Tốt như hàng Việt
2. Những lần đi quay quảng cáo cho các nhãn hiệu của công ty đa quốc gia, đạo diễn Đoàn Khoa phát hiện các công ty này rất chú ý đến tính địa phương. Họ tìm hiểu rất kỹ hình ảnh gần gũi với cuộc sống của người dân vùng đó với triết lý: cái gì càng gần gũi thì càng dễ bén chặt. Bởi những hình ảnh, những biểu tượng hàng Việt từ nhiều đời nay đã đi vào thói quen và đời sống của người dân sẽ gần gũi hơn hàng ngoại. Đó là một tài sản vô giá.
Đạo diễn Đoàn Khoa trầm ngâm: đưa được hình ảnh đặc trưng và"gu"của một dân tộc qua sản phẩm của nước đó là mục đích tối cao và là thành quả tuyệt vời của không chỉ nhà sản xuất mà còn là của nhà sáng tạo và các nghệ sĩ nước đó.
Thế nhưng có một điều các nhà sản xuất quên rằng chính họ cũng là “thủ phạm” cổ xúy người dân chuộng hàng ngoại. Có rất nhiều sản phẩm 100% “made in Việt Nam”, do người Việt Nam làm ra nhưng lại được gắn với cái tên rất Tây, tên Mỹ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng đó là hàng ngoại. Trong các đoạn quảng cáo, nhà sản xuất cứ ra rả sản phẩm được làm từ nguyên liệu Mỹ, chất lượng châu Âu... cho dù đó là một nhãn hiệu thuần túy Việt Nam. Chính nhà sản xuất chưa tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình thì làm sao thuyết phục được khách hàng.
Đành rằng nền sản xuất trong nước đi lên từ điểm xuất phát thấp nên phải lấy tiêu chuẩn các nước tiên tiến để làm thước đo chất lượng. Nhưng đã đến lúc doanh nghiệp Việt thoát khỏi cái áo “nhãn hiệu ngoại, chất lượng ngoại” để tìm chỗ đứng riêng cho chất lượng hàng Việt. Khi đó nhắc đến hàng Việt, người ta nghĩ đến ngay hàng bền, đẹp, an toàn. Và người Việt tự hào nói rằng “Tốt như hàng Việt”, điều mà người Nhật, người Hàn đã làm được.