TS Lê Anh Tuấn: Chúng tôi không đặt âm nhạc đỉnh cao trong tháp ngà
(Thethaovanhoahoa.vn) - Từ 19 đến 22/8 tại Hà Nội sẽ diễn ra Liên hoan Âm nhạc Việt - Mỹ, một sự kiện được Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đứng ra tổ chức. Tinh thần của chương trình này sẽ được tổ chức theo hướng tiếp cận số đông công chúng.
TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói rằng ông không đặt âm nhạc đỉnh cao trong một cái tháp ngà, đòi hỏi dân chúng phải đến với nó. Ở Việt Nam, âm nhạc - nghệ thuật cũng cần phát triển theo quy luật vận động tự nhiên.
Âm nhạc cần sự phong phú
* Đã có nhiều hình thức đưa âm nhạc hàn lâm tiếp cận công chúng khá đặc biệt, như đặt cả dàn nhạc và nghệ sĩ tên tuổi trình diễn ở đường phố, để khán giả lên sân khấu tập làm chỉ huy, ca sĩ nhạc nhẹ hát cùng dàn nhạc… Ông đánh giá thế nào về những cách “bình dân hóa âm nhạc đỉnh cao” như thế?
- Đây là những cách tiếp cận công chúng vừa đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống, vừa giúp âm nhạc Việt Nam phát triển hơn. Dù với cách nào thì tôi thấy mục đích cũng là để có thêm ngày càng nhiều người thưởng thức.
Chúng ta có tổ chức cách nào mà nếu người thưởng thức bình thường hoặc có trình độ thấp họ không đến nghe thì họ sẽ không bao giờ muốn hiểu, thay đổi. Học viện phải đặt nhiệm vụ vừa phát triển tài năng, vừa gánh vác trách nhiệm với xã hội với các đơn vị khác để đẩy cao trình độ thưởng thức của công chúng. Tôi lạc quan với những tín hiệu như thế.
* Tôi cũng thấy nhiều người đánh giá những hình thức tiếp cận khán giả ấy là sáng tạo. Tuy vậy, với trường hợp các nghệ sĩ đã thành danh, đang giảng dạy tại Học viện và các trường âm nhạc lớn thành lập nhóm, đi diễn ở nhiều nơi khá bình dân, thì có khiến ông e ngại những cách “bình dân hóa” đó dễ làm suy giảm vẻ đẹp của âm nhạc hàn lâm thuần chất?
- Tôi không phản đối cũng không ủng hộ. Các nghệ sĩ có quyền làm những việc đó, bởi trong đời sống âm nhạc cần sự phong phú. Ở Việt Nam, âm nhạc - nghệ thuật cũng cần phát triển theo quy luật vận động tự nhiên. Nghệ sĩ nào vượt qua được sự e ngại thì có thể rất thành công. Còn không, họ vẫn có quyền chọn việc mãi là anh nhạc công trong dàn nhạc, hay một người chơi nhạc như anh thợ.
Xã hội có sự phân tầng, nghệ thuật - giải trí như món ăn tinh thần, mọi người có quyền thưởng thức theo cách cách khác nhau. Đó là lẽ tự nhiên. Tôi chỉ hy vọng qua các hoạt động đó các bạn trẻ sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, được trải nghiệm nhiều hơn, trưởng thành hơn. Sinh viên nhạc viện hiện nay rất nhiều bạn tham gia đời sống âm nhạc đó.
* Bên cạnh những cách để nhạc thính phòng “xuống đường” đó, thì Học viện có những cách nào để nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng?
- Một trong những hoạt động của Học viện là phát triển tài năng đỉnh cao, tổ chức hoạt động âm nhạc đỉnh cao, đầu tư cho các nghệ sĩ tài năng… Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi không đặt âm nhạc đỉnh cao ấy trong một cái tháp ngà, đòi hỏi dân chúng phải đến với nó. Chúng tôi cũng có mục tiêu xã hội hóa, đưa âm nhạc đến gần công chúng hơn.
Một trong những việc trước mắt là đem âm nhạc đó đến các cơ sở đào tạo, các trường đại học, ở đó học học sinh - sinh viên được nghe nghe nhạc giao hưởng và các loại hình âm nhạc khác kèm theo sự dẫn giải từ dễ đến khó, để có cơ hội so sánh, lựa chọn giữa âm nhạc hàn lâm và âm nhạc giải trí. Tôi tin cách đó chắc sẽ có sự cải thiện trình độ thưởng thức.
Với việc đại chúng hóa âm nhạc hàn lâm, tôi không sợ khán giả hiểu sai về loại hình nghệ thuật này. Cái gì thuộc về chuẩn mực thì mình vẫn duy trì với sự tham gia của những nghệ sĩ tên tuổi, các trường nghệ thuật lớn, chỉ huy nổi tiếng. Còn nâng cao trình độ thưởng thức là mình phải thích ứng với điều kiện xã hội.
