'Tous Les Garcons Et Les Filles' - Những nụ tình xanh
(Thethaovanhoa.vn) - Làm thế nào mà một cô gái, gần như là sống tự cung tự cấp cùng với mẹ và em gái ở phố Rue d’Aumale của Paris, người dù yêu thích nhạc rock anglo-saxon, nhưng cô đơn và vụng về đến thế, lại làm được điều kỳ diệu là viết ra được ca khúc mà tất cả thanh thiếu niên đang nghẹt thở trong gông cùm của gia đình và xã hội thời đó, đều khao khát được nghe?
Đó chính là câu chuyện về cô gái Francoise, khi đó mới 18 tuổi, đã làm được với Tous Les Garcons Et Les Filles (Tất cả các chàng trai và các cô gái) - ca khúc từng đình đám ở Việt Nam qua bản chuyển thể Những nụ tình xanh của Phạm Duy.
Tuổi thơ cô độc
Tuổi thơ của Francoise Hardy trôi qua cô quạnh ở 24 phố Rue d’Aumale, quận 9 Paris, cùng với mẹ cô, Madeleine Hardy, một kế toán độc thân, và em gái nhỏ Michele. Cha cô là giám đốc một xưởng sản xuất máy tính, anhem với một tu sĩ dòng Tên bị trục xuất, tới từ một gia đình tư sản ở Blois. Vì đã kết hôn với một phụ nữ khác, ông hiếm khi có mặt ở 24 phố Rue d’Aumale và thường xuyên quên đưa tiền cấp dưỡng nuôi con cũng như đóng tiền học. Mãi về sau, ông mới nhìn nhận các con gái của mình.
Phức tạp và đa cảm, thường xuyên bị bà ngoại đe nẹt, bé Francoise thường phải ẩn mình trong sách và các ca khúc phát trên đài. Chính nhờ khám phá ra nhạc rock ‘n’ roll trên một đài phát thanh nước ngoàinên khi được hỏi muốn quà gì làm phần thưởng cho việc đỗ tú tài, ở tuổi 16 vào năm 1960, cô đã chọn một cây đàn guitar. Người cha, tuy ít quan tâm tới các con gái, nhưng đã bị mẹ cô thuyết phục mua cho Francoise phần thưởng này.
Nhưng cũng phải sau 1 năm học đại học ở Sorbonne, Francoise mới có thời gian chăm sóc cây đàn và từ nó, bắt đầu sáng tác các ca khúc. Những ảnh hưởng âm nhạc ban đầu của cô là các ngôi sao nhạc Pháp Charles Trenet và Cora Vaucaire cũng như những ca sĩ khu vực nói tiếng Anh như Paul Anka, Everly Brothers, Cliff Richard, Connie Francis, Elvis Presley và Marty Wilde. Đó cũng chính là khi cô đọc được trên báo tin tuyển ca sĩ trẻ. Cô ký được hợp đồng đầu tiên với hãng đĩa Vogue vào tháng 11/1961.
Tới tháng 4/1962, bản thu đầu tiên của cô, Oh Oh Cheri, xuất hiện, do Johnny Hallyday viết lời từ một hit của Mỹ lúc đó. Nhưng 1 ca khúc khác cùng đĩa, Tous Les Garcons Et Les Filles, mới thật sự là điều đáng nói: Một thành công quá lớn với một cô gái vừa ra mắt và là ca khúc thúc đẩy làn sóng âm nhạc yé-yé tại Pháp.
Vận may tới từ… bầu cử tổng thống
Tous Les Garcons Et Les Filles như một lời tự truyện, không chút màu mè, theo Hardy chia sẻ. Video đi kèm cũng y chang ca từ: Một cô gái đơn độc trên phố, nhìn các chàng trai cô gái nắm tay nhau từng cặp mà xao xuyến trong lòng, tự nhìn lại mình thì ngày cũng như đêm, không niềm vui và đầy buồn chán vì chẳng có ai yêu. Cô tự hỏi khi nào thì “mắt tôi nhìn vào mắt anh và tay tôi trong tay anh. Tôi sẽ có một trái tim hạnh phúc, không còn lo sợ ngày mai. Ngày mà tâm hồn tôi sẽ không còn những phiền muộn. Ngày mà tôi sẽ có ai đó yêu mình”.
Nhưng có một ngày khác nữa mà Hardy sẽ nhớ mãi trong đời: Ngày 24/4/1962. Đó là một năm quyết định của văn hóa pop với sự thành lập của Rolling Stones, album đầu tay của Beach Boys và đĩa đơn của The Beatles. Còn với Hardy: Cô có đĩa than đầu tay.
Thời điểm đó, giới trẻ Paris đang đua nhau đổ tới hộp đêm Golf Drouot, lao vào các cuộc tình để trốn khỏi cuộc đời chật hẹp dưới mái nhà cha mẹ. Tous Les Garcons Et Les Filles do đó là một ca khúc rất thức thời. Tuy nhiên, hãng Vogue vẫn không thấy bị thuyết phục và quyết định đặt cược vào Oh Oh Cheri.
