Thế hệ trẻ cần được 'Sống cùng lịch sử'
Sau Hoa ban đỏ, Ký ức Điện Biên, phim truyện Sống cùng lịch sử do NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn từ kịch bản của nhà văn Đoàn Tuấn đã ra mắt tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). Và 2 ngày trước, (5/5), tôi lại có cơ hội xem lại bộ phim này tại Điện ảnh Quân đội nhân dân. Phim có cấu trúc, cách thể hiện độc đáo, tiếp cận chiến dịch Điện Biên Phủ từ góc nhìn của thế hệ trẻ vốn chưa từng biết đến chiến tranh.
Nội dung phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ: Nga (diễn viên Nguyễn Thu Quỳnh), Lâm (diễn viên Đào Chí Nhân) và Tùng (Hoàng Tuấn Kiên) rủ nhau đi "phượt" lên Điện Biên. Trên đường phượt, họ gặp đôi sinh viên nghiên cứu lịch sử người Pháp là Paul (Nicolas Nguyễn Văn) và Hana (Zholobova Annastasiya). Ba người bạn hoan hỉ được đặt chân đến mảnh đất Điện Biên hào hùng và đến thăm những di tích lịch sử của chiến trường xưa.
Chạm vào lịch sử bằng chính câu chuyện của họ
Điểm mới trong cách kể chuyện là tác giả đưa các bạn trẻ hôm nay trở về với lịch sử không phải với tư cách của người đứng ngoài quan sát. Họ thực sự là người trong cuộc, tham gia trực tiếp vào những lát cắt ngang của chiến dịch Điện Biên Phủ - "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt"; chứng kiến tinh thần chiến đấu quả cảm "Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm" (Tố Hữu).
Sống cùng lịch sử tái hiện hình tượng những anh hùng Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, song không đặt tên cho nhân vật. Đạo diễn Thanh Vân đã lý giải về điều đó: "Những người anh hùng trong sử sách đã quá nổi tiếng nên vào phim dù không đặt tên thì ai cũng biết. Tôi muốn bộ phim có sự khái quát về cả một thế hệ anh hùng đã tham gia cuộc chiến. Ngã xuống làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là hàng ngàn chiến sĩ vô danh". Đây cũng là cách đạo diễn chủ trương khái quát những vấn đề lớn từ thực tiễn anh hùng của quân và dân ta trong chiến thắng Điện Biên.
Hành trình lên Điện Biên đã giúp các bạn trẻ thay đổi nhận thức, cảm xúc. Trong khi Nga, Lâm chứng kiến, dấn thân như người trong cuộc thì Tùng còn bộc lộ sự e ngại, đứng ngoài cuộc, nên "chưa thấy", chưa cảm nhận đầy đủ cuộc chiến và cuối cùng bộc lộ sự ân hận, day dứt của mình. Tâm lý của các nhân vật có một hành trình chuyển biến, từ sự bàng quan với lịch sử dân tộc, phát ngôn ngô nghê lúc đầu, họ đã có thay đổi lớn trong suy nghĩ, cảm xúc, hành động nhờ được tham gia những sự kiện trong quá khứ hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Những trải nghiệm như của người trong cuộc khiến các bạn trẻ biết trân trọng lịch sử dân tộc và tự hào về sức mạnh của tinh thần yêu nước đã làm nên chiến thắng "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng" (Tố Hữu).
Biên kịch và đạo diễn đã cố gắng để câu chuyện của mình hướng đến khán giả hôm nay thông qua hành trình đi phượt của nhóm bạn trẻ. Phim sử dụng phương pháp đồng hiện (những người ở hiện tại sống lại cùng thế hệ trước) đã đem đến cho khán giả một cảm giác mới, cách tiếp cận mới khác với phần lớn phim chiến tranh trước đó.
Trong phim, quá khứ và hiện tại đan xen với 2 hiện thực đối lập, 2 mảng màu lớn. Đó là cuộc sống trong hòa bình, được trang bị đủ đầy các thiết bị hiện đại như iPad, iPhone, xe phân khối lớn... mà giới trẻ hôm nay đang được hưởng thụ, so với cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh không tiếc máu xương của thế hệ cha anh giành độc lập, tư do cho dân tộc. Cảnh Nga tắm, Tùng đứng ngoài ngắm và hôn nhau qua... cửa kính ở đầu phim cũng là cách cho thấy giới trẻ hôm nay được hưởng thụ, sống sung sướng, đủ đầy với mọi tiện nghi hiện đại rất cần được tiếp cận lịch sử, được "sống cùng lịch sử" để ý thức rõ hơn trách nhiệm công dân của mình.
