Ngăn chặn sự biến tướng tục 'kéo vợ'
(Thethaovanhoa.vn) - “Kéo vợ” theo tiếng đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang gọi là “Chắt Pò Nỉa”, trước kia vốn dĩ là nét đẹp văn hóa, thể hiện tự do hôn nhân, mưu cầu hạnh phúc của những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ngăn cản, ràng buộc bởi sính lễ. Tuy nhiên, tập tục hiện nay đang bị biến tướng, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự xã hội.
Người Mông có nhiều phong tục độc đáo, trong đó có tục “kéo vợ”. Song, không ít người còn hiểu chưa đầy đủ về tục này, cho rằng đây là bắt vợ hoặc cướp vợ, bắt ép người con gái về làm vợ. Thực chất, bên trong tập tục này ẩn chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tự do hôn nhân, mưu cầu hạnh phúc.
Từ quan điểm tự do hôn nhân
Tương truyền, thủa xa xưa, có đôi trai gái người dân tộc Mông yêu nhau say đắm, thế nhưng phía bên gia đình cô gái không đồng ý gả cho chàng trai. Hai người không biết làm thế nào, thế rồi cả hai đã nghĩ ra một kế hoạch, cô gái đồng ý để cho người con trai kéo về nhà làm vợ. Chuyện đã rồi, ván đã đóng thuyền, phía nhà gái đành phải chấp thuận.
Trong thực tế đời sống đồng bào dân tộc Mông, khi đôi trai gái đã ưng ý và thề nguyền đi đến hôn nhân thì họ sẽ về báo cáo với bố mẹ và dòng họ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, nhà trai sẽ tiến hành mời ông mối sang đánh tiếng dạm hỏi, rồi tiến tới lễ ăn hỏi (hẹn cưới) và cuối cùng là lễ cưới (đón dâu).
Đám cưới của người Mông thường được tổ chức linh đình, tốn kém và thường diễn ra vào mùa Xuân, kiêng làm đám cưới vào những tháng có sấm sét. Quan niệm của người Mông cho rằng, mùa Xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở mà con người không nằm ngoài vòng quay đó.
Thế nhưng, không phải câu chuyện tình yêu nào cũng có một cái kết có hậu mà không phải trải qua sóng gió. Trong thực tế, có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại không được một hoặc cả hai bên cha mẹ đồng ý. Khi cha mẹ đã không đồng ý mà đôi trai gái tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu, mà cuộc hôn nhân đó còn không được cộng đồng chấp nhận.
Thế nên tục “kéo vợ” có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó, cặp đôi sẽ bàn cách tiến tới hôn nhân bằng tục “kéo dâu”, bằng cách nhờ cậy những ông chú, bà thím, bà cô, ông cậu, anh em, bạn bè... làm nội ứng, thống nhất kế hoạch “kéo dâu” để hợp lý hóa cuộc hôn nhân.
Sự biến tướng tục “kéo vợ”
Vừa qua, một đoạn clip trên mạng xã hội về một bé gái bị bắt làm vợ được công an giải cứu đã gây xôn xao dư luận. Qua xác minh, chàng trai trong clip tên là G.M.Ch, sinh năm 2006, còn cô gái bị Ch kéo là V.T.S, sinh năm 2008, thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Được biết, G.M.Ch và V.T.S quen nhau qua Zalo từ ngày 4/2/2022. Từ khi quen nhau, hai bạn trẻ này thường xuyên nhắn tin qua lại. Trong nội dung tin nhắn, Ch tỏ tình với S và rủ đi chơi cùng nhưng S chưa nhận lời yêu. Đến ngày 7/2, cả hai hẹn gặp nhau ở Tượng đài Thanh niên xung phong và khi đến ngã ba hạt 7 thuộc địa phận xã Pả Vi, Ch có ý định kéo S về làm vợ theo tập tục, nhưng S không đồng ý nên xảy ra vụ việc như trên.
Trước vụ việc, ông Sùng Dình Páo, 68 tuổi, người dân tộc Mông, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc, cho biết đây là sự biến tướng tục “kéo vợ” của người Mông. “Người Mông thế hệ chúng tôi trước kia kéo vợ chỉ là hình thức, vì thực chất cả hai đã yêu nhau, đồng ý về với nhau. Việc kéo ép khi người con gái không đồng ý là sự biến tướng của tập tục. Chính quyền địa phương các cấp đã tuyên truyền, người lớn cũng đã khuyên bảo, nhưng còn một số cháu không nghe lời, do tuổi còn trẻ, suy nghĩ nông cạn, nếu ép các cháu quá, nhiều trường hợp dễ nảy sinh ý nghĩ tiêu cực”, ông Páo chia sẻ.
