'Tiết chế' vàng mã
Dâng cúng và thiêu hóa vàng mã trong các nghi lễ đã trở thành một tục lệ lâu đời. Nhưng việc vàng mã được dùng với số lượng lớn kéo theo nhiều hệ lụy. Trong thời buổi hiện nay, cần sử dụng vàng mã như thế nào cho văn minh, có ý thức, tránh những rủi ro không đáng có?
Sau dịp Tết Nguyên đán là lúc các địa phương nô nức tổ chức lễ hội, các cơ sở thờ tự tổ chức cúng lễ, dâng sao giải hạn, các tín đồ thực hành nghi thức hầu đồng, cầu cho một năm mới bình an, phát tài,…, Đó cũng là lúc những đồ mã cỡ "khủng" phục vụ cho việc dâng cúng được sử dụng với số lượng tăng vọt.
Cũng từ đây, xuất hiện nhiều trường hợp đốt vàng mã thiếu ý thức, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Vậy cần ứng xử ra sao với một tập tục, một nét văn hóa lưu truyền qua nhiều đời để phù hợp với thời đại hiện nay?
Suy ngẫm về lịch sử đồ mã
Để trở thành tập tục, hẳn nhiên việc sử dụng đồ mã trong các nghi lễ phải có lịch sử lâu đời. Cách ngày nay 4-5 vạn năm, người tinh khôn đã chôn vật dụng hàng ngày cùng với xác người chết, tục gọi là "tùy táng". Còn tại nước ta, trước Công nguyên 500 năm, ông cha ta cũng đã áp dụng nghi thức tùy táng này đối với người thân quá cố, với quan niệm để họ có một cuộc sống đủ đầy về vật chất ở thế giới bên kia.
Điều này chứng tỏ thủy tổ của chúng ta ngày nay đã sớm có khả năng tư duy trừu tượng, nhận thức được sự tiếp nối cuộc sống nơi trần thế sau khi qua đời ở thế giới bên kia, nơi mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Có lẽ vì thế, trong tiếng Việt, dân gian ta từ nhiều đời nay đã sử dụng những từ như "về nơi chín suối", "về với tổ tiên", "khuất núi" hoặc "quy tiên",… thay cho từ "chết" - gợi cho người nghe sự chấm dứt, kết thúc, chia cắt vĩnh viễn.
Ở thế giới tồn tại cùng song song, được tạo dựng từ đức tin của những người nơi trần thế, những người tạ từ cõi tạm trở về với cõi giới ấy cũng có những nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu vật chất như chúng ta. Và phải chăng cho tới thời điểm hiện tại, đó là nguyên do thỏa đáng nhất giải thích cho việc xuất hiện tập tục mai táng người chết cùng những món đồ quý báu và các vật dụng thiết yếu.
Không chỉ có vật tùy táng, mà cả những vật phẩm hiến tế cũng xuất hiện trong các nghi thức thờ cúng, nhằm mục đích dâng lên những vị thần linh, những người đã khuất. Khác với vật phẩm tùy táng, lễ vật dâng cúng thường được thụ hưởng sau khi nghi lễ kết thúc.
Nhưng thuở xưa, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để sắm sửa đầy đủ những đồ vật thật như động vật, thực phẩm,... Và cũng chẳng phải gia đình nào cũng có nhiều gia sản để đem chôn cùng thi hài người thân. Vì vậy, người xưa tìm đến việc sử dụng đồ mô phỏng có giá trị vật chất thấp hơn đồ thật, nhưng ít nhiều vẫn mang tính chất tương đương đồ thật sau khi chuyển hóa sang cõi giới bên kia, được gọi là "đồ thế", để thay thế cho đồ thật trong thực hành tín ngưỡng.
Cụ thể như trong một nghi lễ nào đó mà quy cách đòi hỏi phải cúng một loài gia súc, người ta có thể dùng tranh đồ thế vẽ hình gia súc đó hoặc đồ thế phỏng lại loại gia súc đó được làm từ những chất liệu như bột hoành tinh, bột gạo,...
Bên cạnh đó, còn có một loại đồ thế được cấu tạo từ khung tre và phủ bên ngoài lớp giấy với nhiều màu sắc bắt mắt, mô phỏng gần như chân thực loài vật ấy hoặc cũng có thể là những vật dụng khác, gọi là "đồ mã".
