Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương: Thế giới đa tầng hiện thực và những cách tân nghệ thuật
Kể từ khi những tác phẩm đầu tiên ra mắt năm 1991, trong hơn 30 năm qua, Nguyễn Bình Phương luôn bền bỉ sáng tác bằng phong cách nghệ thuật độc đáo, với khoảng 10 cuốn tiểu thuyết ấn tượng.
Tiêu biểu có thể kể đến Thoạt kỳ thủy (2004), Mình và họ (2014), Kể xong rồi đi (2017), Một ví dụ xoàng (2021)… Đến nay, có thể nói Nguyễn Bình Phương là cây bút tiểu thuyết nổi bật của văn học Việt Nam đương đại.
Mới đây, nhân dịp tiểu thuyết Một ví dụ xoàng được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại”.
“Người công bằng nhất với hiện thực”
PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học) cho rằng, khi nói về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, có 4 vấn đề nổi bật.
Thứ nhất, Nguyễn Bình Phương là người dám tuyên bố từ chối các điển hình nghệ thuật. Tức là từ giã mô hình đại tự sự để bước về các tiểu tự sự, để khơi thức những chiều kích bí ẩn của vô thức bằng cái nhìn ngược sáng. Nguyễn Bình Phương nhìn dương bản đời sống từ cái nhìn âm bản. Và với cái nhìn như thế, một thế giới hiện lên trong thế giới nghệ thuật của anh là một thế giới hỗn độn, ẩn chứa một chiều kích để bước ra phi thực của hiện thực. Nó giống một hình thức kiến tạo tư tưởng nguyên trong lãnh địa tiểu thuyết.
Thứ hai, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương rất ngắn, dày dặn nhất là tiểu thuyết Mình và họ, cũng chỉ hơn 300 trang. Nếu nhìn bề ngoài, Nguyễn Bình Phương có vẻ như đang chơi “món chơi” tối giản, nhưng thực ra không đơn giản như thế. Anh cô nén một cách có ý thức, kiến tạo những cấu trúc đa tầng. Ý thức chơi cấu trúc cũng là một cách biểu đạt của Nguyễn Bình Phương.
Ông Điệp nói tiếp 2 vấn đề tiếp theo: “Tại sao Nguyễn Bình Phương ám ảnh? Bởi vì anh đã thúc đẩy kỹ thuật liên văn bản để tạo nên sự chồng ghép của nhiều yếu tố, các nguồn tri thức khác nhau. Nó tạo nên sự gợi mở rất lớn. Đó là vấn đề thứ ba. Thứ tư, ngôn ngữ Nguyễn Bình Phương cũng là một phương diện đầy tính cách tân. Điều quan trọng nhất của người cầm bút, cũng là thử thách xem họ có thực sự là những tài năng hay không là ở chỗ có tạo ra được cái nhìn, giọng nói và ngôn ngữ của mình không. Nguyễn Bình Phương có đủ tất cả 3 yếu tố ấy trong tiểu thuyết của anh”.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng: “Dù nhiều người nói tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương không hiện thực. Nhưng Nguyễn Bình Phương là người công bằng nhất với hiện thực của xã hội, với con người. Nguyễn Bình Phương không phán xét cụ thể, không vạch định ra đúng sai, không có ý đồ dẫn bạn đọc đi vào một lối nào đó trong tính mê dụ của mình”. Thay vào đó, Nguyễn Bình Phương bày ra cho chúng ta các tầng của hiện thực, kể cả trong sự kỳ ảo, trong trí tưởng tượng và trong những thứ tưởng như phi hiện thực. Đó lại là hiện thực nhất của một đời sống xã hội.
Tầng đáy của ngôn ngữ
Soi chiếu vào ngôn ngữ Nguyễn Bình Phương cũng cho thấy sự biểu đạt tính hiện thực ngồn ngộn. Theo nhà văn Văn Chinh, Nguyễn Bình Phương đã đi được xuống tận dưới tầng đáy của ngôn ngữ. “Tôi gọi ngôn ngữ dưới đáy là ngôn ngữ có thể nhìn thấy bên trong của con người, nó không che giấu con người. Chỉ khi ở dưới đáy, con người ta mới nói trung thực, không che giấu và do đó bạn đọc sẽ nhìn thấy ngay con người bên trong của nhân vật” - ông Chinh nói.