Theo ông Hạng Mí De, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang, qua theo dõi clip, ông thấy nhiều người chứng kiến vụ việc rất vô cảm, biết đó là hành vi cưỡng ép nhưng không ai can thiệp. "Tục kéo vợ của người Mông không như thế, kéo chỉ là hình thức khi người con gái đã đồng ý yêu thương mình nhưng còn e ngại. Trường hợp cháu trai trong clip rõ ràng là lợi dụng tập tục để ép cô gái. Nếu không được ngăn chặn, tập tục bị biến tướng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với các cháu gái vùng cao", ông De nói.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Bắt vợ" hay "kéo vợ” vốn là một tục xa xưa của đồng bào dân tộc Mông, thể hiện tình yêu đôi lứa, mưu cầu hạnh phúc của những chàng trai, cô gái người Mông yêu nhau, muốn đến với nhau. Qua thời gian, tục “bắt vợ” đã bị biến tướng. Trước đây, việc kéo hay bắt vợ chỉ được diễn ra khi có sự thỏa thuận và đồng ý của hai người, người con gái phải đủ 18 tuổi và người con trai phải đủ 20 tuổi.
Tăng cường công tác tuyên truyền về tảo hôn
Chiều 9/2, phóng viên TTXVN có mặt tại gia đình anh Vàng Mí Say, thôn Khai Hoang II, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, cùng đoàn công tác của xã Xín Cái đi tuyên truyền về tảo hôn. Được biết, ba hôm trước, con trai anh Vàng Mí Say là Vàng Mí Thò sinh năm 2010 đã “bắt” cháu Lù Thị Thò sinh năm 2008 về làm vợ. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, xã Xín Cái đã cử đoàn công tác đến tuyên truyền, vận động và yêu cầu gia đình thực hiện ký cam kết không tảo hôn, đồng thời trả bé gái về gia đình ở thôn Mã Pí Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc.
Sau khi được tuyên truyền, gia đình anh Say đã đồng ý ký cam kết không để tình trạng tảo hôn xảy ra với con trai mình. “Hai đứa nó tự thích nhau và đưa về nhà. Sau khi cán bộ tuyên truyền thì mình cũng nhận thức được và sẽ không cho hai đứa lấy nhau, để sau khi các con học xong, khi đủ tuổi mà hai con vẫn thích nhau thì sẽ cho hai đứa lấy nhau” - anh Vàng Mí Say khẳng định.
Thiếu tá Hoàng Ngọc Tuân, Phó trưởng Công an xã Xín Cái cho biết, trên địa bàn xã từ đầu năm 2022 đã tiến hành xử lý 3 vụ tảo hôn, tách các cặp đôi chưa đủ tuổi. Các hộ đều ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc thông tin, những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tình trạng tảo hôn trên địa bàn đã được giảm thiểu, từ 128 cặp tảo hôn trong năm 2018, đến năm 2021 còn 21 cặp tảo hôn. Tình trạng hôn nhân cận huyết không còn diễn ra trên địa bàn huyện.
“Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, đặc biệt vận động đối với các cặp tảo hôn để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có trường hợp cưỡng ép về làm vợ xảy ra, có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngày 10/2/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã ra văn bản về tăng cường công tác tuyên truyền bài trừ các tập tục lạc hậu và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Theo đó, Sở đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo triển khai một số nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…, ngăn chặn các hành vi vi phạm về hôn nhân và gia đình, xâm hại trẻ em, xâm hại người dưới 16 tuổi.
Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng biệt. Tính đến năm 2020, đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn có khoảng 302.552 người, chiếm hơn 30% tổng dân số toàn tỉnh. Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, nhưng hiện nay đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn không ít hủ tục, tập quán lạc hậu, trở thành rào cản phát triển kinh tế - xã hội.
Để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và bài trừ các hủ tục không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Ngoài những giải pháp căn cơ được cả hệ thống chính trị triển khai một cách đồng bộ, cần sự vào cuộc, nêu cao trách nhiệm của cả cộng đồng, để cùng chung tay xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ.
Nguyễn Chiến/TTXVN