Hè tới, mẹ gửi cô tới Bavaria để nâng cao tiếng Đức. Trở về, cô được cho biết là đĩa bán được 2.000 bản. “Với tôi như vậy là tuyệt vời rồi!” - Hardy thành thật. Nhưng nó hóa ra chỉ là số lẻ rất nhỏ.
Hardy nợ tướng De Gaulle một “ân tình”. Tướng De Gaulle là người đề xuất bầu tổng thống theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Vào tối 28/10/1962, trong lúc cả nước nôn nóng chờ kết quả bỏ phiếu, nhạc được bật xen vào, trong đó có Tous Les Garcons Et Les Filles. Lập tức, ca khúc trở thành hit sau một đêm. Tới cuối năm, tức chỉ hơn 1 tháng sau, đã có 500.000 bản được bán ra rồi nónhanh chóng đạt 1 triệu đĩa, được trao Đĩa vàng. Tính tới năm 1963 thì Hardy đã bán được 2 triệu đĩa. Không chỉ nổi như cồn ở Pháp, nó cũng nhanh chóng lan sang các nước khác.
Qua Tous Les Garcons Et Les Filles, tờ báo danh tiếng Paris Match đã tôn cô là biểu tượng của một thế hệ mới. Khả năng sáng tác của cô quả thực là điều mới lạ so với các nghệ sĩ mới biểu diễn ở đầu những năm 1960. Đáp lại, Hardy nói: “Ôi thôi, tôi ghét những từ đao to búa lớn như thế”. Thậm chí, cô còn… ghét ca khúc, bởi nói được ghi âm “trong 3 tiếng với 4 nhạc công thảm hại nhất Paris”.
Nhưng không thể phủ nhận rằng Tous Les Garcons Et Les Filles đã giúp Hardy một bước lên trời. Cô sẽ sớm được gặp The Beatles, Bob Dylan, Rolling Stones. Mik và Bob thậm chí còn nhéocô gái tóc nâu cao lớn xinh đẹp hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa này.
Hardy hát được bằng tiếng Pháp, Anh, Italy, Đức và thậm chí có 2 ca khúc bằng tiếng Tây Ban Nha và 1 bằng tiếng Bồ Đào Nha. Các bản thu tiếng Italy của cô, hoàn thành ở Paris năm 1963 dưới sự sản xuất của Ezio Leoni, tới nay vẫn được đánh giá cao. Cũng năm 1963, cô đại diện cho Monaco trong Cuộc thi Ca khúc Truyền hình châu Âu Eurovision và về thứ 5 với ca khúc mới cô sáng tác L’amour S’en Va.
Khuôn mặt lạnh của cô còn lọt vào mắt đạo diễn Roger Vadim. Ông đã mời cô đóng vai chính Ophelie trong phim Nutty, Naughty Chateau - được chuyển thể từ kịch cũng của một nữ thần đồng Pháp khác là Francoise Sagan.
Cô được trao giải Grand Prix du Disque cũng năm 1963. Và cuối năm 1963, cô bước chân lên sân khấu danh tiếng Olympia, đồng diễn với Richard Anthony. Hãy thử tưởng tượng một cô gái trẻ vô danh làm được ngần ấy điều chỉ sau 1 năm ra mắt, nhờ vận may chiếu vào một ca khúc!
Là nhân vật dẫn đầu phong trào yé-yé, Hardy “tự thấy mình là người đi đầu trong nền nhạc Pháp” và trở thành “ngôi sao nhạc nữ xuất khẩu tốt nhất của Pháp” nhờ hát được nhiều thứ tiếng, đóng nhiều phim, là biểu tượng thời trang, lưu diễn khắp châu Âu và nhận được lời khen từ Dylan, Miles Davis và Mick Jagger. Sau khi thời đại yé-yé qua đi, cô hướng tới phong cách trưởng thành hơn, hợp tác với những tên tuổi lớn bậc nhất Pháp như Serge Gainsbourg và Patrick Modiano. Album năm 1971 La Question được coi là tác phẩm lớn nhất của cô và tạo ra sự sùng bái trong nhiều năm sau đó.
Nếu không có vận may của Tous Les Garcons Et Les Filles, có thể Hardy sẽ vẫn thành công theo một cách nào đó, nhưng quả thật, không thể đùa được với hiệu ứng cánh bướm!
(Còn tiếp)
“Tous Les Garcons Et Les Filles” ở Việt Nam Ca khúc Tous Les Garcons Et Les Filles được biết tới rộng rãi ở Việt Nam qua lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy là Những nụ tình xanh, ra mắt đầu thập niên 1970. Bản lời Việt giữ đúng tinh thần nguyên tác nhưng với từ ngữ da diết, người lớn hơn. Người đầu tiên trình bày bản này là ca sĩ Thanh Lan. "Bao nhiêu uyên ương trong cơn yêu đương Đôi chân miên man hân hoan Lang thang giữa phố phường..." Ca khúc theo nhịp điệu slow rock nhưng tiết tấu nhanh và giai điệu tươi sáng, khác với những bản slow rock “mùi mẫn” thập niên 1960-1970 ở miền Nam. Tous Les Garcons Et Les Filles tuy theo tiết tấu slow rock nhưng nó được xem là bản nhạc “văn minh” thuộc “nhạc trẻ” chứ không nằm trong dòng nhạc “bình dân”. |
Thư Vĩ