Ở khía cạnh khác, PGS-TS Lê Dục Tú (Viện Văn học) cho rằng: “Ngôn ngữ của Nguyễn Bình Phương không chỉ thể hiện tư tưởng của nhà văn mà còn thể hiện tư tưởng chung của cộng đồng, mang ý nghĩa cộng đồng rất lớn. Từ việc sử dụng những từ thô tục, trần trụi cho thấy Nguyễn Bình Phương đã thâm nhập vào đời sống đến từng chi tiết. Anh không ngần ngại đưa nguyên xi những từ thô tục vào trong tác phẩm mà trước đây người ta vẫn thường tránh trong văn chương”. Mặt khác, những câu nói cộc lốc, cụt ngủn được Nguyễn Bình Phương sử dụng tưởng chừng không có ý nghĩa. Nhưng đọc kỹ và kết nối giữa các đoạn câu lại với nhau của từng nhân vật, ta thấy Nguyễn Bình Phương đã phản ánh một hiện tượng đời sống phân mảnh, đứt đoạn, rất nhiều mảnh ghép ấy chính là bức tranh của đời sống hôm nay.
Mỗi người sẽ có những khả năng khác nhau đi đến từng tầng hiện thực trong Nguyễn Bình Phương, có thể đi nhiều tầng, đi mãi và đi mãi. Và nhân vật quan trọng nhất để quyết định những lẽ đúng sai của thông điệp trong tác phẩm đó chính là bạn đọc. |
Tiêu biểu cho những cách tân tiểu thuyết
Đa phần các nhà nghiên cứu đều cho rằng tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho xu hướng cách tân nghệ thuật, với lối viết biến ảo linh hoạt và sự phá vỡ cấu trúc tiểu thuyết truyền thống.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng: “Tính chất phi truyền thống nơi tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thấy rõ nhất trước hết là ở chiến thuật tự sự phi tuyến tính. Đi vào tiểu thuyết của nhà văn này là đi vào những mê lộ/ma trận trần thuật. Ngay tác phẩm mới nhất, được cho là dễ đọc nhất, viết giản dị nhất - Một ví dụ xoàng - thì chí ít về mặt cốt truyện, buộc người đọc phải tự lần gỡ, chắp nối những manh mối chi tiết sự việc mới có thể xâu chuỗi được thành một câu chuyện mạch lạc, sáng rõ theo cách của mình”.
Mặt khác, ông Khoa nói thêm: “Tính chất phi truyền thống nơi tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương còn thể hiện ở khả năng gây lung lay, bất an cho cái gọi là chức năng của văn học (đang được giảng dạy ở nhà trường chẳng hạn). Đó là chức năng giáo dục. Hầu như, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương không liên quan đến chức năng này. Bởi, người kể chuyện trong tiểu thuyết cứ “kể xong rồi đi”, anh ta chẳng đủ thẩm quyền và cũng chẳng đủ khôn ngoan thông thái sở đắc chân lý để có thể giáo dục ai cả.
Việc của văn chương, văn chương đích thực, là cứ bày ra những khảo tra về khoảng mờ, điểm tối của cuộc đời. Như phát biểu của một nhân vật trong Một ví dụ xoàng cho ta thấy rất rõ điều này, rằng: “Nhà văn thì chỉ giỏi thắc mắc thôi, ngoài ra không biết gì nữa đâu”.
Tư tưởng này của Nguyễn Bình Phương có sự gặp gỡ với nhà văn Claudio Magris, người Italy: “Những câu hỏi do nhà văn đặt ra luôn luôn rộng hơn bất kỳ một câu trả lời cặn kẽ nào”. Và, nhà văn Milan Kundera, người Pháp gốc Tiệp, cũng có phát biểu tương tự: “Sự không biết trở thành sự hiền minh”. Những tư tưởng này đã chất vấn lại thứ văn chương luôn cao giọng để dạy dỗ, giáo dục người khác.
Nguyễn Bình Phương cũng tạo nên thế giới nhân vật dị biệt, nhưng không hề xa lạ với đời sống đương đại, mỗi cuốn tiểu thuyết của ông là hành trình khám phá con người ở chiều sâu vô thức hoặc trong “bản năng gốc” của nó.
Sử dụng “tư duy nghịch dị” để giải mã Nguyễn Bình Phương, TS Huỳnh Thu Hậu (Đại học Quảng Nam) cho rằng trong thế giới nhân vật nghịch dị của Nguyễn Bình Phương, anh đã tầm thường hóa con người bằng cách để cho con người phải đối mặt với tất cả những bi kịch, những hỗn độn diễn ra trong thế giới bên trong, bằng một hiện thực. Hiện thực mà ở đó sẽ thấy con người của cái ác, cái xấu. Và trong hành trình đấu tranh để giành lấy phần thiện lương của mình, con người vẫn luôn luôn có một sự chiêm nghiệm.
