Tiếp tục đam mê chờ ngày trở lại
(Thethaovanhoa.vn) - Luôn lạc quan, không ngừng rèn luyện, tranh thủ tập vở mới để khi dịch bệnh qua đi là sẵn sàng lên sân khấu biểu diễn, đó là tinh thần chung của các nghệ sĩ thời dịch Covid-19.
Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ những nghệ sĩ khó khăn nhất trong hệ thống hơn 100 đoàn nghệ thuật công lập, đó là những đạo diễn, diễn viên, họa sĩ hạng IV, tức là những nghệ sĩ đang nhận mức lương thấp nhất trong bảng lương.
* Nghị quyết số 68 hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn do dịch Covid-19
Bộ VHTT&DL cho biết đã cân nhắc kỹ khi đưa ra đề xuất này, bởi mức lương nghệ sĩ chưa đầy 3 triệu đồng/tháng còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng miền núi khó khăn. Và đây là lần đầu tiên Bộ VHTT&DL đề nghị hỗ trợ các nghệ sĩ khó khăn vì đại dịch.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các nghệ sĩ hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật công lập. Có khoảng 2.000 nghệ sĩ được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong vòng 3 tháng, chi trả 1 lần.
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết: "Đây là những đối tượng được đào tạo cơ bản bài bản và rất vất vả trong thời gian dài. Mức lương không đủ để sống để họ tồn tại duy trì nghề tiếp tục làm việc sau đại dịch.
Hầu hết các nghệ sĩ thuộc diện hỗ trợ đều là những diễn viên, đạo diễn trẻ, những người không dễ dàng gì lựa chọn gắn bó với tuồng, chèo, cải lương, những môn nghệ thuật tinh hoa của dân tộc ngày càng chật vật tìm chỗ đứng".
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, là nguồn động viên để anh chị em nghệ sĩ vượt qua lúc khó khăn. Số tiền có thể không nhiều nhưngsẽ khiến những nghệ sĩ lương quá thấp sẽ cảm thấy ấm lòng hơn. Trong lúc này, sự hỗ trợ với các nghệ sĩ dù ít dù nhiều, cũng là vô cùng quý giá" - NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, bày tỏ.
Theo NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, các nghệ sĩ trẻ được hỗ trợ cảm thấy vui như được tiếp thêm sức mạnh.
* Biến ngôi nhà thành sàn tập
NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN): "Nghề diễn thường phải tập trung đông người mà khi không tập trung được, khó khăn là điều hiển nhiên. Đời sống nghệ sĩ đa phần vất vả vì không diễn, không hoạt động, nên chúng tôi không có nguồn thu.
Thời gian này, anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát có mức lương tối thiểu để duy trì cuộc sống. Xác định cả nước đều đang khó khăn nên chúng tôi không kêu ca, than vãn nhiều. Quan điểm chúng tôi là phải luôn cố gắng vì nhiều bà con còn vất vả, khổ hơn mình nhiều lắm. Chúng tôi phải cân đối, chẳng hạn trước chi 10 phần thì nay 5-6 phần thôi là tốt rồi, điều chỉnh lại các hành vi mua sắm, dự định tương lai...".
Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cũng cho hay: "Cả nước hiện ảnh hưởng dịch Covid-19 chứ không chỉ riêng nghệ sĩ. Các nghệ sĩ cũng khó khăn nhưng mọi người vẫn yêu nghề lắm. Chúng tôi giữ tinh thần tuổi trẻ, đầy nhiệt huyết, cố gắng thực hiện khuyến cáo 5K chủ động phòng chống dịch.
Lúc dịch bệnh được khống chế phần nào, khi điều kiện cho phép là chúng tôi tập luyện. Dựa vào lượng diễn viên nhà hát, chúng tôi điều tiết lịch tập cho hợp lý, đảm bảo tuân thủ công tác phòng chống dịch. Các nghệ sĩ tranh thủ tập luyện những chương trình mới tiết kiệm thời gian, để khi dịch bệnh qua đi thì chúng tôi có thể biểu diễn ngay".
Tương tự, tại một số nhà hát, thay đổi để thích ứng, với điều kiện chống dịch, mà không làm đứt gãy hoạt động nghệ thuật, các nghệ sĩ đã sẵn sàng cho sự trở lại khi sân khấu sáng đèn.
Biến ngôi nhà thân thuộc thành sàn tập, chia nhóm để tập luyện tại nhà hát vẫn đảm bảo giãn cách, các nghệ sĩ ballet của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tận dụng thời gian dịch bệnh, điều chỉnh lịch tập, chia nhỏ hoạt động, đào tạo nghệ sĩ mới, các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm dìu dắt những tài năng trẻ, để chuẩn bị cho sự góp mặt của họ trong các dự án lớn.
Nghệ sĩ Vũ Anh - Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - cho hay: "Tập nhóm nhỏ thì tập trung hơn, không bị phân tán bởi quá nhiều thứ bên ngoài chỉ có cá nhân hoặc 2 người tập với nhau".
Nỗ lực duy trì hoạt động ngay trong mùa dịch bởi với nghệ sĩ ballet ngừng tập luyện đồng nghĩa với sự đi xuống về nghề, như chia sẻ của nghệ sĩ Đức Hiếu - Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam: “Chỉ cần 2 tuần nghỉ ngơi, nghỉ hè chẳng hạn là cơ thể sẽ biến đổi theo môi trường, theo hoạt động, theo cách ăn uống và tất cả những kỹ thuật của mình sẽ mất theo thời gian”.
- Nhạc kịch 'Những người khốn khổ' tái ngộ khán giả Hà Nội
- Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, mở màn với 'Bệnh sĩ'
Biên đạo múa - NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi tận dụng thời gian này để đào tạo các em trẻ thay thế vì không thể tập luyện đông được. Chúng tôi làm những phần cốt lõi, bởi làm những phần tinh chất vô cùng khó, cần rất nhiều thời gian”.
Với nhiều nghệ sĩ, việc đi tập giờ đây trở thành niềm vui bởi lý giải rất thật rằng khi đi tập, nghệ sĩ có thêm chút ít kinh phí bồi dưỡng, lại được làm nghề. Và bằng cách tập luyện, nhà hát tránh cho nghệ sĩ tâm lý chán nản, duy trì đam mê cho ngày trở lại, mà chưa ai biết đó là lúc nào.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng với nhu cầu được hoạt động sáng tạo, nhiều nghệ sĩ đã làm nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau. Sân khấu chưa thể sáng đèn không có nghĩa là các nghệ sĩ ngừng sáng tạo. Họ vẫn hoạt động nghệ thuật theo những cách khác nhau, bởi nghệ sĩ chân chính là không ngừng sáng tạo và cống hiến.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Bảo Anh