Thực hiện đầy đủ
(Thethaovanhoa.vn) - Có chuyện gì là mới trong tuần này? Đường ống nước sông Đà lại vỡ hay hình ảnh một đại biểu hội đồng nhân dân vừa chơi games vừa biểu quyết?
Có gì là mới đâu. Vỡ đường ống nước đến lần thứ 9 rồi hỏi còn gì là mới? Nếu lần vỡ thứ ba, có ai đó bỗng dưng đứng ra tuyên bố chịu trách nhiệm thì đúng là mới. Nhưng đến ba cái lần ba chuyện vỡ ống nước sông Đà rồi vẫn chẳng thấy có ai làm như vậy (chuyện thường mà) thì chỉ còn cách hát bài Đành thôi chứ biết làm gì?
Còn chơi games trong lúc họp, chuyện thường nữa. Hội đồng nhân dân nhiều tỉnh thành những năm trước đã thông báo trang bị iPad cho toàn thể các đại biểu. Có iPad trong tay, ngồi họp hàng tuần hàng ngày, mỗi ngày hàng tiếng đồng hồ..., chẳng lẽ cứ đọc mãi tin giá xăng, tin hạn hán chỗ này chỗ khác... Do thế, chơi games là đương nhiên thôi. Vả lại họp hành thường rất oải. Nếu ngủ gật có thể còn bị ghi hình đưa lên ti-vi, uy tín giảm sút lắm, chơi games có khi lại đỡ buồn ngủ...
Hơi hơi mới một chút, là sắp có một dự thảo quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học mà Bộ Giáo dục & Đào tạo chuẩn bị công bố để xin ý kiến đóng góp... (xin ai chưa rõ). Tinh thần của dự thảo này là sắp tới, có thể nhận xét của giáo viên tiểu học sẽ thay thế một phần việc cho điểm, khái niệm “đúp lớp” hay “lưu ban” đối với bậc tiểu học cũng dần được xóa bỏ. Trao đổi với báo chí, ông Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục & Đào tạo) cho biết, điều này nhằm “giảm áp lực về điểm số đối với bậc tiểu học, mà thay vào đó đánh giá bằng sự tiến bộ của HS, coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy được hết khả năng của mình; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan...”.
Ai chẳng biết lâu nay, sự học là khốn khổ với bất cứ đứa trẻ nào bắt đầu đến trường. Cặp sách nặng trĩu trên lưng, học kẻ đường thẳng cũng phải thầy cô phụ đạo riêng... nếu kẻ kém thẳng so với bạn ngồi cạnh cha mẹ và cô giáo lại buồn lòng. Sáng chỉ kịp mắt nhắm mắt mở cầm bịch sữa ngồi sau xe máy đến lớp, chiều về từ ông bà đến bố mẹ chào xong đều chỉ hỏi có mỗi một câu: Hôm nay con mấy điểm? Rất ít người lớn hỏi: Hôm nay đi học vui không? Vui buồn ở trường bố mẹ và thầy cô quyết định hộ con. Đi học miễn có điểm cao đem về, đỡ ngượng mặt bố mẹ ở các cuộc họp phụ huynh. Nhất là khi bố mẹ các bạn khác chụp ảnh phiếu điểm đẹp long lanh rực rỡ của con họ lên FB, mà bố mẹ mình lại phải âm thầm gấp tờ phiếu điểm của mình bỏ luôn vào túi, thì phiền lắm. Có những bậc bố mẹ còn mắng mỏ con cái những câu kiểu này, khi con điểm kém “Con nhà người ta ăn cơm thì khôn? Mày ăn gì mà ngu thế?”.
Giảm áp lực cho trẻ con, vì vậy quá cần. Nhưng vấn đề là người lớn, bao gồm bố mẹ và thầy cô phải tự thay đổi thế nào. Trong nhà trường, nhận xét của thầy cô là cả một sự đánh đố khó khăn với học trò. Bà chủ quán nước có lần cầm cuốn sổ liên lạc của thằng cháu lớp 3 mà hỏi nửa ngày không biết mấy chữ viết tắt “tờ hờ đờ đờ” (THĐĐ) là cái mật mã gì, trong mục nhân xét về hạnh kiểm. Mãi mới được một đứa cấp 2 dịch cho, là “thực hiện đầy đủ”. Khiếp, hạnh kiểm gì mà thực hiện đầy đủ? Phải đến gần 100% giáo viên tiểu học nước nhà phải đi học lại cách viết nhận xét cho HS bé bỏng của mình. Cái bọn nói và viết đều bập bẹ, vớ phải “tờ hờ đờ đờ” chỉ có cách là đờ mặt ra, dù đấy là khen, chứ không hề là chê, thực hiện đầy đủ nghĩa là mọi yêu cầu của nhà trường đề ra không có sai phạm, trời đất ạ!
Mà nói chung, bao giờ còn tình trạng xếp hàng từ 2 giờ sáng để nộp đơn cho con học mầm non, còn những tấm gương cha mẹ quên mình vì con, làm xe ôm, ăn cám lợn nuôi con đỗ đạt được biểu dương mỗi mùa thi và cả xã hội nâng niu sĩ tử mỗi kỳ lai kinh ứng thí..., thì ngoài việc mừng vì tinh thần hiếu học, còn phải thấy sự coi trọng quá mức việc vào đại học, việc đỗ đạt, có bằng cấp như một căn bệnh. Căn bệnh ấy không mắc một cách ngẫu nhiên, nó là bệnh chung của xã hội từ nhiều năm nay rồi.
Mười cái dự thảo “tờ hờ đờ đờ” đầy đủ e cũng khó thay đổi điều gì lắm!
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần