Thể thao & Văn hóa: Hành trình đi tìm sự khác biệt
Không lúc nào mà báo chí thể thao lại đang chịu một sự đào thải khủng khiếp như hiện nay với sự bùng nổ của mãng xã hội và xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm. Nhưng cũng như bản chất của thể thao, báo chí cũng ở trong một cuộc hành trình Nhanh hơn - xa hơn và cao hơn.
1. Mùa Xuân 2018, bóng đá Việt Nam tạo cơn địa chấn tại Thường Châu (Trung Quốc) ở giải U23 châu Á. Lần đầu tiên có một đội tuyển Việt Nam vào chơi trận chung kết châu lục. Đó là một sự kiện cho dù được truyền hình trực tiếp tại Việt Nam nhưng không ai hình dung được khả năng thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải đấu mà chúng ta đã bị loại ngay từ vòng đấu bảng ở kỳ tham dự đầu tiên vào năm 2016.
Càng không ai có thể tưởng tượng được hiệu ứng khủng khiếp mà đội bóng của HLV Park Hang Seo, người khi đó vẫn còn vô danh tại Việt Nam, đã tạo ra từ sau trận chung kết trong tuyết trắng.
Khi cộng đồng bóng đá “phát cuồng” vì U23, bất kỳ thông tin nào về những ngày tháng lịch sử đó đều được giới hâm mộ “ngấu nghiến” sau một quãng thời gian dài rất dài bóng đá Việt Nam khô hạn thành tích trên mọi đấu trường.
Sự kiện đó không có nhiều cơ quan truyền thông Việt Nam cử phóng viên sang tác nghiệp trực tiếp, và vì thế, những khoảnh khắc được phóng viên Hoàng Linh của báo Thể thao & Văn hóa, một trong số ít người may mắn có mặt đưa tin về giải đấu, ghi lại qua ống kính máy ảnh của mình được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Hình ảnh các cầu thủ áo đỏ ôm nhau mừng bàn thắng của Quang Hải, hay Đỗ Duy Mạnh cắm cờ Việt Nam trên tuyết trắng đã trở thành biểu tượng của tinh thần, ý chí Việt Nam.
2. Trong thể thao hiện đại, thông tin dường như đang đi trước một bước đối với những người làm báo. Sự bùng nổ của mạng xã hội tạo ra nhiều phương thức tiếp nhận thông tin mới. Người hâm mộ thể thao có thể “follow” các trang mạng xã hội của đội bóng, VĐV mà mình yêu thích để cập nhật tin tức mới nhất và phù hợp cho cá nhân mình.
Đã có nhiều thời điểm, những người làm báo thể thao ngờ vực chính vai trò của mình, bởi ngay chính giới phóng viên thể thao cũng phải đóng vai người hâm mộ, “follow” các trang mạng xã hội, rồi chịu sự cuốn đi của cơn lũ thông tin ấy.
Nhưng đấy không phải là tất cả. Một sự kiện như U23 châu Á 2018 cho chúng ta một cái nhìn khác về truyền thông thể thao tại Việt Nam. Người hâm mộ cần nhiều hơn những dòng trạng thái, “tweet” ngắn được đưa ra có phần cố ý, chủ động để điều hướng thông tin.
Sau cảm xúc dâng trào về hình ảnh Đỗ Duy Mạnh cắm cờ trên tuyết, người ta muốn biết bối cảnh, và cái cách mà Duy Mạnh đã làm điều đó. Và điều đó chỉ có được từ chính những phóng viên tác nghiệp trực tiếp, những người đã “đứng” trong không gian, lĩnh hội được bầu không khí và bắt trọn khoảng khắc của hành động ấy.
Bối cảnh thay đổi nhưng vai trò của báo chí thể thao thì không thay đổi. Như mọi dòng chảy của đời sống xã hội, những sự kiện thể thao cũng luôn cần những góc nhìn đa chiều. Khi việc tiếp cận thông tin thể thao càng dễ dàng, thì lại càng cần các góc nhìn khác biệt từ báo chí. Các CLB và VĐV thể thao ngày càng chuyên nghiệp hơn về cách đưa thông tin đến công chúng, nhưng cũng chính vì vậy, người hâm mộ cần có những thông tin liên quan đến từ báo chí thể thao để có cái nhìn sâu hơn cho mỗi sự kiện.
3. Đời sống báo chí thể thao tại Việt Nam không nằm ngoài quy luật của thế giới, ở đó, những tờ báo in dần biến mất và người làm báo trở nên đa năng, chịu nhiều áp lực hơn và cũng phải chấp nhận những chi phối từ các phương thức truyền thông.
