Trung Quốc: Tây An đối mặt với 'sự trỗi dậy của những lăng mộ' và bài toán hóc búa trong việc bảo vệ di tích lịch sử
Trung Quốc ra sức bảo vệ các di tích lịch sử khỏi các dự án phát triển đô thị mới. Nhưng đó không phải là nhiệm vụ đơn giản ở Tây An - thành phố mệnh danh 'thánh địa của những lăng mộ'.
Năm 2013, các nhà khảo cổ học ở Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc) đã có một khám phá chấn động khi phát hiện ngôi mộ 1.300 năm tuổi thuộc về một trong những nữ quan quyền lực nhất lịch sử Trung Quốc, Thượng Quan Uyển Nhi. Hầm mộ cổ được tìm thấy trong quá trình tu sửa con đường trong thành phố.
Thượng Quan Uyển Nhi từng là thừa tướng của nữ Hoàng đế duy nhất Trung Quốc, Võ Tắc Thiên. Nhưng sau cái chết của nữ đế, bà đã bị giết trong một cuộc đảo chính đẫm máu. Nơi an nghỉ cuối cùng của bà vẫn là một bí ẩn trong nhiều thế kỷ.
Phát hiện này đã gây ra chấn động lớn trong ngành khảo cổ và nghiên cứu lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các nhà khảo cổ học, khoảnh khắc khai quật lại khiến họ buồn vui lẫn lộn.
Phát hiện mộ cổ, là đáng vui hay đáng buồn?
“Chúng tôi không cần khai quật mộ bà ấy lên. Bà đã nằm yên ở đó suốt 1.300 năm, vì sao chúng tôi lại quật mộ lên vào năm 2013? Nhưng khi lăng mộ bị hư hại do dự án xây dựng, chúng tôi bắt buộc phải thực hiện nhiệm vụ của mình” - Lê Minh, nhà nghiên cứu dẫn đầu cuộc khai quật, nói với Sixth Tone.
Tình trạng này diễn ra rất phổ biến ở các thành phố cổ của Trung Quốc, điển hình là Tây An trong những năm gần đây.
Ngày nay, Trung Quốc càng chú trọng bảo tồn di sản văn hóa. Bộ phận chịu trách nhiệm di sản văn hóa Trung Quốc hiện đang tham gia vào mọi dự án phát triển đô thị lớn, đồng thời tiến hành khảo sát để xác định và bảo vệ các di tích lịch sử trước khi bất kỳ công trình nào được xây dựng.
Các biện pháp mới đã thay đổi “cuộc chơi” trong ngành khảo cổ học Trung Quốc, dẫn đến nhiều phát hiện mang tính đột phá. Nhưng chúng cũng đặt ra những thách thức đối với các thành phố cổ như Tây An, nơi được biết đến là thánh địa tiềm ẩn vô số hiện vật lịch sử ở khắp mọi nơi.
Tây An nằm ở tỉnh Thiểm Tây thuộc vùng tây bắc Trung Quốc, gần như bị lịch sử nhấn chìm. Vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng đã xây dựng lăng tẩm và các chiến binh đất nung nổi tiếng cách hàng chục km về phía Đông Bắc. Một số triều đại sau đã sử dụng thành phố này làm kinh đô, bao gồm cả các đế chế thịnh vượng như nhà Hán và nhà Đường.
Đặc biệt, triều đại nhà Đường (618-907) được xem là thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc. Tây An, tên gọi cũ là Trường An, là một trong những thành phố vĩ đại nhất thế giới vào thời điểm đó.
Bảo vệ các di sản này là một nhiệm vụ khó khăn. Tây An có 3.246 “di sản văn hóa vật thể”, trong đó có 52 di tích văn hóa trọng điểm quốc gia. Danh sách này tăng lên hàng năm vì những phát hiện trong quá trình thành phố thực thi xây dựng dự án công trình mới.
- 'Thiên cổ mỹ nam Trung Quốc' Vệ Giới: Sinh ra đại tài nhưng cuộc đời ngắn ngủi vì tai họa đến từ nhan sắc hơn người
- Cuộc đời mỹ nam Phan An trong lịch sử Trung Quốc: Một lòng chung thủy với vợ quá cố, kết cục bi thương chốn quan trường
Lý Minh cho biết chi phí bảo vệ những địa điểm này rất lớn, gây ảnh hưởng một phần đến sự phát triển của thành phố. Nhiều dự án đã bị đình công hoặc thay đổi kế hoạch xây dựng sau khi phát hiện những di tích cổ mộ.
