Tìm hiểu về biến chủng SARS-CoV-2 ở Ấn Độ
(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi chùm ca bệnh vào cuối tháng 4 vừa qua tại Yên Bái, Bộ Y tế đã tiến hành giải trình tự gen của các ca bệnh Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam này. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu xét nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ và của nhân viên khách sạn bị lây nhiễm trong khu cách ly đều có biến chủng virus SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành và gây bệnh ở Ấn Độ, đó là biến thể B.1.617.2. Đến ngày 4/5, kết quả giải trình tự gen các ca bệnh ở Vĩnh Phúc cũng cho kết quả biến thể trên.
Những biến chủng ở Ấn Độ
Chủng virus từ Ấn Độ được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn (đặc tính của biến chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vaccine (đặc tính của chủng virus Nam Phi) nên được gọi là chủng biến thể kép.
Biến thể Anh chủng B.1.1.7 xuất hiện tại Anh vào tháng 12/2020 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu. Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp bốn lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn, tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ.
Còn biến thể phát hiện ở Nam Phi - B.1.351 - có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 20-200% so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay. Biến thể này có một số điểm tương đồng với biến thể lần đầu tiên được xác định ở Anh và dường như cũng dễ lây lan hơn, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các ca mắc Covid-19 mới tăng nhanh ở Ấn Độ trong tháng qua được cho là do biện pháp phòng ngừa lỏng lẻo, song bên cạnh đó, sự xuất hiện của một số biến chủng mới ở Ấn Độ cũng góp phần làm tình hình dịch trở nên tồi tệ hơn.
Cụ thể, có thể kể đến 2 biến chủng gồm biến chủng kép B.1.617 và biến chủng B.1.618 (hay còn gọi là biến chủng Bengal). Trong đó, biến chủng kép B.1.617 mang hai đột biến quan trọng là L452R và E484Q. Cả hai đột biến này đều giúp virus "né tránh" được hệ thống miễn dịch. Đột biến L452R còn làm tăng nguy cơ lây lan của các ca bệnh. Ngoài hai đột biến là L452R và E484Q, biến thể B.1.617 còn có khoảng 11 đột biến khác.
B.1.617 ban đầu được phát hiện vào tháng 10/2020 và sau đó đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ, Đức, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nigeria.
Theo India Today, bên cạnh biến chủng kép B.1.617 thì Ấn Độ còn phải đối mặt với mối đe dọa khác, đó là biến chủng B.1.618. Viện Di truyền Y sinh Quốc gia (NIBMG) có trụ sở tại Tây Bengal đã thực hiện phân tích, cho thấy biến chủng B.1.618 có các đột biến di truyền nổi bật. Trong đó, đột biến chính E484K giúp virus có thể bám vào tế bào người và "né tránh" hệ thống miễn dịch. Biến chủng này đã được các nhà khoa học tìm thấy trong các mẫu bệnh phẩm ở 4 bang gồm: Maharashtra, Delhi, Tây Bengal và Chhattisgarh. Do xuất hiện chủ yếu ở Tây Bengal, nó được đặt tên là "chủng Bengal" và có khả năng lây nhiễm thậm chí còn cao hơn cả biến chủng kép B.1.617. Nói về biến chủng này, nhà nghiên cứu Vinod Scaria, tại Viện Nghiên cứu Di truyền và Sinh học Tích hợp CSIR ở Ấn Độ đã chia sẻ với Times Of India, cho biết biến chủng này có thể được phát triển từ B.1.167. Ông cũng nhận định rằng đây là nguyên nhân khiến các ca mắc mới gia tăng ở Ấn Độ.
Ngoài Ấn Độ, biến chủng B.1.618 còn được tìm thấy ở nhiều quốc gia khác như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore và Phần Lan, nhưng chỉ riêng ở Ấn Độ mới có đầy đủ các đột biến.
Tuy nhiên, về vấn đề biến chủng đột biến này có khả năng lây lan mạnh, khiến bệnh nhân không qua khỏi hay kháng thể hệ miễn dịch cao hơn hay không, các nhà khoa học cho biết hiện còn nhiều điều chưa rõ ràng, kể cả khả năng tái nhiễm cũng như nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine. Theo các chuyên gia, cần có thêm dữ liệu thử nghiệm để đánh giá hiệu quả vaccine ngừa Covid-19 đối với những biến chủng ở Ấn Độ.
Những khuyến cáo của WHO
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 27/4 vừa qua cho biết đã có hơn 10 nước trên thế giới phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ở Ấn Độ và đang khiến số ca nhiễm tăng đột biến tại quốc gia Nam Á này. Trong báo cáo cập nhật tình hình dịch tễ hằng tuần, WHO cho biết đến nay biến thể B.1.617 có nguồn gốc tại Ấn Độ đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gen có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 17 nước. Đa số các chuỗi trình tự là của các nước Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore.
WHO đã phân loại biến thể mới tại Ấn Độ là "biến thể cần quan tâm" và chưa tuyên bố đây là "biến thể gây quan ngại". Theo WHO, phân tích sơ bộ của tổ chức này dựa trên các chuỗi trình tự gen trên hệ thống dữ liệu GISAID cho thấy biến thể mới tại Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác phổ biến tại quốc gia Nam Á này, trong khi khả năng lây lan của các biến thể khác cũng gia tăng. Đây được xem là nguyên nhân dẫn tới sự tăng đột biến các ca mắc mới Covid-19 tại Ấn Độ thời gian qua.
- Thêm 26 ca mắc Covid-19, Bộ Y tế nâng 21 ngày cách ly tập trung
- Không có ca mắc mới, Việt Nam đã có 585.539 người được tiêm vaccine Covid-19
- Dịch Covid-19 thế giới ngày 4/5: Ấn Độ có hơn 20 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2
- Dịch Covid-19 ở Ấn Độ: Cuộc chiến sinh tử
WHO cho biết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng làn sóng dịch thứ hai tại Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên. Bên cạnh đó, các hoạt động tụ tập đông người và việc người dân phớt lờ các biện pháp phòng dịch cũng là những yếu tố khiến tình hình dịch bệnh tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này thêm trầm trọng.
WHO cũng nhấn mạnh cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác về biến thể mới tại Ấn Độ và các biến thể khác, trong đó có sự tác động về khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tái lây nhiễm.
An Ngọc (tổng hợp)