Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 8): Bí ẩn giáp phục Đông Sơn
Trong quá trình nghiên cứu về trang phục Đông Sơn, có một số loại trang phục có thể dễ dàng nhận ra nhờ sự thể hiện của nghệ nhân trên các bức tượng cán dao găm hay hình khắc minh họa trên đồ đồng.
Ngoài ra, rất hiếm hoi có thể phát hiện chúng từ những mộ táng. Và tiếp theo dòng nghiên cứu trang phục Đông Sơn từ mộ táng, tôi muốn nhắc đến một ngôi mộ với sự phát hiện vô cùng hiếm hoi về bộ giáp phục của một thủ lĩnh quân sự thuộc nhóm Đông Sơn Tây Âu tại một địa điểm sát bờ sông Hồng, khu vực giáp ranh Lào Cai - Yên Bái.
1. Theo lời kể của những người trực tiếp phát hiện, và sự kiểm chứng của tôi trên những hiện vật hiện còn lưu tại một vài sưu tập tư nhân trong và ngoài nước, thì đây là một mộ táng của một thủ lĩnh quân sự rất lớn thuộc nhóm Đông Sơn Tây Âu - lực lượng đã theo Thục Phán An Dương Vương sáp nhập với quý tộc Lạc Việt lập ra một liên minh tiền nhà nước lớn là Âu Lạc vào thế kỷ 3 trước Công nguyên.
Theo ghi chép của những quý tộc, sử gia đương thời nhà Tây Hán trong Hoài Nam Tử (Lưu An), Sử ký (Tư Mã Thiên) thì thủ lĩnh Tây Âu đã từng tổ chức người Việt chống lại cuộc Nam chinh của nhà Tần cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên. Hòa nhịp với ghi chép của chính sử về chiến tranh giữa quân Tần với thế giới Bách Việt Lĩnh Nam là sự gia tăng rõ rệt cả về số lượng lẫn loại hình vũ khí đồng Đông Sơn.
Thống kê sơ bộ từ bốn khu mộ táng Đông Sơn lớn đã được khảo cổ học khai quật, có thể thấy khoảng gần 60% mộ táng Đông Sơn mang theo vũ khí. Con số này sẽ còn lớn hơn, khi chúng ta gộp cả số lượng rìu đồng mà khi thống kê đã tách thành công cụ sản xuất. Phát hiện gần đây nhất của chúng tôi về trận chiến Đông Sơn diễn ra ở khu vực Đồng Tâm (Chi Nê, Hòa Bình) cho thấy tỷ lệ rìu đồng tham gia trong trận chiến đó rất cao. Một chiếc sọ người còn ghim chặt lưỡi rìu đồng Đông Sơn bên thái dương.
Sơ lược vài nét về tình hình chiến tranh và vũ khí Đông Sơn để phần nào hiểu được tác động xã hội đã được những thợ cả Đông Sơn thể hiện trên trang trí trống đồng đương thời, đó là những chiến binh vũ trang với giáo, qua và rìu chiến. Đáng chú ý nhất là thi hài của một thủ lĩnh quân sự cao trên 180cm, mang áo giáp đồng, đội mũ đâu mâu đồng chôn theo nhiều trống đồng và đồ đồng quý. Nhờ gỉ đồng từ mũ và áo giáp nên bộ xương còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, chiếc sọ nhuộm xanh màu gỉ đồng hơn từ chiếc mũ.
Trước đây, tôi thường cho là những thứ dân gian đồn là mũ đâu mâu là các thạp hay nồi, đĩa đồng khi chôn hay chụp hoặc đậy trên vùng sọ mặt người chết. Nhưng ở trường hợp này, ngoài bộ giáp là những phiến đồng có hoa văn Đông Sơn điển hình, đục lỗ xuyên dây buộc, còn có các hình khắc trên thân trống đồng chôn theo đặc tả hình ảnh những chiến binh Đông Sơn mang theo mũ trụ. Đặc biệt, có một hình vị thủ lĩnh quân sự cởi giáp, tháo mũ, quỳ để nghỉ ngơi hay hưởng một lễ shaman cầu an nào đó.
