97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925-21/6/2022: Giữ gìn 'mắt sáng, lòng trong, bút sắc'
Ra đời trong khói lửa các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, lớp lớp những người làm báo đã làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất, đó là làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”
Nói về làm báo và viết báo, Bác Hồ cho rằng: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương” (Trả lời phỏng vấn báo chí năm 1946). Và Người cho là:“Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với những cán bộ, học viên vào học lớp viết báo đầu tiên năm 1949, Bác dạy bảo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc” (Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949).
Bác căn dặn các nhà báo: Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” (Phát biểu tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959), “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962). Vì “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965)...
Thực tế đã chứng minh, trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành công cụ sắc bén tuyên truyền bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhất là nhân dân lao động, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, báo chí cách mạng đã phát huy vai trò tích cực, kiên quyết đấu tranh với cái cũ, tàn dư của chế độ cũ; cổ vũ, biểu dương, phổ biến những cái mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, chiến đấu. Báo chí tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với hành vi tham nhũng, lãng phí; đấu tranh phản bác thông tin sai trái, quan điểm thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế…
Có thể khẳng định, gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, nêu cao tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 400 nhà báo liệt sĩ, nhiều phóng viên hy sinh với tư thế người chiến sĩ trên mặt trận.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy. Những ngày qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng báo chí đã bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh quyết liệt chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch. Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nổi lên như điểm sáng, bài học quý cho thế giới trong trận chiến chống dịch COVID-19 là nỗ lực lớn của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng và rất đáng tự hào của báo chí.
Giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”
Hiện nước ta có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với trên 17.000 người được cấp thẻ nhà báo. Hầu hết người làm báo cách mạng đều giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động nghiệp vụ, đứng trước sức ép cạnh tranh thông tin, đã xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại trong hoạt động báo chí, trước hết là đạo đức của một bộ phận người làm báo đang xuống cấp. Ở đâu đó, chúng ta vẫn gặp những nhà báo "xa dân", những bài viết xa rời cuộc sống, những thông tin giật gân để “câu view”, cốt để thu hút quảng cáo... Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những không bị ngăn chặn đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục.
Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái truyền th ố ng đạo lý ngày càng gia tăng. Tình hình này cho thấy sự tha hóa suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng, làm mai một hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạo đức báo chí trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vì đưa tin sai sự thật, tống tiền doanh nghiệp... Năm 2021, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp Trung ương đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong đó có một số vụ việc hội viên, nhà báo bị bắt vì chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, khi xã hội hiện đại ngày càng chịu áp lực của nhiều xu hướng, hiện tượng trong thời đại thông tin kỹ thuật số, thì tính chiến đấu, tính nhân văn của báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo càng phải được đề cao. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa có tính cấp bách vừa có tính cơ bản, lâu dài, luôn được thể hiện rõ nét trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua. Trong 8 nhiệm vụ mà Luật Báo chí 2016 quy định, Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Trong nhiệm kỳ X, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành hai văn bản quan trọng: 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (năm 2017) và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (năm 2019). Hai văn bản này có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của những người làm báo trong thời đại mới. Ngay sau khi ban hành, Hội Nhà báo Việt Nam đã yêu cầu các cấp Hội tổ chức các đợt sinh hoạt, quán triệt hai văn bản này tới từng hội viên, nhà báo và đạt những kết quả quan trọng, từng bước chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động tác nghiệp.
- Những mốc son của báo chí cách mạng Việt Nam
- Dấu ấn 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam
- Viết cho đồng nghiệp nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6
Việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ Trung ương đến địa phương; ban hành quyết định sinh hoạt hai chiều đối với phóng viên thường trú; áp dụng phần mềm theo dõi việc đăng, gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát... đã góp phần chấn chỉnh kỷ cương, tạo bước chuyển rõ rệt, giảm đáng kể các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động báo chí, đồng thời nêu cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo.
Trong bất kỳ giai đoạn nào, người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh của mình, phải có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Cùng với đó, người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Theo đó, trong hoạt động nghề nghiệp, nhà báo không chỉ tuân thủ đúng quy định của pháp luật, mà còn phải thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức chung trong đời sống.
Đặc biệt, tính chân thực là nguyên tắc tối thượng của báo chí, là “sinh mệnh” của báo chí, do đó, nhà báo cần đề cao tính trung thực, tính nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc... Trách nhiệm xã hội của nhà báo xét cho cùng là thực hiện theo đúng nguyên tắc tác nghiệp và quy định pháp luật, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp, vì một xã hội phồn vinh và phát triển.
Dung Duyên/TTXVN