* Một sự kiện lớn mà Học viện đứng ra tổ chức là Liên hoan Âm nhạc Việt - Mỹ lần đầu tiên diễn ra từ 19 đến 22/8 này, quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong nước và quốc tế. Theo nghệ sĩ Bùi Công Duy, chương trình được tổ chức theo hướng tiếp cận số đông công chúng. Vậy khán giả phổ thông có thể tiếp cận sự kiện này như thế nào?
- Sau chuyến đi cùng các nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ biểu diễn, nghệ sĩ Bùi Công Duy đã đưa được đoàn nghệ thuật của ĐH Bắc Texas về VN. Chúng tôi tính đến phương án để chương trình phù hợp với môi trường khán giả trong nước.
Trong hai chương trình trình diễn chính vào tối 20 và 22/8, lần đầu tiên âm nhạc thời kỳ Baroque vang lên với số lượng tác phẩm nhiều và rất dễ nghe. Nhạc cụ được các nghệ sĩ hàng đầu thế giới biểu diễn trong chương trình là chuyên cho thể loại nhạc Baroque. Đây là dòng nhạc để chỉ một giai đoạn phát triển âm nhạc ra đời trước thời cổ điển. Thời đó, nhạc cụ chế tác chưa hoàn chỉnh như nhạc cụ thời cổ điển. Để chơi được, phải am hiểu, phải được đào tạo.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chưa đào tạo bài bản về loại hình này, chỉ trong môn lịch sử âm nhạc thì có giới thiệu và nêu tên được chưa đến 10 người. Nhưng thực tế giai đoạn này có đến 30 - 50 nhạc sĩ sáng tác.
Đoàn nghệ sĩ đến từ Mỹ có 11 nghệ sĩ biểu diễn, mang 7 quốc tịch khác nhau, trong đó có cả vùng lãnh thổ Đài Loan, Ba Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch… và hai học giả tham gia các cuộc tọa đàm. Nghệ sĩ violin gốc Việt - Chương Vũ - cũng tham gia đoàn. Phía Việt Nam có hơn 10 nghệ sĩ, đa số đều là những người đã thành danh, được đào tạo cơ bản trong nước và quốc tế.
Quyết định dừng chân ở đâu là do người được đào tạo
* Sự kiện này còn có ý nghĩa giới thiệu rộng rãi đến công chúng Phòng hòa nhạc Lớn 850 chỗ của Học viện được giới thiệu là “đạt chuẩn khu vực”. Nhưng phải nói rằng Hà Nội không thiếu nhà hát, mà chỉ thiếu nhà hát không bị “đìu hiu”. Vậy Học viện có tính toán gì để không gian mới hoành tráng này không rơi vào cảnh chợ chiều, lãng phí?
- Lâu nay các sự kiện hòa nhạc thường diễn ra ở Nhà hát Lớn và một vài nhà hát đạt được tiêu chuẩn nhất định như Cung Văn hóa… Tuy vậy, đó vẫn chưa thực sự đạt chuẩn âm thanh cho dàn nhạc giao hưởng. Với thực tế như vậy, Bộ VH,TT&DL đã đầu tư cho Học viện phòng hòa nhạc lớn với phần âm thanh do các chuyên gia của Nhật thiết kế.
Thiết kế này không cần sử dụng đến hệ thống tăng âm, trang âm, điện thanh vẫn đảm bảo chất lượng. Sân khấu cũng đủ sức chứa cho hơn 300 người biểu diễn. Chắc chắn chúng tôi đã có kế hoạch để không gian này liên tục sáng đèn và công chúng có thể dễ dàng tiếp cận.
* Như vậy có thể thấy cơ sở vật chất cho âm nhạc đã được đầu tư nhiều hơn, thông qua nhiều sự kiện nghệ thuật hàn lâm gần đây có thể thấy công chúng đã hào hứng hơn và ngày càng nhiều lên. Tuy nhiên, sinh viên của Học viện và nhiều nghệ sĩ tài năng vẫn chọn cách du học và thường ít khi trở về. Vậy Học viện có hướng nào để tránh việc tiếp tục để “chảy máu tài năng”?
- Đây là câu hỏi thú vị, vì suy cho cùng đào tạo âm nhạc cũng là để phát triển nền âm nhạc trong nước, cũng như các ngành đào tạo khác. Nhưng vấn đề chúng ta quan tâm đầu tiên là khi đào tạo, phải cho ra sản phẩm tốt nhất. Còn quyết định dừng chân ở đâu lại do người được đào tạo. Học viện không có ý lôi kéo, mời chào họ trở về, chúng tôi chỉ tạo cơ hội để họ thấy, trải nghiệm, để xem việc họ tham gia hoạt động ở bên kia và ở đây có gì khác biệt hay không. Điều đó là cần thiết, vì chúng ta không thể giả tạo, cố tô hồng cái của ta…
Những người theo học nhạc thường không quá khó khăn trong cuộc sống. Họ cần nhất là không gian để thể hiện, vậy thì Học viện sẽ tạo điều kiện để họ thể hiện, cống hiến.
Danh Anh(thực hiện)