- Hội Nhà văn Hà Nội: Tự hào tôn vinh 'tác phẩm tầm cỡ' của Nguyễn Bình Phương
- Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương: Gây ám ảnh, chứ không chỉ là nhớ
- Nhà thơ Nguyễn Bình Phương ra mắt tiểu thuyết 'Mình và họ'
Ví dụ như trong tiểu thuyết Ngồi, khi nhân vật Khẩn nhớ về Kim. Kim là biểu tượng của cái đẹp. Cả người Kim nở hoa, từ bàn tay cho đến thân thể đều nở bừng những đóa hoa rất đẹp. Khi Khẩn đau khổ nhất, không thể sống được nữa, Khẩn chỉ cần nhớ về Kim. Và những giấc mơ về Kim đã giữ cho Khẩn phần con người của mình. Đó là phần thiêng liêng, thiện lương khi đứng trước cái đẹp. Và chính cái đẹp trong tác phẩm này là nơi để nhân vật có thể níu giữ mình lại và từ đó chất nhân tính lại vút lên, bay lên từ trong tác phẩm. Điều này xảy ra tương tự với nhân vật Tính khi đứng trước vẻ đẹp của Hiền trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy.
Cũng theo Huỳnh Thu Hậu, có thể xác quyết rằng Nguyễn Bình Phương là tác giả tiêu biểu với những cách tân, đổi mới về thi pháp tiểu thuyết bằng tư duy nghệ thuật nghịch dị. Bằng nghệ thuật nghịch dị, ông đã nỗ lực lạ hóa thế giới nghệ thuật, kiến tạo thế giới đầy những phi lý, mâu thuẫn, nghịch lý, chấn thương… gắn liền với cảm hứng phê phán cái xấu, lên án cái ác. Phổ đề tài thường thấy là những mảng tối, những góc khuất trong đời sống.
Trong khi viết về cái xấu, cái ác, Nguyễn Bình Phương vẫn đau đáu, thống khổ với nỗi thống khổ của con người, vẫn luôn tin sau cuộc đấu tranh gian khổ nhất, vĩ đại nhất thì con người sẽ chiến thắng được chính mình, kiểm soát được chính mình.
“Bằng nghệ thuật nghịch dị, Nguyễn Bình Phương đã nỗ lực lạ hóa thế giới nghệ thuật” (TS Huỳnh Thu Hậu) |
Viết là tìm thấy, nhiều hơn là đánh mất “Tôi bước chân vào văn học một cách đầy ngẫu hứng và đầy hoang dại. Cũng vì thế tôi tự nhận những bước chân đầu tiên khá tự do. Sau rồi, khi viết nhận thấy mình có độc giả thì tự ý thức phải có trách nhiệm với con chữ, với những điều mình viết và công bố. Và chính ý thức ấy, nó cũng dần dần tước bớt của tôi một chút tự do, thậm chí có lúc tôi nghĩ sáng tác văn học rất mệt mỏi. Khi sáng tác, thi thoảng tôi cũng đặt cho mình một câu hỏi: Viết là tìm thấy hay đánh mất? Đa phần tôi cho là tìm thấy. Nhưng lắm khi tôi cũng nghĩ viết là đánh mất. Bởi vì mỗi chúng ta, trong tâm trí bao giờ cũng có một thế giới. Cái thế giới ấy, nó kết tạo những cảm nhận, những suy nghĩ, những đánh giá, thậm chí cả trí tưởng tượng, khát vọng của chúng ta. Và đặc biệt cái thế giới ấy nó thầm kín, của riêng ta vì thế nó rất tự do mặc dù nó cũng lộn xộn. Khi viết ra một tác phẩm, tức là chúng ta đã tiết lộ một phần nào bí mật cho nhiều người biết. Chúng ta cố định được một khoảnh khắc, cố định được một phương án cho nhân vật, chúng ta được. Nhưng đi liền với đó, chúng ta mất đi những khoảnh khắc khác bên cạnh, mất đi cả những phương án số phận phái sinh mà ở thời điểm khác chúng ta nghĩ nó ưu việt hơn phương án đã cố định cho nhân vật trong tác phẩm. Vì thế, về căn bản, có thể hơi chủ quan, các nhà văn khi công bố xong tác phẩm của mình thì đều có những sự tiếc nuối âm thầm với phương án này, phương án khác tối ưu hơn. Và chính những tiếc nuối ấy, cũng là những động lực nằm ẩn khiến họ cầm bút viết tiếp. Và tôi cũng thế. Và tôi nhận ra, viết là tìm thấy nhiều hơn là đánh mất” - trích phát biểu của nhà văn Nguyễn Bình Phương. |
Công Bắc