Sau khi tiến dâng lên những vị thần thánh hoặc người quá cố, những món đồ ấy được thổi vào đó là tính chất linh thiêng với giá trị hữu dụng ở cõi giới bên kia tương tự với đồ vật thật ở cõi giới này. Đồ mã làm từ chất liệu dễ cháy, dễ tiêu hủy, nên quá trình trung chuyển sang thế giới bên kia bằng phương thức hỏa thiêu diễn ra nhanh hơn, thay vì chờ đợi chúng phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Hệ lụy từ việc "lạm dụng" đốt mã
Trong quá trình đốt vàng mã phát tán đáng kể lượng hạt bụi PM, kim loại nặng, PAHs, PCDD/Fs cùng các khí độc gây ô nhiễm môi trường không khí và làm tổn hại đến cơ quan hô hấp củanhững người xung quanh.
Chưa hết, việc đốt đồ mã còn tiềm tàng rủi ro về hỏa hoạn mà ta khó có thể lường trước. Sau khi đồ mã được đốt thành tro tàn, nhiều người thường có thói quen đổ xuống sông, ao, hồ,… và dường như việc làm này được thực hiện với niềm tin đây là nơi trung chuyển những vật dụng thiết yếu sang thế giới bên kia cho người quá cố. Hoặc có thể do đồ mã là vật linh thiêng nên sau khi đốt không được đổ vào những nơi ô uế, mất vệ sinh, đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nước.
Không chỉ gây ảnh hưởng tới môi trường, việc làm thiếu kiểm soát này còn gây nên hình ảnh mất mỹ quan cho quang cảnh chốn linh thiêng. Hoặc nếu đốt vàng mã ở không gian ngoài trời, làn khói đen bay nghi ngút vô tình làm cản trở người tham gia giao thông, tàn tro rơi vãi lung tung làm cho đường phố trở nên nhếch nhác, thiếu thẩm mỹ.
Cần ứng xử như thế nào đối với một tục lệ lâu đời?
Trước hiện trạng "lạm dụng" đốt mã, nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Nguyễn Thị Thu Hòa không đề xuất cấm triệt để sử dụng đồ mã kích thước lớn, số lượng lớn gây lãng phí. Bà cho rằng trước tiên cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về những tác động tiêu cực mà đốt mã với kích thước và số lượng lớn gây ra. Để từ đó chính họ sẽ có ý thức tiết chế hơn khi sử dụng đồ mã, vừa để giảm thiểu rủi ro và cũng tránh gây lãng phí.
Bà còn gợi ý tìm mua tranh đồ thế - tranh vẽ lại đồ vật thật hoặc đồ mã mini, mới xuất hiện trên thị trường khoảng vài năm trở lại đây, thay vì sử dụng đồ mã kích cỡ, kiểu dáng truyền thống, mà vẫn có cùng một công năng trong thực hành, sinh hoạt tín ngưỡng. Ví dụ các đồ mã với chiều cao khoảng 30cm, chiều rộng khoảng 20cm, do họa sĩ Yến Năng sáng tạo, Những món đồ này là giải pháp ưu tiên có thể sử dụng tại những gia đình sinh sống tại những không gian với diện tích bé như chung cư, nhà tập thể, xóm trọ…
Song song với đó, cũng cần thay đổi nhận thức của cơ sở sản xuất, cần tuyên truyền cho những người nghệ nhân, người thợ nhận thấy tác hại tiềm tàng mà đồ mã với kích thước "khủng" gây ra. Để rồi chính họ sẽ tự ý thức được việc cần thay đổi kích thước của sản phẩm đồ mã nhỏ hơn. Chẳng hạn, có thể giảm xuống còn 2 phần 3 hoặc 3 phần 4 kích thước cũ, để vẫn đảm bảo được những hoa văn tinh xảo, chi tiết sắc nét trên các sản phẩm đồ mã được giữ nguyên.
Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người đến lễ đều ý thức được việc đốt vàng mã sao cho phù hợp, không phá hoại cảnh quan và giữ được bầu không khí thanh tịnh cho chốn linh thiêng. Đồng thời, ban quản lý các địa điểm ấy cũng cần hạn chế việc bán đồ mã kích thước lớn của các tiểu thương ở khu vực xung quanh cổng di tích.
Dẫu biết rằng, thay đổi tư duy sử dụng đồ mã chính là thay đổi một nét văn hóa truyền thống, một tập tục được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Song, việc làm này là hoàn toàn cần thiết, để truyền thốngcó thể phù hợp và thích ứng với cuộc sống hiện đại.
Thực hành dâng cúng và thiêu hóa đồ mã thể hiện quy luật tương đồng sinh tương đồng mà Paul Giran đã đề cập tới khi viết Magie et religion annamites (Tín ngưỡng và phù thuật An Nam, 1912): "[…] tách riêng các tính cách hoặc phẩm chất của một người hoặc một vật và chuyển những thứ đó sang vật hoặc người tương tự".