Tình hình Nga - Ukraine ngày 10/4: Nga mở thêm nhiều hành lang nhân đạo
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Đọc thêm các thông tin về tình hình Nga - Ukraine TẠI ĐÂY
(Tiếp tục cập nhật)
Nga mở thêm nhiều hành lang nhân đạo
Các Lực lượng Vũ trang Nga đã mở các hành lang nhân đạo trên các hướng Kharkov và Mariupol cũng như một tuyến đường bổ sung từ Mariupol theo yêu cầu của Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.
Theo hãng tin TASS của Nga, trong thông báo ngày 10/4, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng LB Nga, Đại tá Mikhail Mizintsev, nêu rõ: "Từ 10h hằng ngày (giờ Moskva), Các Lực lượng Vũ trang Nga mở các hành lang nhân đạo theo các hướng Kharkov và Mariupol. Theo các sáng kiến nhân đạo của Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp nhằm sơ tán dân thường và công dân nước ngoài, một tuyến đường bổ sung đang được thiết lập từ Mariupol đến Berdyansk". Những người được sơ tán đến Berdyansk sau đó có thể đi bằng phương tiện đường bộ đến Crimea hoặc Zaporizhzhia, hoặc bằng đường biển và có thể đến các điểm đến đã chọn.
Đại tá Mizintsev, cũng đồng thời là người đứng đầu Trụ sở Điều phối liên bộ của LB Nga về ứng phó nhân đạo tại Ukraine, cho biết phía Ukraine chưa bao giờ xác nhận đảm bảo an ninh cho các hành lang nhân đạo cụ thể. Ông cũng nhấn mạnh Nga sẵn sàng triển khai các hành lang nhân đạo theo các hướng khác càng sớm càng tốt và đảm bảo việc sơ tán dân thường an toàn.
Ngoài ra, cũng theo Đại tá Mizintsev, tính từ ngày 2/3 đến nay, Nga đã chuyển gần 10.000 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới các địa phương của Ukraine và thực hiện 781 hoạt động nhân đạo. Ông cho biết hơn 22.500 tấn thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị tại các điểm thu mua ở Nga. Ngoài ra, 9.500 trung tâm lưu trú tạm thời tiếp tục hoạt động tại LB Nga.
Italy phản đối NATO can thiệp quân sự vào Ukraine
Ngày 9/4, Ngoại trưởng Italy Luigi di Maio cho biết nước này sẽ không ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào tình hình tại Ukraine vì lo ngại việc này có thể đẩy cuộc xung đột ở đây tới cuộc Chiến tranh Thế giới thứ ba.
Theo hãng thông tấn ANSA, phát biểu bên lề một sự kiện trong nước, Ngoại trưởng di Maio nêu rõ: "Chúng tôi sẽ phản đối sự can thiệp quân sự của NATO vào cuộc chiến ở Ukraine vì điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới". Nhà ngoại giao hàng đầu của Italy mô tả cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Ukraine là một cuộc chiến trên phạm vi thế giới, song "may mắn, chưa phải là một cuộc chiến tranh thế giới về mặt quân sự".
Cùng ngày, Tổng thống Mexico, ông Andres Manuel Lopez Obrador đã kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong tin nhắn đăng tải trên Twitter, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: "Vẫn còn thời gian để vãn hồi hòa bình, đi đến các thỏa thuận hòa bình”. Ông cũng cho biết Mexico sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng cuộc xung đột, nhưng không nói rõ khi nào hoặc bằng cách nào.
Ukraine ngừng nhập khẩu hàng hóa của Nga
Ukraine đã cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa từ Nga, một trong những đối tác thương mại quan trọng mà Ukraine nhập khẩu hằng năm khoảng 6 tỷ USD.
Theo hãng tin Reuters, trong thông báo ngày 9/4 trên Facebook, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết Ukraine đã chấm dứt mua bán hàng hóa với Nga. Bà đồng thời kêu gọi các nước phương Tây đưa ra quyết định tương tự và gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực của Nga như năng lượng và ngân hàng.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua, trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước gần như bị đình trệ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây gia tăng trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và hoạt động xuất khẩu của Nga.
Ukraine và Nga tiến hành cuộc trao đổi tù binh thứ ba
Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết 12 binh sĩ Ukraine và 14 dân thường đã trở về nhà sau một cuộc trao đổi tù binh với Nga.
Trên ứng dụng Telegram, Phó Thủ tướng Vereshchuk cho biết, theo đề nghị của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine và Nga đã tiến hành cuộc trao đổi tù binh lần thứ ba trong ngày 9/4. Phía Nga đã trao trả 12 binh sĩ Ukraine, trong đó có một nữ quân nhân, cùng 14 dân thường, trong đó có 9 phụ nữ.
Trước đó, Ukraine và Nga đã tiến hành hai cuộc trao đổi tù binh kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua.
Cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra vào ngày 29/3 vừa qua tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moskva tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên.
- Quốc tế cam kết hỗ trợ người dân Ukraine hơn 10 tỷ euro
- Tổng thống Ukraine khẳng định quyết tâm hòa đàm với Nga
Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng tại Ukraine.
Tổng thống V.Zelensky: Ukraine không muốn đánh mất cơ hội về một giải pháp ngoại giao
Theo hãng tin TASS của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố chính quyền Kiev không muốn mất cơ hội đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay ở nước này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP của Mỹ ngày 9/4, ông Zelensky nêu rõ: "Chúng tôi không muốn đánh mất cơ hội, nếu chúng tôi có, về một giải pháp ngoại giao." Khi được hỏi liệu các nước phương Tây có cung cấp đủ vũ khí cho Kiev hay không, ông khẳng định "điều này là chưa đủ”.
Trước đó, trong cuộc họp báo cùng ngày với Thủ tướng Áo Karl Nehammer, nhà lãnh đạo Kiev nêu rõ Ukraine luôn sẵn sàng đối thoại để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ ít ngày trước, Tổng thống Zelensky cũng khẳng định tiến trình đàm phán với Nga sẽ tiếp tục diễn ra. Nhà lãnh đạo Ukraine chia sẻ: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi phải tìm ra những cơ hội, dù là nhỏ, cho tiến trình đàm phán.
Nếu không có tiến trình này, tôi cho rằng khó có thể kết thúc chiến tranh”. Bên cạnh đó, Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong sứ mệnh trung gian hòa giải của các quốc gia khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đối với tiến trình đàm phán.
Lần gần đây nhất các quan chức Nga và Ukraine gặp nhau trực tiếp là ngày 29/3 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moskva tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1 tháng tại Ukraine.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinski đánh giá cuộc đàm phán tại Istanbul mang tính xây dựng, trong đó ông nhắc tới những bước đi để "tiến về" phía đối phương, có thể hiểu là sự nhượng bộ nhất định để quan điểm của hai bên có thể "xích lại gần nhau hơn", khiến khả năng đạt được thỏa hiệp gia tăng.
Theo trưởng đoàn đàm phán Nga, Moskva sẽ xem xét các đề xuất của Kiev và sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, ông nhận định việc đạt được một thỏa thuận được cả hai bên chấp nhận sẽ là một chặng đường dài.
PV/TTXVN