Khi người đọc báo không còn tiếp nhận các thông tin thụ động được in trên giấy phát hành mỗi sáng sớm, thì người làm báo cũng buộc phải thay đổi công việc của mình. Đầu tiên là tốc độ đưa tin lên mạng Internet trên nền tảng website và mạng xã hội. Kế đến là rủi ro về tính chuẩn xác của thông tin vì càng nhanh, càng dễ mắc sai sót. Nhưng áp lực lớn nhất vẫn là sự khác biệt về cách đưa thông tin đến người đọc. Cùng một sự kiện, viết theo góc độ nào, chọn tấm ảnh nào có khoảnh khắc cô đọng nhất, đưa clip nào có tính chân thật nhất, đó là những chọn lựa không đơn giản của các đơn vị truyền thông báo chí. Có lẽ chưa bao giờ mà vai trò của những phóng viên, biên tập viên và kể cả người duyệt đăng lại gần nhau như bây giờ. Trước đây, các bộ phận này được vận hành theo từng bước độc lập, từ phóng viên hiện trường đưa tin về, đến biên tập viên bổ sung các dữ kiện liên quan rồi mới hình thành bài báo trên giấy.
Còn bây giờ, ngay từ phóng viên phải có tư duy của người biên tập, tức là phải tìm kiếm những góc nhìn khác lạ về sự kiện ngay từ lúc bắt đầu. Và cả hệ thống, đều chịu chung một áp lực về lượt xem, lượt quan tâm, lường trước những phản ứng từ các bình luận của độc giả. Thậm chí, còn nghĩ đến khả năng lan tỏa (“viral”) của thông tin mà mình đăng tải.
Thế nên nói cho cùng, có nhiều thứ đã thay đổi nhưng chức năng của người làm báo thể thao thì vẫn vậy. Chuẩn xác về thông tin, đa dạng về vấn đề và sâu sắc về góc nhìn. Các sự kiện thể thao, về lý thuyết, đều được biết trước và người hâm mộ cũng được tiếp cận sớm thông qua truyền hình trực tiếp.
Nên chức năng của báo chí thể thao vẫn là phân tích, nhận định và phản biện đa chiều về sự kiện đó. Vài ba thập niên trước cũng vậy, mà bây giờ cũng không khác hơn.
4. Trong dòng chảy đầy biến động của thông tin và sự phất triển của thể thao Việt Nam, những tờ báo như Thể thao & Văn hóa đã đúng khi chọn cách đưa tin mang bản sắc rất riêng từ lúc bắt đầu. Vì thế mà không chỉ duy trì được ấn phẩm báo giấy với số lượng phát hành đáng nể, Thể thao & Văn hóa còn là kênh được chọn lựa hàng đầu khi người hâm mộ thể thao tìm kiếm những góc nhìn khác biệt về những sự kiện trong đời sống thể thao.
Bản sắc của Thể thao & Văn hóa với các bài phân tích chuyên sâu, góc nhìn chính thống và cách đánh giá thông tin một cách sòng phẳng trong suốt 40 năm qua là một “đặc sản” không thể nhầm lẫn, đủ để thu hút cả người đọc lớn tuổi cũng như giới trẻ “chơi” mạng xã hội hiện nay.
Đấy là cả một quá trình kiên trì của những người làm báo thể thao thật sự quan tâm đến người đọc và những người hâm mộ thể thao chân chính. Bởi phía sau của các sự kiện, nhân vật thể thao, còn là những người thầm lặng trong công tác huấn luyện, những nhà đầu tư vẫn đang bỏ tiền để nuôi dưỡng tài năng, họ cần được ghi nhận, được ủng hộ, được quan tâm bằng những góc nhìn chuyên sau hơn. Đó cũng là cách mà báo chí thể thao đang đóng góp cho nền thể thao nước nhà .
“MÓN NỢ” CỦA THỂ THAO VỚI BÁO CHÍ Với những người làm báo, “sướng” nhất và cũng là mong muốn lớn nhất vẫn là nhìn thấy nền thể thao Việt Nam thật sự chuyên nghiệp. Không phải tự dưng mà tại các sự kiện thể thao chuyên nghiệp, vai trò của các cơ quan báo chí vẫn được tôn trọng. Có những thông tin chỉ được đưa ra tại khu vực dành cho báo chí. Có những quy định mà các VĐV chỉ được phép cung cấp, hoặc buộc phải trả lời cho báo chí tại những khu vực dành riêng. Khi thể thao Việt Nam chưa phát triển chuyên nghiệp, giới làm báo chịu không ít thiệt thòi. Đầu tiên là ít có sự kiện tầm cỡ để tác nghiệp. Kế đến, dễ bị đánh đồng và trùng lặp thông tin với mạng xã hội khi bản thân các CLB hay VĐV quá dễ dàng đưa ra thông tin mà không chịu các ràng buộc từ hợp đồng bảo mật hay các đơn vị tài trợ. |
Quang Việt