Thu nhỏ vàng mã: 'Khai thông bế tắc' cho một tập tục?
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2018 dư luận ồn ào xung quanh tục đốt vàng mã. Dư luận rất đồng tình với công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Thế nhưng “xóa sổ” vàng mã trong hoạt động thờ cúng ở các gia đình hay ở các cơ sở tín ngưỡng khác là một việc rất khó khăn, bởi sau khi du nhập vào Việt Nam một cách lâu dài, vàng mã đã bén rễ và phát triển theo những logic không hề hời hợt trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Vấn đề là làm sao để hạn chế sự lạm dụng, biến tướng của tập tục đốt vàng mã trong xã hội hiện đại?
Nếu chưa thể loại bỏ hoàn toàn tục đốt vàng mã thì cùng với các quy định cấm hay hạn chế trong những phạm vi nhất định, có lẽ nên bắt tay ngay vào việc “sửa chữa” những bất cập của vàng mã. Dễ thấy những biểu hiện biến tướng của tập tục này là chạy đua về kích thước, số lượng hay “sáng chế” ra những đồ mã kỳ cục, mô phỏng các đồ vật thật theo quan niệm thô sơ “trần sao, âm vậy” rất phản cảm.
Tất cả đã khiến cho vàng mã trở thành như một tệ nạn: tiêu tốn nhiều vật liệu từ thiên nhiên, kềnh càng phản cảm, tốn kém, gây ô nhiễm mội trường, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn… và khó khăn cho việc hành lễ ở môi trường sống hiện đại. Ví dụ: nhà chung cư bàn thờ nhỏ, rất khó khi phải bày bộ vàng mã lớn; thiếu chỗ hóa vàng, nhất là vào các ngày lễ lớn như rằm tháng 7, tết Táo quân…
Khắc phục những bất cập đó như thế nào? Một nhóm bạn trẻ trong đó có họa sĩ Lê Đức Hùng (thường được biết đến nhiều hơn với cái tên Hùng Dingo) – một họa sĩ biếm họa tài năng cùng với một số bạn bè đã đưa ra ý tưởng về một loại “Vàng mã đẹp”
Nguyên tắc “vàng” của Vàng mã đẹp là kế thừa và chọn lọc những tinh hoa từ mẫu vàng mã truyền thống; chỉ thay đổi và thống nhất về tỷ lệ; không làm thay đổi giá trị truyền thống. Chỉ dùng nguồn nguyên liệu giấy sạch; chất lượng cao để sản xuất, không dùng giấy tái chế không rõ nguồn gốc, không dùng vật liệu khó cháy hoặc cháy mà gây ô nhiễm. Đóng hộp theo bộ, mỗi hộp dùng cho một lễ, thuận tiện cho người hành lễ, không sợ mua thiếu, tránh mua thừa không cần thiết...
Liệu sản phẩm có kích thước theo vỏ hộp là 25 x 25cm (tức chỉ hơn 1 gang tay mỗi chiều, được gấp gọn kiểu như origami, rất gọn nhẹ), có thực sự đóng góp vào việc “sửa chữa” những bất cập của vàng mã. Họa sĩ Lê Đức Hùng đã “thay mặt ê-kíp” Vàng mã đẹp “đối thoại” với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Các anh đưa ra những sản phẩm “vàng mã mini”, nhưng to hay nhỏ, đẹp hay xấu thì cũng đều là... vàng mã cả thôi, đốt đi thì đều lãng phí cả?
- Nhiều năm nay, cả chính quyền và giáo hội Phật giáo VN đều khuyến cáo hạn chế hoặc cấm đốt vàng mã trong một phạm vi nhất định, nhưng do quan niệm có thờ có thiêng, trần sao âm vậy… nên thói quen đã hình thành từ ngàn đời khó mà bỏ ngay được.
Không cấm tuyệt đối, chỉ khuyến cáo và mong mỏi nhận thức của người dân thay đổi thì khá vô vọng. Số người này có thể không dùng hoặc hạn chế thì số khác có thể lại tăng “đặt hàng” lên cả về số lượng lẫn kích thước. Đây là một thực tế nhức nhối và bế tắc.
* Vậy bản chất giải pháp của anh và cộng sự là gì?
- Nếu có một giải pháp dung hòa: vừa giữ được ý nghĩa của tục lệ cúng vàng mã, vừa giảm thiểu được mọi nhược điểm của nó thì quả thực, đó là một lối thoát tốt nhất cho xã hội.
Vàng mã xưa nay, dù to hay nhỏ, vẫn luôn chỉ là hình tượng mang tính thay thế. Chúng không phải là thật và tỷ lệ cũng rất tùy tiện so với kích thước thật của con người. Như vậy, thu nhỏ đồng bộ toàn bộ mẫu vàng mã truyền thống là một ý tưởng vô cùng đơn giản nhưng có tính khai thông bế tắc cho một phong tục nhiền tranh cãi trái chiều.
* Anh hiện thực hóa “khai thông bế tắc cho một phong tục” như anh nói bằng cách gì?
- Khi tôi nung nấu ý tưởng thu nhỏ vàng mã, đương nhiên tôi cần đối tác có khả năng tạo mẫu và triển khai kinh doanh. “Duyên” đã mách bảo tôi đến với tác giả Yến Năng và Bàn Thờ Đẹp, hai bên đã gắn kết và từng bước triển khai dự án.
* Tạo mẫu cho một sản phẩm văn hóa tâm linh các anh làm thế nào?
- Tạo mẫu sản phẩm trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là một công việc khó. Tạo mẫu trong lĩnh vực sản phẩm tâm linh còn khó hơn vì nó nhạy cảm, liên quan đến niềm tin, thói quen và truyền thống.
Sau một năm âm thầm nghiên cứu, thử nghiệm, đến nay, dự án đã cơ bản định hình một dòng sản phẩm Vàng mã đẹp, đã cho ra mắt ba bộ sản đầu tiên cho dịp Tết Kỷ Hợi. Sau đó, mỗi tháng chúng tôi sẽ ra thêm một sản phẩm mới, cho đến khi đủ đáp ứng cho nhu cầu cúng lễ quanh năm của người dân.
* Nếu cuộc khai thông bế tắc này của các anh thành công, các anh có tin là sẽ phần nào sẽ giải quyết “bế tắc” cho những người làm quản lý trong việc này?
- Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, có sự ra đời, phát triển, hưng thịnh, suy thoái và diệt vong. Một nghề thủ công truyền thống mà giữa khi đang hưng thịnh ở khía cạnh thị trường nhưng lại gây nhiều tranh cãi ở mặt xã hội và văn hóa là một vấn đề nan giải và đôi khi là bế tắc với những người làm quản lý ở tầm vĩ mô. Vàng mã là một nghề như vậy.
Cấm là khó vì đó là lợi ích cuộc sống và tự do tín ngưỡng; Không cấm thì mặc nhiên buông lỏng những vấn nạn nó đem lại. Chỉ khuyến cáo và trông chờ vào ý thức người dân thì thật vô vọng.
* Vậy tóm lại, thu nhỏ đồng bộ mẫu vàng mã truyền thông là lối thoát cho các vấn đề anh vừa nói?
- Tôi tin là thế, cụ thể là nó giúp giữ được truyền thống văn hóa và ý nghĩa việc thờ cúng, giảm thiểu mọi nhược điểm, dịch chuyển nghề vàng mã truyền thống mà không mất đi công ăn việc làm của nhân công, thuận tiện cho người sử dụng.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Huy Thông (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi