Thư gửi robot Citizen: 'Kỹ năng sống' tiết kiệm nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Cho đến sáng qua (17/10) thì cơn ác mộng “tạm ngừng cấp nước vô thời hạn” đã qua, khi Công ty nước sạch Sông Đà đã cấp nước trở lại, nhưng vẫn khuyến cáo “chỉ nên dùng để tắm giặt”.
Dù sao như thế cũng đã giải tỏa phần nào cơn khát nước cho hơn trăm ngàn hộ gia đình ở Hà Nội. Còn nhớ, một ngày trước đó, tại các điểm cấp nước sạch miễn phí, mọi người phải xếp hàng đợi đến 1, 2 giờ đêm để lấy được vài xô nước. Nhiều gia đình đã huy động hết cả bồn tắm, xô, chậu, đi xếp hàng lấy nước sạch về nấu ăn. Đến khi nghe tin “tạm dừng cấp nước”, thì lại còn đôn đáo tìm cách trữ cả nước bẩn để còn xả... toilet.
Sophia thân mến!
Nhìn cảnh đó tôi lại nhớ về cảnh lấy nước máy thời kỳ bao cấp tại đất nước chúng tôi, cách đây cũng đã hơn 30 năm với hình ảnh đặc trưng là những hàng dài xô, chậu xếp hàng uốn lượn trước vòi nước công cộng bé xíu.
Những năm tháng đó, chuyện về nước sạch luôn ám ảnh tâm trí các gia đình. Hàng ngày, trừ việc nấu cơm, đun sôi nước để uống thì các việc khác đều phải tận dụng nước triệt để. Bắt đầu từ vo gạo xong thì kết hợp rửa rau, xong lại tận dụng giặt giẻ lau nhà. Quần áo thay ra tập trung định kỳ giặt một lúc chứ không lắt nhắt. Mấy đứa con trai chúng tôi còn phải tắm chung một lần cho tiết kiệm. Nhiều gia đình phải chọn cách ra các ao, hồ, sông gần nơi sinh sống tắm giặt bất chấp các bệnh tật ngoài da. Đúng là khó cho nên đâm ra phải khéo.
***
Chắc Sophia cũng sẽ đồng ý với tôi rằng, khi có bất kỳ sự cố nào, “nhân tai” hay là thiên tai, xảy ra thì chúng ta cũng phải bình tĩnh và học cách đối mặt… Nhờ đó chúng ta không những không bị đè bẹp mà còn học thêm được những kỹ năng sống mới, để tiếp tục sống một cách kiên cường và hiểu biết.
Chúng ta hãy chờ xem cơ quan quản lý thị trường xử lý như thế nào khi có hiện tượng người kinh doanh nước đóng bình lợi dụng tình hình này để tăng giá bán bất hợp lý? Những người kinh doanh ứng xử với khách hàng của mình ra sao khi sự cố xảy ra? Rồi “văn hóa xếp hàng”, rồi sự chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau ra sao giữa các gia đình cùng trong cảnh thiếu nước sạch?
Có một “kỹ năng sống” mà mấy ngày qua, tôi cũng mới biết. Đó là không nên tùy tiện sử dụng các loại nước khoáng để nấu ăn hàng ngày (thay thế cho nước lọc). Theo các nhà chuyên mônphân tích, các loại nước khoáng đã được xử lý và bổ sung các chất có lợi cho cơ thể gồm: magie, canxi, natri, kali... nếu dùng để nấu ăn, trước hết ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Khi nước nấu ở nhiệt độ cao sẽ tác động đến thành phần khoáng sinh ra cặn canxi, natri... gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là những người thận yếu.
Sophia thân mến!
Cơn khủng hoảng nước sạch rồi cũng sẽ qua đi thôi. Trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên xây dựng cho con trẻ ý thức tiết kiệm nước sạch, cũng như các kỹ năng cần thiết để thích ứng với điều kiện nguồn nước khan hiếm. Đó mới là chuyện lâu dài.
Tôi nhớ hồi còn đi học, tôi được nghe câu chuyện của một nhà thơ quân đội kể về việc sử dụng nước ngọt tại các hải đảo xa xôi. Ở đó, thậm chí nước gội đầu, nước tắm giặt cũng phải giữ lại để đem tưới cây, không có bỏ đi tí nào cả. Rồi khi xem những bộ phim về người dân sống tại các sa mạc, tôi cũng rất thú vị về những cách họ tìm kiếm và sử dụng nguồn nước sạch tiết kiệm thế nào. Xem rồi mới thấy đúng là nước ngọt là món quà tuyệt diệu của thiên nhiên ban tặng cho chúng ta.
Tuy nhiên, tài nguyên nước sạch không phải là vô tận. Cần sớm nhận biết điều này, đừng đợi đến khi xảy ra “cơn khát nước sạch” như lần này thì mới tỉnh ra.Bài học này tôi nghĩ không chỉ riêng với nước sạch mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Quốc Khánh