2. Trên thế giới, giáp trụ bảo vệ thân thể tướng lĩnh trong các trận giáp chiến đã xuất hiện khá sớm và phổ biến. Ở Việt Nam, chúng ta đã từng nhắc đến các tấm đồng có móc khuyên đeo trước ngực mang tên "hộ tâm phiến" (tấm che ngực) Đông Sơn từng được khảo cổ học phát hiện từ những năm 1960 ở Lật Phương, Đường Cồ (Phú Xuyên, Hà Nội)…
Cho đến hiện nay, có hàng trăm tấm đồng mỏng che ngực đã được phát hiện. Tuy nhiên, một bộ giáp trụ đồng vẫn được chúng tôi mải miết kiếm tìm. Cho đến cách nay vài ba năm, xuất hiện một bộ giáp đồng Đông Sơn khá hoàn chỉnh được gửi đến chỗ tôi.
Đây là bộ giáp gồm 14 tấm đồng mỏng 1 - 2mm được đúc rời từng chiếc, bên trên có hoa văn đúc liền ngay khi rót đồng. Có thể nhận ra 1 phiến chắn vùng gáy cổ, 4 phiến chắn vai, cánh tay trên và 9 phiến chắn bụng ngực. Độ cong tương ứng với cơ thể người còn khá nguyên vẹn. Trừ miếng chắn gáy cổ to và cong, không hoa văn, chiều dài hiện có (đo theo chiều cong) khoảng 42cm có 6 lỗ thủng xuyên dây, còn lại 13 phiến che thân đều khá giống nhau, chỉ khác biệt chút ít về độ lớn và độ cong, tương ứng phần che đỡ trên thân thể người.
Tấm lớn nhất dài 15cm rộng 9cm các tấm nhỏ dài 12, rộng 8cm. Ở bốn góc có lỗ thủng để buộc dây lồng vào nhau. Hoa văn trên mỗi tấm khá đồng nhất, gồm băng viền hình răng cưa chìm, nổi. Ở giữa là hình con rùa như chức năng che đỡ rất linh thiêng của chiếc mu rùa và hình mặt người tượng trưng cho thần bất tử hộ mệnh. Riêng chiếc mũ tôi chưa được thấy trực tiếp.
Ta có thể hình dung bộ giáp phục này như sau: Chiến binh sẽ buộc phần che gáy cổ phía sau gáy, dùng giây buộc tiếp mỗi bên vai, cánh tay hai tấm đồng có độ cong ốp sát vai, u vai. Dây buộc phía trên gắn với miếng che cổ gáy, lồng qua bên dưới cánh tay và gắn với các tấm che ngực, bụng để đảm bảo không văng tuột khi giáp chiến. Phần bụng, ngực gồm 9 tấm được buộc căng đều 3 ngang 3 dọc thành diện tích khoảng 30x50cm. Đôi tay phần dưới và lưng không có giáp bảo vệ.
3. Hình trang trí trên trống Đông Sơn Tây Âu thuộc sưu tập Nguyễn Đình Sử có 3 hình chiến binh, trong đó 2 hình chiến binh đóng khố, mặc giáp phục, đội mũ trụ và một hình chiến binh đã cởi giáp phục đặt bên cạnh. Xin dẫn lời của chứng nhân trực tiếp tham gia cuộc khai quật mộ có trống này: Chủ nhân ngôi mộ có mang bộ giáp và mũ trụ khá giống như hình khắc trên thân trống đồng. Hiện tại, những hình ảnh đó đã được sử dụng làm thành những bức tranh tường trong ngôi chùa ở làng Đông Sơn, Thanh Hóa, ngay sát di chỉ trong làng, cách không xa khu mộ táng Đông Sơn nổi tiếng.
Quả đây là những tư liệu vô cùng hiếm quý mà cuộc săn lùng nhiều chục năm nay vẫn hằng mơ ước được thấy. Trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc yêu mến và đam mê với di sản cổ vật Đông Sơn nhân 100 năm tròn kỷ niệm lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa đáng tự hào này của dân tộc (1924 - 2024).
"Một chiếc sọ người còn ghim chặt lưỡi rìu đồng Đông Sơn bên thái dương" - TS Nguyễn Việt.
(Còn tiếp)