Triển vọng sáng tạo nghệ thuật bằng AI
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giờ đây các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ công nghệ kỹ thuật số đã trở thành xu hướng phát triển đầy tiềm năng.
Theo nghệ sĩ người Argentina, Sofia Crespo, đây là một xu hướng mới khi con người viết ra quy tắc để máy tính sử dụng các thuật toán tạo ra những ý tưởng, mô hình nghệ thuật mới.
Nghệ sỹ kiêm lập trình viên người Mỹ Robbie Barrat đã bán được tác phẩm có tên gọi "Nude Portrait#7Frame#64" tại sàn đấu giá Sotheby's với giá 630.000 bảng Anh (821.000 USD). Cách đây 4 năm, tác phẩm "Edmond de Belamy" đã được bán đấu giá tại Christie's với giá 432.500 USD.
Tuy nhiên, xu hướng còn đang nhen nhóm này đã đối mặt với thách thức mới, khi các công ty công nghệ bắt đầu ra mắt các công nghệ AI có thể tạo ra hình ảnh thật như ảnh chụp chỉ trong vài giây. Vào những năm 1960, các nghệ sĩ tại Đức và Mỹ đã mở đường cho xu hướng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ máy tính.
- VIDEO: Sử dụng trí tuệ nhân tạo để ngăn chặn tai nạn giao thông
- Mỹ đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo
Hiện Bảo tàng V&A tại London (Anh) vẫn còn lưu giữ một bộ sưu tập có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, trong đó có tác phẩm "Plastik 1" do nghệ sĩ Georg Nees sáng tạo vào năm 1968. Ông đã sử dụng các con số ngẫu nhiên từ máy tính để tạo nên thiết kế hình học cho tác phẩm điêu khắc của mình.
Ngày nay, các nghệ sĩ kỹ thuật số đều làm việc với các siêu máy tính và những hệ thống có tên gọi mạng sáng tạo đối nghịch (GANs) để tạo ra những hình ảnh phức tạp hơn nhiều so với các nghệ sĩ trước đây. GANs là tập hợp những công nghệ AI, có khả năng tạo ra hình ảnh từ hướng dẫn ban đầu, đánh giá sản phẩm đầu ra có chính xác như yêu cầu không. Nếu sản phẩm bị lỗi, máy sẽ gửi trả hình ảnh về để hệ thống AI chỉnh sửa.
Các nghệ sĩ như Crespo và Barrat đều khẳng định rằng nghệ sĩ vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, dù phương pháp làm việc của họ không theo cách truyền thống. Barrat cho biết anh không tạo ra hình ảnh mà tạo ra một hệ thống có thể sản xuất hình ảnh, trong khi Crespo khẳng định cô đã phải sử dụng nhiều dòng code mới có thể mang lại kết quả như ý.
Các công ty công nghệ đang hy vọng có thể đưa công nghệ này đến với người tiêu dùng phổ thông. Google và Open AI đang mời chào các công nghệ mới có khả năng sáng tạo và tạo ra những hình ảnh chân thực cho người dùng mà không cần đến kỹ năng lập trình. Họ đã thay thế GANs bằng các mô hình AI thân thiện hơn, có thể chuyển đổi các câu lệnh thông thường thành hình ảnh.
Trang Imagen của Google đăng tải vô số những hình ảnh sáng tạo theo yêu cầu như vậy, chẳng hạn như hình ảnh cây xương rồng đội mũ và đeo kính neon ở sa mạc Sahara. Trong khi đó, Open AI nhấn mạnh công cụ Dalle-2 có thể đem đến bất cứ phong cách nghệ thuật nào.
Dù sự xuất hiện của AI làm dấy lên quan ngại rằng con người sẽ bị máy móc thay thế trong nhiều lĩnh vực từ chăm sóc khách hàng đến báo chí, song các nghệ sĩ lại coi đây là tiềm năng hơn là mối đe dọa. Nghệ sĩ Crespo đã dùng thử Dalle-2 và nhận định đây là một cấp sáng tạo hình ảnh mới.
Trong khi đó, Camille Lenglois của Trung tâm Pompidou - trung tâm văn hóa và bảo tàng nghệ thuật đương đại lớn nhất châu Âu- cũng ủng hộ quan điểm này, khi cho rằng máy móc không thể có khả năng sáng tạo và việc sản xuất hình ảnh không giúp tạo nên một nghệ sĩ.
Đặng Ánh/TTXVN