Thư gửi robot Citizen: 'Sức khỏe' Hồ Tây
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Trong “Ngày sức khỏe thế giới” (7/4) vừa diễn ra giữa thời Covid-19, tôi nghĩ ngay đến việc phải làm sao bảo vệ được cái cổ họng cùng 2 lá phổi của mình. Bây giờ mà viêm họng, thở khò khè, ho khục khặc một cái là cả gia đình, phường xã đều thất kinh.
Đối với mỗi cá nhân, “sức khỏe” của hệ thống hô hấp là tối quan trọng.
Từ ý nghĩ đó, tôi bỗng nghĩ đến “hệ thống hô hấp” của cả thành phố. Không biết những “lá phổi xanh” của chúng ta - như người ta vẫn nói - đang trong tình trạng ra sao? Cụ thể, ta hãy thử bắt mạch “sức khỏe” của một cái hồ - ở đây là cái hồ lớn nhất Hà Nội. Sức khỏe của Hồ Tây đúng là có thể tác động đến“sức khỏe” của cả một hệ sinh thái, mà con người chúng ta là một bộ phận.
Thật buồn là mấy ngày gần đây, Hồ Tây lại có dấu hiệu lạ thường: Nước bất ngờ chuyển sang màu xanh rêu đậm, khiến Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tổ chức kiểm tra, xác minh rồi có văn bản khuyến cáo gửi TP Hà Nội.
Sophia thân mến! Tôi phải nhắc lại một chút về Hồ Tây, niềm tự hào của người Hà Nội chúng tôi. Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên rộng hơn 500ha ở quận Tây Hồ, với tổng chiều dài bờ hồ là hơn 17km. Ngoài giá trị về mặt lịch sử, văn hóa không cần phải nói thêm thì nó còn là địa điểm lý tưởng cho người dân hàng ngày đến đây hít thở không khí trong lành, du ngoạn vãn cảnh hoặc tập luyện thể dục thể thao.
Dễ thấy cảnh chiều chiều, tất cả các vườn hoa, công viên ven hồ đều tấp nập người. Khách Tây, khách ta, trẻ con, người lớn đủ cả, hoặc đi dạo, đi tập thể dục, hoặc ngồi xuống bãi cỏ ngắm hồ… Quang cảnh cứ như ở những bãi biển tuyệt vời nhất hành tinh. Đó là chưa kể đến những ngày cuối tuần - thực sự là những ngày hội.
Từ hiện tượng nước chuyển sang màu xanh rêu, kết quả kiểm tra cho thấy, chất lượng môi trường nước hồ Tây có dấu hiệu bị ô nhiễm. "Nhiều thông số môi trường trong nước hồ vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao, tập trung chủ yếu là các chi dạng tập đoàn vi khuẩn lam và các tập đoàn tảo lục"…
Cũng cần phải nói cho Sophia biết rằng, đây không phải là lần đầu nước Hồ Tây có dấu hiệu bị ô nhiễm. Trước đó, tháng 10/2016, hàng chục tấn cá chết đã nổi trắng mặt Hồ Tây. Không lâu sau đó, tháng 7/2018, cá ở Hồ Tây lại một lần nữa chết nổi trắng mặt hồ. Nhiều nguyên nhân khiến cá chết được đưa ra như nắng nóng, tảo nở hoa…Tuy nhiên, giải quyết triệt để vấn đề thì không dễ.
Một câu hỏi được đặt ra, đó là Hồ Tây đã thực sự được quan tâm đúng mức chưa? Cách đây mấy năm, việc dẹp bỏ các du thuyền, nhà nổi dọc đường Thanh Niên đã khiến dư luận nức lòng, nhưng vô hình trung lại tạo ra một “nghĩa địa” du thuyền hoang phế, nhếch nhác ở một góc Hồ Tây, ven đường Nhật Chiêu.
Ngay trong đợt kiểm tra vừa rồi, cơ quan chức năng cũng đã đề nghị TP Hà Nội thực hiện ngay các biện pháp cải thiện chất lượng nước Hồ Tây, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt hồ, duy trì sự cân bằng hệ sinh thái trong hồ. Tổ chức kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải có nguy cơ xâm nhập vào hồ. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chủ động bổ sung nguồn nước trong trường hợp thời tiết khô hạn kéo dài, đảm bảo mực nước tối thiểu nhằm duy trì ổn định hệ sinh thái hồ. Việc vớt rác thải trên hồ phải được làm thường xuyên, kịp thời, đảm bảo vệ sinh môi trường. Xem xét, nạo vét trầm tích để nâng cao khả năng lưu trữ nước và làm sạch của hồ…
Rất nhiều việc phải làm. Bảo vệ “sức khỏe” của “lá phổi” Hồ Tây cũng là bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Khánh