Trần Quang Đạo 'bay' nhưng không phải 'trong mơ'
(Thethaovanhoa.vn) - Tập thơ Bay trong mơ của TS - nhà thơ Trần Quang Đạo đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2019. Do đại dịch Covid-19, nên Giải thưởng văn học ASEAN trong hai năm 2019-2020 được xét chung một lần và lễ trao giải dự kiến diễn ra vào năm 2022 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) theo hình thức trực tuyến.
Và tin nóng hổi mới đây, tập thơ Bay trong mơ của anh (xuất bản tại Hungary) vừa đoạt Giải thưởng Danube của Hội văn học nghệ thuật Danube, cùng với tác phẩm của 2 nhà văn Việt Nam khác là Bảo Ninh và Kiều Bích Hậu.
Nhà thơ Trần Quang Đạo không bay trong mơ mà cất cánh bay vào Giải thưởng Văn học ASEAN và Giải thưởng Danube “trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời” (Bay trong mơ).
Nhà thơ Trần Quang Đạo sinh sinh ngày 25/02/1957 tại thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Là con người đa tài, hội tụ nhiều tài hoa thiên bẩm, ngoài làm thơ, viết văn, viết báo, nghiên cứu, anh còn sáng tác nhạc, vẽ tranh. Trần Quang Đạo “bao sân” cả thơ, nhạc, họa. Anh tự phổ nhạc cho hơn 10 bài thơ của mình. Tác phẩm của anh vì thế đủ cả thơ, tiểu thuyết, phê bình văn học, nhạc, họa. Ở vị trí Tổng biên tập báo Nhi đồng, Trần Quang Đạo là tác giả ý tưởng cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi Vì môi trường tương lai.
Thơ tình anh nghiêng đắm đuối phương em
Tôi biết vợ chồng nhà thơ Trần Quang Đạo - La Kim Liên từ năm 1980 khi cùng chung chiếc nôi đào tạo Sư phạm Văn khoa, cùng là cư dân A7. Ngày ấy, Trần Quang Đạo được quân đội cử đi học, nên tuổi có nhỉnh hơn lũ phổ thông chúng tôi một chút. Anh có khuôn mặt vuông chữ điền, trầm lắng, bí ẩn, hát hay và chơi đàn guitar giỏi. Chỉ riêng tài đàn hát đó thôi đã làm bao cô gái bị “đốn tim”. Đã thế, anh lại làm thơ, đặc biệt là thơ tình khi “Những đêm dài anh cặm cụi làm thơ/ Tình yêu đến cho anh thành thi sĩ”; “Anh nắn nót những dòng thơ đề tặng”, để “Mỗi trang đời anh hóa thành ngôn ngữ”…
Người tài hoa như thế, nữ sinh viên không theo, không “đổ rạp như chuối” mới lạ. Nhưng dẫu hát bao bản tình ca, thì nhà thơ được nhận xét khá “đào hoa” vẫn chỉ nghiêng về phương ấy - phương em như anh viết “Mà ý tình lại lấy ở phương em” (Năm tháng đời anh).
Anh đã “đánh dấu, khẳng định chủ quyền” với cô bạn cùng lớp: “Em có nhớ không ngày hai ba tháng mười thu ngưng đọng trên tầng hai ký túc/ Em trở thành người đầu tiên tan chảy vào anh để sau đó chúng ta trở thành đôi đũa/ Từ tình ta sinh ra không ít nhiệm màu và cũng nhiều mảnh vỡ”. Ký ức thời sinh viên KTX A7 “Bắp ngô nướng lén trao em bên bể nước” để “Viết cổ tích bằng một thời đói khổ… Soi trong thời gian tặng mưa nắng bây giờ” (Ngày xưa).
Bài thơ tặng người đẹp K.L - người bạn đời xinh đẹp, thủy chung của anh “Nếu một ngày em đến thăm anh/ Ngôi nhà vắng dấu thời gian mờ phủ/ Em hãy đến tìm anh ngoài nội cỏ/ Cỏ giữ gìn điều anh giữ cho em/ Cỏ sẽ nói điều anh giữ trong tim/ Em có biết dẫu thời gian dài thế/ Khi gặp cỏ - cỏ sẽ là lời kể/ Về một thời mình đã yêu nhau” (Ngọn cỏ thời yêu nhau).
