chân để giữ lá sen như cái lọng che đầy ngoạn mục. Không phải bỗng dưng họ "băm" nét - đó là cách đơn giản mà hiệu quả nhất để tả một cái cành chi chít gai nhỏ. Đáng gọi là "thần tình" vậy!
4. Nét nhấn có thanh, có đậm, lại theo hàng lối
Chỉ để tả cái đuôi vịt trong tranh Bé ôm vịt (bộ tranh đôi mà tên chữ là Vinh hoa - Phú quý). Nét khởi đi thì thanh mảnh mà kết thúc thì đậm đà. Cũng thú vị, dù rằng nếu họ chỉ đơn thuần khắc 1 đường viền là xong, cũng chẳng ai trách. Ấy thế nhưng họ gợi tả khối lông bụng và đuôi vịt đấy.
Bạn soi kỹ con vịt trong giấc mơ Vinh hoa - Phú quý của nông gia xưa mà xem: tất cả các đường viền cơ thể con vịt đều không đơn điệu mà đều có dụng ý tả, kể cô đọng... Đó không phải - không chỉ là con vịt tầm thường - đâu chỉ cần một nét viền qua quýt cho xong chuyện? Mục đích tranh là cầu "vinh hoa - phú quý" kia mà!
5. Nét xòe ra từ mảng đậm
Để tả chỏm tóc của Bé ôm vịt - mà cũng là cách đơn giản và hiệu quả nhất để tả mớ tóc còn lưa thưa của các bé. Tất nhiên, đây cũng là cách mà Hàng Trống dùng để tả các chỏm tóc của các bé bụ bẫm trong các tranh Thất đồng hay Tử tôn vạn đại.
- Cùng là tranh dân gian, tại sao nét của Đông Hồ khác nét Hàng Trống?
- 'Tiếp sức' tranh Đông Hồ trên con đường ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể
- Tranh Đông Hồ:Trời còn để có hôm nay…
6. Nét xẻ rãnh giữa lông cánh gà hay vịt
Nét này chỉ xuất hiện ở loại lông cánh cứng. Đó cũng là cách giản tiện mà hiệu quả nhất để tả cho đẹp loại lông to mà cứng này. Thay vì mất công đục 2 đường viền 2 bên lông và 1 nét suốt chạy giữa, nghệ nhân xưa để lại cả hình lông cánh đen rồi xẻ rãnh suốt giữa - thấy cánh cứng rõ. Cách này khi khắc chỉ cần đẩy 1 đường đục chữ V là xong - giản tiện mà hiệu quả.
7. Nét đặc tả lông mi của mắt lợn và mắt trâu
Sao kỳ công đến thế! Nghệ nhân xưa đặc tả được mắt trâu và mắt lợn không những có đủ lòng (tròng) đen và lòng (tròng) trắng, mà còn có 2 mí và hàng lông mi xòe ra rất điệu như nhân cách hóa...
(Còn tiếp)
Họa sĩ Đức Hòa