Thương hiệu từ những ngôi trường cổ
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần lễ văn hóa kỉ niệm 110 năm truyền thống trường Bưởi - Chu Văn An (1908 - 2018) đang diễn ra tại Hà Nội.
Là một trong những trường học lâu đời nhất Thủ đô, là cái nôi đào tạo trí thức tinh hoa ngay từ đầu thế kỷ XX và cũng là hình mẫu về chất lượng đào tạo hiện nay, trên thực tế, từ lâu, trường Bưởi - Chu Văn An đã trở thành biểu tượng của giáo dục và văn hóa tại Hà Nội cũng như cả nước.
Nhưng, bên cạnh câu chuyện của một ngôi trường, đó còn là câu chuyện của một di sản về kiến trúc và lịch sử: trường Bưởi - Chu Văn An từng được công nhận là di tích Văn hóa - Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2004.
Trường hợp như vậy không dễ gặp. Ngoài trường Bưởi - Chu Văn An, trên thực tế chỉ có trường Quốc học Huế là được vinh danh theo cách này. Còn ở mức thấp hơn, vào năm 2015, TP HCM cũng đã công nhận danh hiệu di tích cấp Thành phố cho 4 ngôi trường Marie Curie, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và Hồng Bàng.
Điểm chung giữa tất cả những ngôi trường ấy: có tuổi đời ngót nghét một thế kỷ, mang những nét kiến trúc đặc sắc (chủ yếu là phong cách kiến trúc Pháp) và gắn với truyền thống đào tạo trí thức tinh hoa tại địa phương từ rất sớm.
Thực chất, thư viện, bảo tàng và trường học luôn là những công trình đặc thù, gắn với chiều sâu văn hóa của mỗi thành phố trên thế giới. Tại Hà Nội, như phân tích của các chuyên gia, bản thân việc người Pháp từng trang trọng đặt trường Albert Sarraut ngay cạnh Dinh Toàn quyền Đông Dương cũng đủ cho thấy họ đánh giá cao vai trò của kiến trúc này thế nào.
Bởi thế, ở thời điểm trường Bưởi - Chu Văn An tròn 110 tuổi, chúng ta cũng cần nhắc lại một vấn đề từng gây tranh cãi: có nên nên xếp hạng di tích cho những ngôi trường giàu giá trị về kiến trúc và lịch sử?
Không nói đâu xa, tại Hà Nội, giới nghiên cứu đã chỉ ra nhiều ngôi trường mang giá trị cao như vậy: trường THPT Trần Phú (vốn là trường Petit Lycée xây năm 1919) ; trường THPT Phan Đình Phùng (vốn là trường École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị, xây năm 1923) và đặc biệt là trụ sở trường ĐH Quốc gia Hà Nội (vốn là Viện Đại học Đông Dương, xây năm 1906).
Thậm chí, 4 năm trước, vấn đề này còn được xới lên khá gay gắt, khi trường THPT Châu Văn Liêm (tiền thân là trường Collège Cần Thơ, xây năm 1917) được lên kế hoạch đập bỏ để xây mới. Chính từ những phản biện mà kế hoạch này phải tạm dừng.
***
Tất nhiên, việc một ngôi trường vẫn đang vận hành tốt theo công năng dạy - học lại được vinh danh như một di sản, với các yêu cầu khắt khe để gìn giữ, cũng gây ra những lúng túng muôn thủa giữa bảo tồn và phát triển.
Bởi vậy, đã từng có những ý kiến đề xuất bảo tồn những ngôi trường này bằng hình thức chuyển đổi công năng: trường cổ được gìn giữ để làm bảo tàng về giáo dục, khoa học – còn học sinh sẽ được chuyển sang một trường mới đủ quy mô hiện đại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không hào hứng với đề xuất ấy.
Như phân tích của GS - KTS Hoàng Đạo Kính trong một cuộc tọa đàm, các nước có nền giáo dục lâu đời luôn tự hào về thương hiệu của những trường học có niên đại xa xưa, kèm theo là kiến trúc cũ được bảo tồn. Đó là trường hợp của những trường Sorbonne (Pháp), Cambridge (Anh), Harvard (Mỹ) hay Lomonosov (Nga)... Những kiến trúc cổ xưa ấy, theo thời gian, đã là một phần của lịch sử, văn hóa và trở thành hiện thân của truyền thống giáo dục, của niềm tự hào hay của tinh thần riêng cần kế tiếp trong đào tạo – những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.
Có nghĩa, dù câu hỏi nên xếp hạng di tích hay không còn để ngỏ, những ngôi trường cổ tại Việt Nam rất cần sự đầu tư và quan tâm tương xứng để bảo tồn giá trị về lịch sử và kiến trúc của mình.
Bởi, bây giờ chúng ta có thể xây dựng hàng nghìn, hàng vạn ngôi trường mới. Nhưng phải tới rất nhiều năm sau nữa, một phần nhỏ của những kiến trúc ấy mới có thể trở thành hiện thân của uy tín về giáo dục.
Cúc Đường