Thư EURO: Ăn bún Việt ở quán từng bị khủng bố
(Thethaovanhoa.vn) - Những vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015 đã làm 129 người chết, hơn 200 người bị thương. Có mặt tại EURO lần này, chúng tôi đã tìm về một trong những địa điểm đầu tiên mà 7 tháng trước, bọn khủng bố đã xả súng thảm sát người dân vô tội.
- Bắt 3 kẻ âm mưu tấn công khủng bố các CĐV trận Bỉ và Ireland
- EURO 2016: Khủng bố dùng Live Stream để đe dọa tấn công
- Thư EURO: Xem bóng đá thời khủng bố
- QUAN ĐIỂM: Bóng ma Khủng bố đang dần kiểm soát EURO 2016
Trên đường đến đây, chúng tôi lòng man mác buồn khi một số hàng quán, ô cửa kính vẫn còn lỗ chỗ vết đạn làm rạn nứt. Người dân cứ để thế, có lẽ như nhớ đến một vết tích găm sâu vào tim.
Các thực khách của Le Carillon và Le Petit Cambodge không thể tưởng tượng nổi bi kịch lại ập xuống kinh hoàng đến thế. Qua những gì đã được xem trên các phương tiện truyền thông, khu vực này lúc đó thực sự như bãi chiến trường. Vậy mà, sau 7 tháng, chúng tôi lại đến nơi này, để cảm nhận, dường như chưa xảy ra một tấn bi kịch.
Những con đường thanh bình, cảnh sắc tuyệt đẹp. Người dân đến quán rất đông. Le Carillon là nhà hàng chỉ bán đồ uống. Bên kia đường là quán Le Petit Cambogde của gia đình gốc Campuchia, chuyên bán đồ ăn Việt Nam và châu Á. Chúng tôi cũng vào quán, chọn món bún bò. Chủ quán rất niềm nở, nhưng họ bảo rằng không nên quay phim vì không muốn gợi lại cho khách những ký ức đã bắt đầu ngủ vùi.
Bún rất ngon. Một cảm giác xúc động trào dâng khi nhìn ngắm chủ quán làm việc vui vẻ, còn khách hàng thì ra vào nhộn nhịp.
Đột nhiên ai đó lỡ đánh rơi một chiếc thìa, âm anh thanh chát chúa, nhiều người trong quán giật mình, có tiếng kêu lên khe khẽ!
Bản lĩnh Pháp
Chúng tôi ngồi với anh Hoàng Long, tác giả cuốn sách khá đáng đọc: “Tôi và Paris - Câu chuyện một dòng sông”. Anh Long đã sang Pháp được 16 năm, đây là một “gã” yêu nước Pháp đến lạ lùng. Những câu chuyện mà chàng trai Hà Nội kể về Pháp, đầy lãng mạn, tinh tế, đan xen một tâm thế luôn nhớ những gì thuộc về Hà Nội của anh.
Long bảo rằng thường rất hay cùng bạn thân (nhà gần Le Carillon và Le Petit Cambodge) hay ra hai quán này. Nhưng hôm đó, may mắn cả hai không có mặt. Nếu không, chẳng biết thế nào mà lần. Nhưng anh không sợ. Bạn anh cũng nhanh chóng thích nghi với nhịp sống bình thường, sau sự cố mà quán ăn hàng xóm gặp phải. Hai anh vẫn đến đây ăn đều đặn, còn quen biết cả chủ quán Le Carillon nữa.
“Thời gian này đang có EURO diễn ra, gia đình tôi cũng khá lo lắng liệu có vấn đề gì an ninh xảy ra? Nhưng tôi khẳng định người dân Paris không sợ và tin tưởng vào an ninh của nước Pháp”.
Cũng theo anh Long, khi hai quán (cùng những quán khác bị khủng bố) thông báo mở cửa trở lại, Những người dân trong khu phố, những người làm việc quanh đó đã đến quán rất bình thường. Nhiều hiệp hội còn kêu gọi, tạo ra phong trào mọi người dân ăn uống ở phía bên ngoài quán, tiếng Pháp gọi là các khu terrasse, để chứng tỏ rằng những kẻ khủng bố không thể làm thay đổi cuộc sống của người dân đất nước hình lục lăng. Còn các nhà hàng bị khủng bố, chẳng những hoạt động bình thường mà khách càng đến đông hơn trước.
Rõ ràng, người dân Pháp không hề run sợ trước những kẻ khủng bố. Thậm chí chính phủ Pháp còn tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng với những kẻ đang gieo rắc chết chóc cho nhân loại. Chúng tôi càng khâm phục bản lĩnh người Pháp khi đi trên những con phố đã bị bọn khủng bố tràn qua. Quảng trường Cộng hòa ở trung tâm Paris vẫn thơm ngát hương sắc các loại hoa. Những tấm di ảnh có nhiều người còn rất trẻ, đa số trên môi nở nụ cười. Vậy mà…
Người dân Pháp không quên những người đã nằm xuống. Họ vẫn đến đây hàng ngày để đặt hoa tưởng niệm, và có lẽ cũng để nhắc nhau rằng, nước Pháp phải luôn can đảm để bước qua những đau thương.
Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa