Thư gửi robot citizen: Vô cảm hơn robot
Sophia thân mến! Chúc mừng thế giới AI của bạn vừa làm chúng tôi sững sờ thêm lần nữa khi giành giải Nhất trong một cuộc thi vẽ tranh. Tôi đã xem bức tranh ấy, nó vô cảm dưới mắt tôi. Chiến thắng con người ư? Vẫn còn một quãng.
Nhưng rồi sáng nay đi trên đường phố, tôi lại có chút chạnh lòng… Khi nhìn những bức tường, những cánh cửa… khắp thành phố của tôi bị các graffiti bôi bẩn bằng đủ thứ hình thù dị hợm, xấu xí, tôi nghĩ rằng thế giới vô cảm của AI, thứ nghệ thuật vô cảm mà AI tạo ra còn đẹp hơn.
Phải chăng, con người đang tiến gần tới mức vô cảm, còn robot đã dần có cảm xúc?
Bởi chẳng con người có cảm xúc hay ít nhất nghĩ cho cảm xúc của người khác lại vẽ bậy khắp nơi nhất là những công trình công cộng, thậm chí là những công trình chưa kịp đưa vào hoạt động. Phải chăng, khi vẽ bậy như vậy, họ muốn “đánh dấu lãnh thổ”, như Tôn Ngộ Không năm xưa đã phóng uế trong bàn tay Phật Tổ Như Lai?
Nhưng Sophia ơi, chắc Sophia còn nhớ. Trong bộ Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không chẳng coi thần thánh ra gì, nhưng chính hành động viết lên ngón tay Phật là hành động cuối cùng chú khỉ đã này làm, chấm dứt giai đoạn kiêu ngạo không coi ai ra gì của chú.
Các tay vẽ graffiti cũng thế. Họ nghĩ mình thường hoạt động trong đêm tối, hay chỉ vẽ ở các công trình dang dở, vắng vẻ thì sẽ không bị bắt, xử phạt. Vì thế mà họ càng ngày càng đi quá giới hạn. Coi bất kỳ đâu trong thành phố chỉ là tấm giấy nháp để họ thỏa sức nguệch ngoạc những vệt sơn xấu xí còn thua cả trẻ con.
Cũng cần vài lời “minh oan” cho giới graffiti. Không phải graffiti cũng bôi bẩn vẽ bậy. Trên thế giới không thiếu những khu dân cư, khu vực công cộng, nhờ những bức vẽ của các graffiti mà trở nên có sức sống hơn. Có những graffiti tìm đến những khu phố nghèo nàn nhất, trình diễn thứ nghệ thuật như một sự thách thức với hoàn cảnh. Đó là khoảng cách giữa nghệ thuật và sự tầm thường.
Sophia cũng nhớ cho, không phải vẽ đẹp thì sẽ được tha thứ. Mà phải vẽ đúng chỗ, đúng thời điểm. Nếu bỏ qua những yếu tố đó, thì dù có là một bức tranh đẹp thế nào, cũng chỉ là một sự xúc phạm.
Bởi để rửa sạch các vết sơn của graffiti trên các công trình cần rất nhiều thời gian, nhân lực, và tiền bạc. Nếu đó là công trình công cộng, thì tiền bạc, công sức bị lãng phí đó, là tiền bạc và công sức từ lao động của người dân. Để bôi vài đường sơn chỉ cần mất vài giây, nhưng để xóa được nó phải cần lượng thời gian gấp trăm gấp ngàn lần. Và một tờ giấy trắng, dù được bôi xóa kỹ lưỡng cẩn thận thế nào, vẫn không bao giờ sạch bong như thuở ban đầu.
- Nâng tầm nghệ thuật graffiti Việt Nam
- Nhếch nhác tranh vẽ sơn Graffiti tại Đà Nẵng
- Con đường gốm sứ, Graffiti và sự vỡ vụn của nghệ thuật đường phố
Biết bao giờ, các graffiti mới trân trọng bộ mặt của thành phố chúng ta, như trân trọng một tờ giấy trắng đây, Sophia?
Mong rằng những tiếng nói phê phán các graffiti vẽ bậy gần đây, sẽ giúp họ thức tỉnh, dừng lại những hành động tưởng rằng không có gì, nhưng gây hậu quả rất lớn, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, thậm chí là đời sống, sức khỏe tâm lý của nhiều người. Tưởng tượng một người ngày nào cũng phải nhìn bức tường bị bôi bẩn, trên đường đi làm hay về nhà, cũng bực bội lắm chứ.
Các graffiti chân chính, những tiếng nói cần thiết vào lúc này, chính các bạn sẽ là người lấy lại thiện cảm của công chúng với loại hình này. Trong cộng đồng của chính giới graffiti cần lên án mạnh mẽ những con sâu làm rầu nồi canh.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!
An Kha