Bay trong mơ - thương hiệu “Made in Tran Quang Dao”
Tập thơ Bay trong mơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2019) là sự bền bỉ suy ngẫm, chiêm nghiệm, nỗ lực tìm tòi đổi mới thơ của Trần Quang Đạo. Kể từ Những giấc mơ cắt dán sáng tác cuối năm 2008, sau 11 năm, sau bao công việc quản lý bộn bề, được nghỉ ngơi, anh mới xuất bản tập thơ Bay trong mơ.
Cầm cuốn sách anh tặng, tôi ấn tượng với con mắt thi nhân cầm cọ thiết kế từ trang bìa và chín bức tranh bằng chất liệu acrylic minh họa. Anh đã tạo ra một Made in Tran Quang Dao từ tập thơ Bay trong mơ đổi mới, tìm tòi cả nội dung và hình thức. Có điều rất tiếc, anh dự định làm đĩa nhạc phổ thơ mình kèm theo tập thơ nhưng không thực hiện được vì thời điểm đó mắc bệnh phải vào viện phẫu thuật gần 2 tháng.
Tập thơ Bay trong mơ gồm 80 bài. Hình ảnh người mẹ hiện lên trong tập thơ ám ảnh và xúc động. Dường như lúc nào, ở đâu, nơi nào, “Chạm vào đâu cũng gặp hình dáng mẹ”. Nỗi nhớ mẹ triền miên không mùa choán đầy tâm can: “Tôi quỳ xuống vì thương nhớ Mẹ” (Nhặt)…
Người con thể hiện lòng biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục, hiểu "Mẹ chịu cơn đau trở dạ/ Tôi đứa con so cất tiếng xé màn trưa" (Sinh). Ký ức về miền quê nghèo cứ da diết khôn nguôi: "Ngày đói mẹ đứt hơi chạy bữa/ Lúa đang non hạn hán khô đồng/ Cha đã khóc vì loài sâu bệnh/ Tháng ba dài như cơn gió lạnh châm"; "Ôm lượm lúa đầu mùa cha đạp/ Mẹ sẩy sàng gạo trắng trên tay"(Cơm mới). Cầm bát cơm dẻo thơm, đầy đặn, anh nhớ lời mẹ dạy qua bài ca dao tiếng hát đưa nôi “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày…”. Thế nên, biết ơn người vất vả cho bát cơm đầy "Khi xới cơm rồi cúi nhìn trong bát/ Con thấy bóng mẹ cha. Nước mắt ứa bời bời" (Cơm mới)…
Bài thơ về người mẹ nông dân khi sử dụng phương tiện di chuyển hiện đại khiến người đọc xúc động mắt cay cay nhòe lệ “Mẹ đi máy bay/ Trầu cau ấm một khoang ngồi/ Mùi rơm rạ lót trong kẽ tay còn phảng phất/ Lòng mang đầy ca dao”. Trầu cay ấm, bài ca dao đã bay theo cùng mẹ.
Sống giữa Thủ đô, lúc nào nhà thơ cũng giật mình, thảng thốt tiếng gọi của mẹ năm xưa: "Đạo ơi, về ăn cơm/ Mẹ đã gọi từ thuở ấu thơ trong ngôi nhà vách đất/ Giờ mẹ đã già và con đã xa quê/ Tiếng gọi ấy vẫn vọng vang đầy ngực"; tiếng cha gọi: “Đạo ơi, dậy đi học/ Cha đã gọi và khêu đèn ngồi đợi/ Bên đĩa sắn khoai nghèo đói năm nào/ Tiếng của cha rung những chiều thương cảm” (Gọi con).
Ký ức về mẹ trong thơ anh rất đậm, rất sâu. Tình yêu dành cho mẹ cứ thao thiết khôn nguôi: "Dù tôi không còn mẹ/ Nhưng mẹ ở trong tôi tháng tháng ngày ngày/ Tôi không cô đơn/ Bởi chạm vào đâu cũng thấy hình dáng mẹ/ Và trước mắt mình mẹ hiện hữu thiêng liêng". Lời ru mẹ dành cho con là lẽ thường, nhưng khi hoán đổi vị trí thì “Ru mẹ” làm ta nhói lòng: "Ngày xưa tay mẹ bế bồng/ Mẹ ru con khúc nằm lòng đến nay/ Giờ mẹ ở dưới đất dày/ Con ngồi ru mẹ mà quay quắt buồn".
Rời quê hương Quảng Bình, định cư ở Hà Nội, nhìn con chim trên hồ Thiền Quang, anh lại thao thiết nhớ mẹ: “Bao năm ta nhớ đồng. Bao năm ta nhớ mẹ. Ta nhớ mẹ ta sảy sàng thóc gạo ngày giáp hạt. Mi đến đậu gần Người. Dù đàn con đói mẹ vẫn hào phóng cho mi những hạt gạo căng tròn nhất. Mi quấn quýt bên Người không sợ mình bị bắt”.
Dù ở đâu, hình bóng mẹ vẫn luôn dõi theo, thế nên "Con ngồi một nẻo hồn quê/ Quanh con trời đất bốn bề bủa vây" (Ru mẹ). Nếu có ba que diêm, thì que diêm đầu tiên đứa con dành cho mẹ: “Một que nối nhang trên bàn thờ cha mẹ” rồi “Một que châm bếp lửa ấm nhà mình”, và không quên “Một que thắp đèn cho trẻ nhỏ” và chỉ nhận lại vỏ bao diêm “đựng tiếng dế năm nào”.
Nhớ mẹ, nhà thơ trở về với tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, trong trẻo đến lạ kỳ.
- Hai tác giả Việt Nam đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN
- Nhà văn Trần Mai Hạnh nhận Giải thưởng Văn học ASEAN với Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại có “vé” đến giải thưởng văn học ASEAN
Tập thơ Bay trong mơ của anh như có mẹ chắp cánh thiên thần: "Tôi tập bay trong mơ/ Phía trước mẹ vừa bay vừa ngoái lại/ Khích lệ tôi vẫy gọi tôi/ Tôi mọc thêm màu sắc/ Trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời… Tôi tập bay trong mơ/ đôi cánh lấp lánh sắc màu từ tổ tông truyền lại/ Đôi cánh dang ra vẫy gió lưng trời"…
Tập thơ Bay trong mơ thể hiện sự nỗ lực cách tân, nỗ lực đổi mới thi pháp của nhà thơ luôn trăn trở trên hành trình tìm kiếm không ngừng để vượt lên chính mình. Anh đã mang đến cho tập thơ cấu tứ mới, hình ảnh sinh động, cảm xúc căng tràn, giàu suy tưởng, triết lý… Đó là thành quả của người chăm gieo hạt cho mùa gặt bội thu.
Với lao động sáng tạo bền bỉ, nhà thơ Trần Quang Đạo đã mang đến Giải thưởng văn học Asean và Giải thưởng Danube nét độc đáo riêng có đậm đà bản sắc dân tộc. Bay trong mơ cất cánh đưa văn hóa Việt đến khu vực góp phần làm phong phú nền văn minh lúa nước ASEAN và vươn xa đến chân trời Âu.
Các giải thưởng văn học của Trần Quang Đạo - Giải C cuộc thi thơ (1983-1984), giải Khuyến khích cuộc thi thơ (1993-1994) và Tặng thưởng thơ hay (1995) của tạp chí Văn nghệ Quân đội; giải Nhì cuộc thi truyện Nhà xuất bản Kim Đồng với tác phẩm Những đứa con của trời (1997); giải Nhì cuộc thi sáng tác kịch bản của Hãng Phim Truyện Việt Nam cho tác phẩm Gửi lại cho anh (1997). Riêng tập thơ Bay trong mơ lập “hat-trick" gồm Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2019); Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2019-2020 và Giải thưởng Danube của Hội văn học nghệ thuật Danube (Hunggary). |
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng