Thách thức của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Vòng hai bầu cử tổng thống Pháp đã kết thúc suôn sẻ với kết quả không vênh nhiều so với thăm dò dư luận. Với trên 58% phiếu bầu, ông Emmanuel Macron, 44 tuổi, đã giành thắng lợi trong “trận lượt về” trước đối thủ Marine Le Pen, gia nhập nhóm rất ít các tổng thống của Đệ ngũ Cộng hòa Pháp đắc cử nhiệm kỳ hai.
Trải qua nhiệm kỳ đầu “đầy vất vả”, với những thử thách không thể gai góc hơn như phong trào “Áo vàng”, Samuel Paty, vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Ukraine…, có thể nói ông Macron đã thu một số thành tích không xuất sắc nhưng cũng không tệ, đủ giúp ông ở lại Điện Elysée thêm một nhiệm kỳ.
Nhưng ông không có nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui chiến thắng. Dưới chân tháp Eiffel, trước đám đông những người ủng hộ ngay sau khi biết kết quả, ông thừa nhận: “Cuộc bầu cử này đã ràng buộc tôi với những năm tới”.
Nhiệm vụ đặt ra trước mắt là làm sao hàn gắn những rạn nứt giữa các tầng lớp xã hội, tạo nên sức mạnh đoàn kết như khẩu hiệu “Tất cả chúng ta” của ông để vượt qua những thách thức với rất nhiều dự án cải cách trong 5 năm tới.
Bất chấp những thành tích đã đạt được, nhiều kế hoạch cải cách vẫn bị bỏ dở hoặc đơn giản là không được thực hiện, khiến ông Macron như “mắc nợ với các cử tri” và không thể né tránh trong nhiệm kỳ mới, nhất là những vấn đề mà tác động của nó có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày.
Cải thiện sức mua cho các hộ gia đình trong thời buổi giá cả hàng hóa, nhiên liệu tăng vọt và viễn cảnh kinh tế khó khăn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dân Pháp.
Theo kết quả thăm dò của Ipsos Sopra-Steria trước bầu cử, 51% người Pháp coi đây là tiêu chí ưu tiên hàng đầu để lựa chọn một tổng thống mới, sau đó mới đến các vấn đề cải cách hệ thống y tế (32%), cải thiện môi trường (30%) và quản lý người nhập cư (29%).
Mặc dù đã được cải thiện sau 5 năm, nhưng sức mua vẫn chưa thỏa mãn được mong mỏi của các hộ gia đình. Sức mua yếu là một trong những chỉ số cho thấy khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa người nghèo và người khá giả ngày càng nới rộng, nhất là giữa 5% người có thu nhập chưa đầy 800 euro/tháng với 1% những người giàu có nhất.
- Kết quả bầu cử Pháp có thể khiến các thị trường tài chính chao đảo
- Bầu cử Pháp: 'Cuộc đọ sức' ồn ào giữa bà Pen và ông Macron
Để thay đổi tình hình, chính phủ của ông sẽ phải nỗ lực “thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn”, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế “mà không làm tăng thêm gánh nợ”, “giảm tỷ lệ thất nghiệp như những gì đã làm trong 5 năm qua để có thêm một nguồn thu tương ứng 35 tỷ euro” và “tăng tuổi nghỉ hưu, giúp ngân sách có thêm 9 tỷ euro”. Các biện pháp “số hóa, đơn giản hóa và xóa bỏ bộ máy quan liêu” để tiết kiệm ngân sách cho nhà nước cũng được ông nhắc đến.
Thách thức thứ hai chắc chắn sẽ đeo đuổi ông Macron suốt nhiệm kỳ mới, đó chính là những vấn đề về khí hậu và môi trường. Đây là chủ đề dành được sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp xã hội Pháp, đặc biệt là giới trẻ. Nhiệm vụ càng trở nên nặng nề hơn khi cả nước Pháp và châu Âu muốn giảm tối đa sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong bối cảnh căng thẳng của thị trường thế giới.
“Chính sách mà tôi sẽ theo đuổi trong 5 năm tới sẽ là chính sách sinh thái hoặc không là gì cả”, ông Macron khẳng định với cử tri tại Marseille trước vòng hai, đồng thời cho biết sẽ giao cho tân thủ tướng phụ trách “quy hoạch sinh thái”, bởi đây là nhiệm vụ “bao trùm tất cả các lĩnh vực, khu vực, dự án đầu tư”.