Lý Minh từng làm việc tại Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây trước khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Bảo tàng Hán Dương Lăng, cũng phải "đau đầu nhức óc" vì phát hiện cổ mộ quan triều đình nhà Đường trong thời gian kế hoạch sửa đường năm 2019.
Ngôi mộ thuộc về Tiết Thiệu, người chồng đầu tiên của Thái Bình công chúa, con gái của Võ Tắc Thiên.
Giống như nhiều ngôi mộ thời Đường khác, mộ cổ được phát hiện là một công trình kiến trúc nguy nga, nhưng không có hề tìm thấy hài cốt. Sự tồn tại của những lăng mộ không có hài cốt phản ánh một góc thực trạng trong xã hội nhà Đường thời bấy giờ.
Lý Minh cho biết, các nhà khảo cổ muốn tránh khai quật những địa điểm này càng nhiều càng tốt. Biện pháp lý tưởng nhất để bảo vệ hiện vật lịch sử là giữ chúng mãi mãi yên nghỉ dưới lòng đất. Nhóm của ông chỉ hành động khi các tàn tích đang lâm nguy, chẳng hạn như lăng mộ của Thượng Quan Uyển Nhi và Tiết Thiệu.
Các nhà khảo cổ đang cố gắng lập bản đồ các khu mộ đã biết ở Tây An để bảo vệ chúng khỏi những phát triển trong tương lai. Nhưng công việc vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Giá trị lịch sử và văn hóa chứa đựng trong những ngôi mộ cổ và những thách thức
Trong cuộc phỏng vấn với Sixth Tone, Lý Minh đã nói về những thách thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa của Tây An và giá trị lịch sử chứa đựng trong những khu mộ cổ.
Những ngôi mộ nhà Đường cho ta biết gì về xã hội thời kỳ đó?
Thời bấy giờ có chế độ quy định nghiêm ngặt về nghi thức tang lễ. Vào thời cổ đại, đặc biệt là thời nhà Đường, mọi thứ từ độ sâu của lăng mộ cho đến việc lựa chọn vị trí đều phải được thực hiện nghiêm ngặt. Các nghi thức được đặt ra để phản ánh thứ bậc xã hội: mỗi tầng lớp xã hội đều có quyền sở hữu ngôi mộ riêng, nhưng quy mô đều có quy định hẳn hoi. Làm sai sẽ bị trừng phạt.
Về lựa chọn địa điểm, đế vương là thứ bậc cao nhất. Khi còn sống, Hoàng đế đã bắt đầu tìm kiếm địa điểm xây dựng lăng mộ tiềm năng. Lăng mộ của Lý Uyên, vị Hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đường, được xây dựng dưới lòng đất theo cách thức của nhà Tùy. Sau ông, lăng mộ của các Hoàng đế nhà Đường lại được xây dựng trên núi.
"Chúng tôi tìm thấy mộ của Thượng Quan Uyển Nhi và Tiết Thiệu ở Hồng Đô viên. Đây là nghĩa trang cao cấp ở phía Bắc Trường An thời xưa, được sử dụng hơn 1.000 năm và là nơi an nghỉ của Hoàng thất. Trong quá trình khai quật, chúng ta có thể nhận định khu mộ này thuộc về quý tộc hay thường dân dựa trên quy mô và vật bồi táng" - Lý Minh chia sẻ.
Ngôi mộ của Thượng Quan Uyển Nhi và Tiết Thiệu tiết lộ điều gì?
"Trong quá trình khai quật, chúng tôi không tìm thấy hài cốt của Thượng Quan Uyển Nhi. Ngôi mộ đã bị hư hại nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy sự hư hại này có thể là cố ý, liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực giữa Hoàng đế Lý Long Cơ và Thái Bình công chúa", Lý Minh cho biết.
Lý Long Cơ đã giết Thượng Quan Uyển Nhi, và Thái Bình công chúa xây lăng mộ cho bà. Sau khi Lý Long Cơ lên ngôi, các lăng mộ không còn bị phá hủy nữa, vì những nhân vật triều đình cấp cao không còn tranh đấu quyền lực.
