Thể thao Nghệ An trong nỗi lo ma túy
(TT&VH)- Việc các cầu thủ hoặc VĐV của Nghệ An bị bắt hoặc bị phát hiện vì sử dụng chất cấm (ma túy, heroin, “đập đá”… ) đã không làm ai ngạc nhiên hay choáng váng, bởi vì dư luận đã quá quen với những thông tin kiểu như vậy.
Từ những cầu thủ có tên tuổi đã thành danh, đến các gương mặt trẻ mới nổi khi dính vào ma tuý đều thân bại danh liệt. Phải chăng đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động về việc quản lý VĐV?
Sống trong sợ hãi
Theo báo cáo hàng năm của công an TP. Vinh (Nghệ An), khu vực phường Cửa Nam (khối 1, 2, 3 ) là “điểm đen” tội phạm liên quan đến ma túy và hàng cấm. Nhiều chuyên án đã được thực hiện và đã phá được những đường dây buôn bán chất ma túy khiến người dân sửng sốt.
Những người dân khu vực này luôn sống trong nơm nớp lo sợ. Tệ nạn ma túy có thể ập đến bất cứ lúc nào, không chừa một ai. Trong khi đó, đại bản doanh của SLNA và các bộ môn thể thao khác lại nằm ngay trong khu vực trung tâm của “điểm đen” đó (số 6 Đào Tấn).
Do vậy bên cạnh công tác đào tạo chuyên môn cho VĐV thì các trung tâm huấn luyện, và cả “lò” đào tạo SLNA phải kiêm luôn công tác giáo dục tư tưởng, lối sống để học viên, VĐV biết cách phòng chống các tệ nạn xã hội.
Hồng Việt (21- SLNA) từng dính vào ma túy nhưng sau đó đã nỗ lực để quay trở lại với bóng đá. Ảnh: V.S.I
Còn nhớ, ngay trong buổi đàm phán chuyển đổi sang mô hình Cty CP BĐ, tách khỏi sự quản lý theo ngành dọc của UBND tỉnh, thì lãnh đạo SLNA đã quan tâm đến việc di chuyển trụ sở CLB sang một địa điểm mới, tách rời khu dân cư đông đúc phồn hoa. Song trong thời gian chờ đợi để có thể về được ngôi nhà mới thì thể thao xứ Nghệ thỉnh thoảng lại phải tiếp nhận những tin dữ liên quan đến việc VĐV bị bắt hoặc dính nghi án sử dụng các chất cấm.
Nhiều bậc lão thành có tâm huyết với thể thao tỉnh nhà đã nhiều lần đề nghị nhanh chóng thực hiện việc chuyển nhà cho SLNA. Cũng thật dễ hiểu vì sao họ lo lắng như thế vì đa số cầu thủ của SLNA đều xuất thân từ những miền quê nghèo, tập trung về Vinh để chơi bóng. Do nhận thức yếu, trong khi lại sẵn có tiền trong tay, nên họ rất dễ sa ngã.
* Đánh bạc với cuộc đời
Không ai nhớ chính xác ai là VĐV hay cầu thủ đầu tiên ở xứ Nghệ bị bắt hoặc phát hiện sử dụng ma tuý, nhưng sốc nhất là trường hợp tuyển thủ Phan Thanh Tuấn. Câu chuyện tiền vệ tài hoa này bị thân tàn danh liệt vì ma túy đã là bài học thức tỉnh nhiều cầu thủ ở lò SLNA.
Chính cuộc đời Tuấn “tồn” mới là bức tranh phản ảnh chính xác lối sống buông thả của những cầu thủ SLNA lúc bấy giờ. Ở Nghệ An đã từng có giai thoại, Nguyễn Hữu Thắng lúc đấy là đội trưởng SLNA đã phải đến nhà riêng của Phan Thanh Tuấn quỳ khóc với chính mẹ của Thanh Tuấn vì không thể kéo được Tuấn ra khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”.
Chứng kiến điều đó, Thanh Tuấn đã thầm hứa sẽ không lôi kéo, dụ dỗ và mượn tiền (giai đoạn cuối đời cầu thủ) của những cầu thủ trẻ trong đó có Huy Hoàng. Thời đó, rất nhiều HLV biết việc Huy Hoàng đã có bản lĩnh từ chối việc sử dụng chất gây nghiện. Nhưng đó là chuyện cũ....
Có thể nói tin “sốc” về ma túy liên tục xảy ra với SLNA. Đầu tiên là vào năm 2004, cầu thủ là Nguyễn Văn Ý bị đuổi khỏi CLB vì trộm cắp tài sản và nghi là có liên quan đến ma túy. Ít năm sau, vào ngày 1/6/2007, chuyện “động trời” đã xảy ra ngay tại CLB SLNA, khi đội trưởng U19 SLNA Lưu Văn Hiền bị phát hiện đang sử dụng heroin ngay tại phòng riêng.
Từ đây, nhiều cầu thủ khác của SLNA cũng bị nghi là nghiện ma túy và rất nhiều bậc phụ huynh đã phải gọi con em mình về, vì sợ ma túy tấn công. Ngày 25/1/2008, thêm cú sốc khác xảy ra ở SLNA. Nguyễn Hồng Việt, cầu thủ xuất sắc với cái chân trái khéo léo đã thành danh ở các giải trẻ và cùng U20 VN vô địch ĐNA, bị bắt ngay trước cổng CLB khi trong người đang tàng trữ heroin. Sau Hồng Việt, đến lượt đồng đội của anh là Đình Việt cũng bị nghi là có liên quan đến ma túy.
Dư luận cho rằng, đó chỉ là bề nổi của một “tảng băng chìm” về thế giới phức tạp của một bộ phận cầu thủ SLNA.
Nhận thức được điều đó, nên từ ngày về lại SLNA, TGĐ Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Hữu Thắng đã quan tâm đến việc giữ nề nếp trong sinh hoạt tập trung, nghiêm cấm các hành vi “xé rào” bằng cách phạt tiền. Ngoài ra, mỗi năm 3 lần, các cầu thủ sẽ được đưa đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe.
Đ.N