Ông cũng khẳng định sẽ có hai cơ quan mới trong chính phủ, gồm một bộ “quy hoạch năng lượng” đưa “Pháp trở thành quốc gia đầu tiên thoát khỏi khí đốt, dầu mỏ và than đá”, đặc biệt là thông qua phát triển năng lượng hạt nhân và một “bộ quy hoạch sinh thái lãnh thổ”, có nhiệm vụ phối hợp hành động với các địa phương trong quá trình chuyển đổi xanh ở từng vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, ông Macron sẽ phải thuyết phục Thượng viện nhanh chóng thông qua Dự luật khí hậu để có nền tảng pháp lý hiện thực hóa “chính sách sinh thái” cũng như các tham vọng khí hậu mà Pháp đã cam kết với thế giới.
Dự luật này, đã được Hạ viện Pháp thông qua vào tháng 5/2021, có thể tạo chuyển biến căn bản về văn hóa ứng xử với môi trường sống, làm thay phương thức sản xuất, di chuyển, làm việc, ăn ở…, cho phép nước Pháp có thể cắt giảm 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với 1990. Đặc biệt, dự luật cũng tạo điều kiện để thực hiện kế hoạch “France 2030” mà ông Macron vừa công bố năm ngoái, trong đó cốt lõi là các chương trình kinh tế - công nghệ xanh bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Như một “món nợ” không thể trì hoãn, cải cách hưu trí là một dự án lớn, nằm trong các cam kết trọng tâm của nhiệm kỳ trước nhưng ông Macron chưa thể thực hiện. Ông muốn nâng dần thời điểm nghỉ hưu lên 64 hoặc 65 tuổi, nâng mức tiền hưu tối thiểu lên 1.100 euro/tháng và hạ mức tuổi về hưu đối với những lao động thuộc các ngành nghề nặng nhọc và độc hại.
Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm công bằng giữa các tầng lớp người lao động vốn luôn có những nguyện vọng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau? Làm sao thu hẹp những bất bình đẳng tồn tại dai dẳng, giúp những người “không có được phương tiện đủ sống xứng đáng ngay cả khi họ phải làm việc vất vả”, như ông đã phát biểu sau vòng một bầu cử, để tránh tái diễn những phản kháng như phong trào “Áo vàng”?
Trong những nhiệm vụ trọng tâm còn lại, an ninh nội địa và quản lý người nhập cư cũng là chủ đề mà chính phủ của ông Macron phải tiếp tục có sự cải cách sau những dang dở của nhiệm kỳ trước, nhằm đảm bảo “an toàn cho cuộc sống thường nhật” của người dân.
Ông Macron cam kết sẽ “thành lập 200 đơn vị hiến binh mới” để tăng cường sự hiện diện của lực lượng bảo vệ pháp luật tại các điểm nóng về trật tự trị an, nhất là các khu vực ven đô, tuyển dụng thêm hàng nghìn thẩm phán và nhân sự tòa án, đồng thời “thiết kế lại bộ luật tố tụng hình sự” và cải tổ các hội đồng tư pháp.
Tân chính phủ sẽ thực hiện cam kết về tăng cường năng lực quản lý nhập cư, sửa đổi chính sách lãnh sự và siết chặt điều kiện cấp thẻ cư trú, áp chế các đối tượng không đủ điều kiện phải rời khỏi lãnh thổ Pháp, đề xuất trao thêm thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát biên phòng Frontex.
Về y tế, Tổng thống tái đắc cử Macron và chính phủ của ông sẽ thực hiện “một cuộc cách mạng tổng thể, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và bổ sung nhân lực cho các bệnh viện, tái tổ chức và thay đổi điều kiện làm việc cho toàn bộ hệ thống sau những xáo trộn do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tăng thù lao cho đội ngũ chăm sóc y tế.
Vấn đề cuối cùng, nhưng có thể chi phối tất cả là đảm bảo mục tiêu giảm thâm thụt ngân sách nhà nước và gánh nợ công hiện đang đạt mức kỷ lục 2.834 tỷ euro so với 2.275 tỷ vào giữa năm 2017. Điều khó nhất với tổng thống tái đắc cử và chính phủ của ông là phải cân đối, bổ sung các nguồn tài chính để có thể tiến hành các dự án cải cách trong những điều kiện khó khăn phía trước.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Macron không nhắc nhiều đến chính sách đối ngoại, nhưng những thay đổi của trật tự thế giới và đặc biệt của cục diện ở châu Âu là cơ sở để khẳng định ông sẽ đẩy mạnh đường lối đối ngoại trong khuôn khổ “La bàn chiến lược” của Liên minh châu Âu (EU), một định hướng đề cao tính độc lập, tự chủ của EU và từng nước thành viên, đặc biệt trong lĩnh vực là an ninh và quốc phòng.
