Thư gửi robot Citizen: Đói nghèo và du lịch
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Một tuần qua, câu chuyện về nhà hàng Panorama tại Mèo Vạc (Hà Giang) đang “chiếm sóng” dư luận với những phản ứng vô cùng gay gắt về sự xâm phạm cảnh quan của nó.
Nằm trên đỉnh Mã Pì Lèng, nhà hàng ấy cao 6 tầng, với thiết kế thô kệch được như ví như “chiếc mụn bê tông” găm vào một trong những đỉnh đèo đẹp nhất Việt Nam. Đáng nói hơn, kết quả kiểm tra cho thấy: Bản thân công trình này cũng không tuân thủ một số vấn đề về giấy phép.
Nhưng, bên cạnh những lời phản đối, nhiều người nhắc tới một câu hỏi: Việc dỡ bỏ phần lớn công trình (như đang được đề xuất) có là quá nhẫn tâm với giấc mơ xóa đói nghèo bằng du lịch của người dân địa phương?Còn nhớ, bà chủ Panorama nói rằng việc xây dựng giúp công trình để người dân đỡ đói nghèo…
***
Giấc mơ ấy không xa lạ. 9 năm trước, cao nguyên đá Đồng Văn (trải rộng trên 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh) của Hà Giang là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu từ UNESCO. Và, người ta đã bắt đầu nói đến du lịch, như đòn bẩy để thay đổi nền kinh tế của địa phương nghèo ấy.
Quả thật, Hà Giang chỉ có núi đá, nhưng núi đá cũng có thể trở thành “mỏ vàng” - khi mà nhiều năm gần đây, khách du lịch thường có xu hướng đến với những cảnh quan địa chất kỳ vĩ và nguyên sơ, như chúng vẫn tồn tại trong hàng ngàn năm nay.
Nhưng, làm du lịch có phải chỉ là chờ nhà hàng, khách sạn , dịch vụ… đua nhau mọc lên ở những điểm gắn với cảnh quan - giống như cách mà một khu phố nhà nghỉ chắc chắn sẽ xuất hiện ở đèo Mã Pí Lèng, nếu Panorama không bị… thổi còi?
Câu trả lời là không, khi mà trong rất nhiều cuộc tọa đàm về du lịch, chúng ta luôn nhấn mạnh:Những yếu tố sinh thái tự nhiên, đặc biệt là cảnh quan và không gian, mới chính là “nồi cơm Thạch Sanh” của xu hướng du lịch hiện đại.
“Nồi cơm Thạch Sanh” ấy cần được giữ gìn để mang lại nguồn lợi chung và thúc đẩy du lịch cho cả một địa phương - thay vì chỉ mang lại lợi ích cho một số ít chủ đầu tư bỏ tiền để chọn những vị trí “mặt tiền”, nhưng lại gây ảnh hưởng cho không gian chung của cả quần thể.
Một nhà đầu tư như ở Mã Pí Lèng không thể đại diện cho lợi ích của cư dân bản địa - những người cần được tạo điều kiện để mưu sinh trên quy mô rộng hơn, với những lựa chọn phù hợp hơn để tham gia làm dịch vụ du lịch. Số tiền thuê đất - nếu có - ở một nhà nghỉ Panorama cũng không thể so sánh với tiềm năng từ những cơ sở lưu trú sẽ mọc lên trong tương lai, ở những khu vực được quy hoạch phù hợp, khi Mã Pí Lèng vẫn giữ được sức hút của mình.
Phần nào, chúng ta có thể thấy bài toán ấy qua trường hợp của khu phố cổ Hội An. Tại đó, không gian của những ngôi nhà cổ, những hội quán, chùa Cầu, miếu Văn Thanh được bảo tồn khá công phu - khi các công trình lưu trú cao tầng đều nằm cách khu vực này ở một khoảng cách nhất định. Để rồi, với lượng khách đều đặn đổ về, gần như toàn bộ người dân tại thành phố này đều có thể tham gia làm du lịch với những cách tiếp cận tùy theo công việc của mình.
Như thế, câu chuyện ở đây thuộc về chiến lược - mà cụ thể là một bản quy hoạch du lịch chi tiết để phát triển cả cụm cao nguyên đá Đồng Văn. Trong bản quy hoạch ấy, những tài nguyên du lịch như Mã Pí Lèng cần được bảo tồn, trong khi những khu vực quy hoạch riêng cho cơ sở lưu trú lại rất cần được khuyến khích phát triển, thay vì để rơi vào tình cảnh đáng tiếc như trường hợp của Panorama.
Chúng ta muốn dùng du lịch để xóa bớt đói nghèo ở một địa phương như Hà Giang. Vậy, hãy gắng học cách đừng phung phí cảnh quan thiên nhiên thứ tài sản quý nhất mà địa phương này đang có.
Hẹn gặp lại Sophia thư sau.
Anh Bảo