Vào thời nhà Đường, đám tang cũng giống như đám cưới, là những sự kiện xã hội quan trọng. Tang lễ phản ánh nguyện vọng, địa vị chính trị của người tổ chức chứ không phải người được chôn cất.
Đơn cử là Tiết Thiệu: khi xây dựng ngôi mộ hai phòng này, ông ấy thật ra đã chết được 17 năm. Không ai nhớ đến ông và nhóm của Lý Minh không hề tìm thấy xương cốt của ông.
Tuy thân thế và địa vị hiển hách, nhưng Tiết Thiệu bị cho là có liên can đến đến vụ nổi loạn Việt Kính vương Lý Trinh, ông bị chính Võ Tắc Thiên, mẹ vợ của mình, lệnh cho đánh 100 roi và bỏ chết đói trong ngục.
Được biết, thời bấy giờ, không phải ai cũng được phép và đủ tài lực để xây dựng lăng mộ cho mình. Thường dân cấp thấp chỉ có thể chôn dưới đất và bia mộ cực kỳ đơn giản.
Thế mà Tiết Thiệu - một tội nhân đã được ban tặng một ngôi mộ hai phòng đạt chuẩn dành cho quan viên cao nhất.
Động thái này chỉ có thể được giải thích thông qua biến động triều chính thời bấy giờ.
Sau Võ Tắc Thiên, nhiều ngôi mộ gạch hai phòng bất ngờ xuất hiện. Điều này xuất phát từ việc người dân đã đấu tranh cho quyền lợi của họ trong khoảng trống quyền lực để lại sau cái chết của nữ đế. Xây dựng lăng mộ và tang lễ đã trở thành một trong những cách để đạt được điều này. Theo đó, một người có thể yên nghỉ trong lăng mộ nguy nga nếu họ muốn, với điều kiện là đủ tiền tài để xây dựng.
Điều gì sẽ xảy ra khi một ngôi mộ cổ được phát hiện trong dự án xây dựng mới? Thành phố làm thế nào để cân bằng giữa việc bảo vệ và phát triển văn hóa?
Luật Bảo vệ di tích văn hóa của Trung Quốc có quy định. Khi phát hiện những khảo cổ quan trọng, bộ phận xây dựng phải cùng với Ban di sản văn hóa lên kế hoạch bảo tồn.
"Tùy theo giá trị lịch sử mà chúng tôi sử dụng các phương pháp bảo tồn khác nhau. Xây dựng bảo tàng là mức độ bảo tồn cao nhất và cũng là tốn kém nhất. Với rất nhiều lăng mộ cấp cao, xây dựng bảo tàng hoặc công viên để giữ gìn thật sự không lý tưởng, vì đất đai có hạn.
Ví dụ như lăng mộ của Thượng Quan Uyển Nhi, chúng tôi chia con đường thành hai nửa, chôn ngôi mộ lại xuống đất và xây dựng một công viên bên trên. Theo tôi, đây là một phương pháp bảo vệ khá lý tưởng. Công viên trên mộ của Tiết Thiệu cũng đang được xây dựng", Lý Minh cho biết.
Mục tiêu hiện tại của nhóm nghiên cứu Lý Minh là xây dựng một cơ sở dữ liệu về các hầm mộ đã biết. Nhưng do khối lượng công việc khai quật rất lớn, mỗi công trình có thể do một nhóm khác nhau phụ trách, việc điều phối rất khó khăn và nghiên cứu phải mất thời gian đáng kể.
"Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng với rất nhiều dự án xây dựng. Điều đó có nghĩa là công việc khảo cổ học phải được thực hiện nhiều hơn. Nhưng thật ra đây là một tình huống đi ngược với lẽ thường, vì nhiệm vụ chính của chúng tôi không phải là khai quật lăng mộ của các nhân vật lịch sử cổ đại cho mọi người xem. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta không bao giờ phải tìm thấy và để chúng yên nghỉ dưới lòng đất. Đây mới là cách bảo vệ tốt nhất.
Chúng tôi đang tìm kiếm những cách mới để bảo vệ các ngôi mộ cổ vì đây vẫn là một vấn đề tương đối mới chỉ xuất hiện trong 2-3 năm trở lại đây", Lý Minh nói.
Trung Hạ
Nguồn: Sixthtone