Những bài học rút ra từ Ukraine và trước đó, từ cách xử sự của đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, chẳng hạn trong quyết định rút quân khỏi Afghanistan và thiết lập liên minh Aukus mà không tham vấn châu Âu, hoặc việc Australia hủy bỏ thỏa thuận mua tầm ngầm trị giá hơn 56 tỷ euro ký với Pháp, chỉ có thể càng làm tăng quyết tâm của ông Macron trong việc thực thi một chính sách đối ngoại tự chủ hơn.
Trong cuộc tranh luận mặt đối mặt giữa ông Macron với đối thủ Marine Le Pen được truyền hình trực tiếp trước vòng hai, chủ đề đối ngoại chỉ dừng ở châu Âu và quan hệ với Nga, các vấn đề khác không được nhắc đến.
Điều này cho thấy chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Pháp trước hết tập trung vào lợi ích sát sườn tại châu Âu, mà quan hệ với Nga và trong NATO sẽ được đặt lên hàng đầu. Quan điểm của ông Macron đã được công khai trong chiến dịch tranh cử: tiếp tục các nỗ lực đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời gia tăng trừng phạt ngoại giao và kinh tế “cho đến khi Moskva có những thay đổi”.
Xử lý mối quan hệ với Nga rõ ràng là một thách thức lớn, nhất là khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang có dấu hiệu đạt đến giới hạn, trừ phi EU nhất trí nâng cấp lệnh trừng phạt Nga về năng lượng như Mỹ. Thế nhưng ai cũng biết đây là điều khó khăn bởi một số thành viên EU, bao gồm đầu tàu kinh tế Đức, chưa thể yên tâm với viễn cảnh có một nguồn cung năng lượng ổn định thay thế Nga.
Bất chấp những hoài nghi về vai trò của NATO đối với an ninh châu Âu đã vợi đi nhiều sau sự kiện tại Ukraine, ông Macron vẫn tham vọng xây dựng châu Âu trở thành một “thế lực hùng mạnh”, tự chủ về chiến lược, có nền công nghiệp quân sự hiện đại, có khả năng độc lập về quốc phòng, sẵn sàng phản ứng nhanh và chủ động với các mối đe dọa tiềm tàng trên phạm vi châu lục và trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của khối.
Nền quốc phòng chung của châu Âu, theo ông, sẽ không cạnh tranh mà hợp tác và bổ trợ lẫn nhau với NATO.
Nhưng thách thức đối với ông Macron là làm sao đoàn kết được 27 thành viên trong một khối thống nhất để hiện thực hóa các mục tiêu chung và các dự án cải cách, hội nhập cụ thể như đưa EU trở thành “thế lực về kỹ thuật số, tăng cường khả năng cạnh tranh về công nghệ xanh và sạch, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, cải cách chính sách nhập cư và Schengen…
Pháp sẽ kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch EU vào tháng 6 tới nhưng ông Macron hy vọng cách tiếp cận mới, với sự tăng cường tham vấn lẫn nhau giữa các thành viên trong khối, sẽ mang lại một nền tảng thuận lợi để ông có tiếp tục lèo lái con thuyền châu Âu hướng tới những tham vọng chung.
Trên cương vị chủ tịch EU, tháng 2/2022, ông Macron đã đứng ra tổ chức diễn đàn hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Paris, qua đó nhấn mạnh vai trò của Pháp như một trong những "người chơi lớn" ở khu vực, nhất là khi Anh đã rời EU và muốn kích hoạt lại Khối thịnh vượng chung.
Sự kiện này khẳng định chính phủ mới của ông sẽ tiếp tục phối hợp với các nước EU triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm mục tiêu đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng lợi ích an ninh và quân sự tại khu vực. Thách thức đặt ra là làm sao mở rộng lợi ích nhưng đồng thời cân bằng các mối quan hệ, tránh gây căng thẳng với Trung Quốc, một đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Pháp và châu Âu.
Không kém phần quan trọng đối với lợi ích của Pháp là nhiệm vụ củng cố và tái thiết sự hiện diện tại châu Phi sau thất bại có tính biểu tượng ở Mali, nơi chính ông đã phải thông báo rút quân đội Pháp sau 9 năm đồn trú chống thánh chiến ở Sahel. Pháp cần một hình ảnh mới, một vai trò và tiếng nói có trọng lượng hơn tại khu vực này nói riêng và châu Phi nói chung.
Nguyễn Tuyên - Phóng viên TTXVN tại CH Pháp/TTXVN