Trí nhớ của dân tộc
(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến năm 2000, thống kê sơ bộ cho thấy trên toàn quốc có khoảng 1000 di tích khảo cổ học thuộc thời đại kim khí. Để rồi, năm 2019 này, khoảng 50% số đó đã mất. Riêng tại miền đất tổ Phú Thọ và Vĩnh Phúc, lượng mất đi là khoảng 90%.
Hai ngày trước, tại cuộc Hội thảo Quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”, PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam) vừa đưa ra thông tin ấy như minh chứng điển hình cho tình trạng “báo động đỏ” trong việc bảo vệ các di tích khảo cổ thuộc giai đoạn lịch sử đặc biệt này.
Gọi là đặc biệt, bởi do khoảng cách quá lớn về thời gian, cộng cùng sự đan xen của các huyền tích và truyền thuyết, thời đại Hùng Vương (được cho là từ năm 2879 - 258 trước công nguyên) luôn đặt ra những rào cản cực lớn trong việc khảo cứu của ngành nghiên cứu sử học. Để thoát khỏi sự trừu tượng, mơ hồ và đứt quãng từng có, một phần rất lớn của việc khảo cứu ấy chỉ có thể dựa trên những di chỉ khảo cổ.
Kể từ thời điểm di chỉ khảo cổ học thuộc thời kì tiền Hùng Vương được phát hiện vào 60 năm trước (1959) tại Phùng Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ), ngành khảo cổ Việt Nam đã có những bước đi khá cơ bản trong vấn đề này. Và, từ những di chỉ được phát hiện và khai quật, từng bước, chúng ta đã bước đầu “giải mã” được một thời đại văn hóa vốn từng chỉ được biết tới qua truyền thuyết và tín ngưỡng .
Chẳng hạn, từ những phát hiện về nền văn hóa Đông Sơn trên địa vực miền Bắc, chúng ta đã có giả thiết: Việc Hùng Vương đóng đô ở vùng lưu vực sông Hồng phần nào liên quan tới việc kiểm soát được nguồn mỏ đồng từ thượng nguồn dòng sông này để phát triển luyện đồng - ngành kinh tế có tác động rất mạnh tới các lĩnh vực khác.
Hoặc, qua những mộ táng ở Việt Khê, Làng Cả, Gò De, Làng Vạc, việc một số người Việt cổ giàu có khi chết được “chia của” (những hiện vật tùy táng trong mộ) cho thấy xã hội giai đoạn đó đã bắt đầu có sự phân chia giàu nghèo. Xa hơn, chúng gợi mở về vai trò và sự tồn tại của một tầng lớp những thủ lĩnh quan trọng tại mô hình nhà nước sơ khai - những người có thể điều hành được sự sản xuất trong cộng đồng, đặc biệt là ở lĩnh vực luyện đồ kim khí.
Như thế, những di chỉ thời kim khí luôn có vai trò quan trọng số một - cũng như có tính xác thực cao nhất - để minh chứng về sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương. Cũng vì hình thành hàng ngàn năm trước, những di chỉ ấy dễ bị phá hủy nhất và không bao giờ có thể tái sinh.
***
Trở lại câu chuyện của PGS Tống Trung Tín. Sự thực, với giới khảo cổ, những gì được nhắc tới cũng chính là câu chuyện mà họ vẫn “rát cổ bỏng họng” hàng năm, trong những cuộc hội thảo chuyên môn: Không chỉ thuộc thời đại kim khí, những di chỉ khảo cổ tại Việt Nam thường xuyên vẫn bị xâm hại.
Sự thực, Luật Di sản Văn hóa có quy định các địa phương xây dựng quy hoạch khảo cổ, nghĩa là xác định được hệ thống trên địa bàn, kèm theo phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần thiết. Vậy nhưng, rất nhiều năm qua, công tác này vẫn được thực hiện rất hạn chế - để rồi ngoài một số di chỉ tiêu biểu đã được xếp hạng, việc bảo vệ những di chỉ khác luôn là nỗi lo lớn của giới chuyên môn.
Như một nhận xét của giới khảo cổ quốc tế được PGS Tống Trung Tín dẫn ra: Đánh mất di tích lịch sử là đánh mất trí nhớ của cả một dân tộc, chúng ta đừng quên nhu cầu bức thiết mà thực tế đòi hỏi khi nhắc về câu chuyện của thời đại Hùng Vương.
Anh Bảo