Góc nhìn 365: Hồ Tây không chỉ cần camera
(Thethaovanhoa.vn) - Khu vực Hồ Tây sẽ sớm được nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera giám sát, đó là khẳng định từ các cơ quan chức năng sau vụ việc người nước ngoài bị quấy rối tại đây. Kèm theo đó, các biện pháp đảm bảo an ninh, lập đường dây nóng, tăng cường tuyên truyền cho người dân… cũng được lên kế hoạch thực hiện.
Cần nhắc lại, trong tuần trước, thông tin về việc một số người nước ngoài bị quấy rối tình dục tại đây đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, đặc biệt là sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xác minh và xử lý nghiêm vụ việc.
Như chia sẻ, đa phần những nạn nhân bị quấy rối trong bối cảnh đi dạo tại tuyến đường ven Hồ Tây ở thời điểm vắng người. Do vậy, việc lắp camera giám sát tại khu vực này, cũng như việc bố trí các biện pháp an ninh tăng cường, là điều hợp lý và dễ hiểu.
Thế nhưng, từ câu chuyện về sự mất an toàn vào buổi tối ở Hồ Tây, chúng ta hãy quay sang một câu hỏi khác: khu vực liệu có thể... sầm uất và đông vui hơn, để không còn rơi vào cảnh vắng vẻ khi đêm về? Bởi, vô hình chung, sự có mặt của cộng đồng sẽ kéo theo nhiều hệ quả tích cực, trong đó có cả việc giảm thiểu những sự cố có thể xảy ra ở nơi heo hút và ít người qua lại.
***
Chẳng có gì là sai khi đặt câu hỏi ấy, bởi những năm qua, đã có rất nhiều người kỳ vọng Hồ Tây sẽ sớm trở thành một trung tâm mới của Hà Nội theo đúng nghĩa.
Đó không chỉ là câu chuyện của một lá phổi xanh với diện tích hơn 500 ha mặt nước, nghĩa là lớn nhất thành phố. Xa hơn, trong suốt nhiều thế kỷ trước, Hồ Tây chính là “cái rốn văn hóa” của Thăng Long – Hà Nội với vô vàn truyền thuyết, di tích và làng nghề. Để rồi, vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp tạo nên một hồ Hoàn Kiếm tuy nhỏ nhưng lại được quy hoạch vô cùng hợp lý và khoa học, không gian này bỗng nhiên trở thành phần nằm ngoài rìa của một Hà Nội được đô thị hóa theo khuôn mẫu phương Tây.
Sự thực, việc đánh thức không gian Hồ Tây cũng đã được đưa ra nhiều lần trong quá khứ. Chẳng hạn, thập niên 1950, các KTS người Pháp Esnes Hebrad và Luis Georges Pineau đã từng muốn dựa vào mặt nước, thảm cỏ và các xóm làng truyền thống để xây dựng một “thành phố vườn”. Hoặc, giữa thập niên 1950, dưới ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Liên Xô (cũ), nơi đây cũng được đề xuất là một công viên lớn kiêm lá phổi xanh của Hà Nội. Thậm chí, đầu những năm 2000, trong một bản quy hoạch khác, Hồ Tây cũng được ưu tiên trở thành điểm nhất, và kết nối với bên kia sông Hồng bằng việc xây dựng một hồ nước nhân tạo đối xứng ở Hải Bối (Đông Anh)…
Những ý tưởng ấy đều không thành hiện thực bởi nhiều lý do, trong đó có hạn chế từ những gián đoạn lịch sử, từ nguồn lực và cả tư duy quy hoạch. Để rồi đến giờ, với một Hà Nội đã được mở rộng hơn trước rất nhiều, Hồ Tây tuy “lọt vào” giữa thành phố nhưng lại khó quy hoạch hơn trước rất nhiều bởi những kiến trúc lộn xộn mọc lên xung quanh.
Thẳng thắn, ngần ấy năm, Hà Nội cũng đã có những nỗ lực nhất định để cải thiện tình trạng này. Chúng ta đã hoàn thành tuyến đường cảnh quan dài 17km quanh hồ, đã di dời những nhà hàng nổi gây ảnh hưởng tới tầm nhìn, đã bước đầu tổ chức những không gian đặc thù như phố đi bộ Trịnh Công Sơn (dù hiệu quả từ tuyến phố này vẫn còn khá khiêm tốn). Nhưng, chừng đó vẫn chỉ là những nỗ lực nhỏ lẻ, thay vì một chiến lược đủ tương xưng với giá trị và lớp trầm tích văn hóa tại không gian này.
Việc ngăn chặn những hành vi thấp kém ở khu vực quanh Hồ Tây không nên – và không thể - chỉ là chuyện của những camera làm chức năng giám sát. Bởi, phản văn hóa chỉ có thể giải quyết bằng văn hoá - mà cụ thể ở đây là việc tạo dựng một không gian mà mỗi công dân của thành phố đều muốn đặt chân tới với sự trân trọng và gìn giữ của mình.
Trí Uẩn