Đoạn kết phim là thủ pháp phim tài liệu khi 3 bạn trẻ hòa vào dòng người ở mọi lứa tuổi xếp hàng đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là cảnh quay thực tế ngày 10/10/2013.
Thủ pháp đồng hiện
Trăn trở để tìm ra cách truyền đạt mới trên nền lịch sử cũ, tiếp cận sự kiện lịch sử ở mỗi thời kỳ, là một thách thức không nhỏ với ê-kíp sáng tạo phim về đề tài chiến tranh nói chung và phim về Điện Biên nói riêng. Mong muốn của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân là: "Làm thế nào để đưa sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ tiếp cận người trẻ một cách gần gũi và đầy cảm xúc nhất...". Đó cũng chính là nguyện vọng của tác giả kịch bản "chạm vào lịch sử bằng chính câu chuyện của họ"...
Ê-kíp Đoàn Tuấn (biên kịch), Thanh Vân (đạo diễn), Hoàng Nhuận Cầm (biên tập) đã gặp nhau, thống nhất cách chuyển tải, tránh lối đi thông thường, cố gắng tìm một cách thể hiện mới cho 3 bạn trẻ: Họ là các nhân vật "xuyên không" trải nghiệm thực tiễn của Điện Biên với tư cách là người trong cuộc, đối diện với quá khứ hào hùng của dân tộc. Phương pháp đồng hiện khá hiệu quả được đạo diễn sử dụng thành công như chính cách lý giải của NSND Nguyễn Thanh Vân: "Qua thủ pháp đồng hiện, tôi muốn khơi dậy lời hiệu triệu từ trái tim mỗi khán giả về tình yêu đối với lịch sử của dân tộc mình".
Theo đó, các bạn trẻ trở về Điện Biên hóa thân vào các nhân vật trong quá khứ. Họ trực tiếp tham gia vào những diễn biến, sự kiện của chiến dịch Điện Biên Phủ; xuất hiện trong từng lát cắt lịch sử tiêu biểu tham gia đoàn dân công, cùng kéo pháo, chiến đấu với quân Pháp, chung chịu bom đạn, chứng kiến máy bay địch quần thảo, cảnh đơn vị quân y, khiêng/ cõng thương binh, bè mảng chở hàng trúng bom, dòng sông đỏ máu...
Phim Sống cùng lịch sử do Nhà nước đặt hàng được đầu tư khá kỹ lưỡng với sự tham gia của hơn 300 người. Phim được quay tại nhiều địa phương: Hòa Bình, bản Then (trên đường đi Cò Nòi - Tuần Giáo), dãy núi Tà Phì Láng, Phìn Hồ, Trạm Tấu, dọc sông Mã, đèo Lũng Lô, đèo Văn Chấn, các di tích lịch sử ở thành phố Điện Biên... NSND Lý Thái Dũng đã chọn, triển khai nhiều cảnh quay khó như cảnh núi rừng hiểm trở, cảnh cháy nổ... đặc biệt hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên mãn nhãn đầy lãng mạn, hùng vĩ như tiếng thốt trầm trồ của Nga trên đường đến Điện Biên "Tại sao chiến tranh cứ xảy ra ở vùng đất đẹp như thế này nhỉ?".
Bằng cảm xúc chân thực và cái nhìn mới, kỹ thuật được đầu tư kỹ càng, phần âm thanh, các ca khúc nhạc phim được xử lý tốt, làm nên hiệu quả nghệ thuật đặc biệt. Tiết tấu âm nhạc trong phim được sử dụng tinh tế, lãng mạn mà bi tráng với ca khúc Đường lên Tây Bắc"của nhạc sĩ Văn An, Du kích sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hòa cùng giai điệu bản tình ca Pháp tuyệt vời của nhạc phẩm La Vie En Rose - Cuộc đời màu hồng (nhạc: Louguy, Marguerite Monnat, lời: Edith Piaf, ca sĩ Đồng Lan thể hiện) làm điểm nhấn đầy cảm xúc. Phần hậu kỳ được thực hiện tại Thái Lan...
Thành công ở những đại cảnh, nhất là cảnh bom đạn được dàn dựng công phu, phim cũng gây xúc động khán giả ở nhiều trường đoạn: Cảnh bà mẹ người Thái nghĩ về thời thanh xuân của mình khi phải múa cho lính Pháp xem. Cảnh bộ đội kéo pháo và tái hiện hành động anh hùng "chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm" (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu). Thế hệ trẻ chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh theo cách của mình. Nga xúc động chứng kiến cảnh đoàn dân công dừng lại ăn tối, trời mưa to, họ chịu ướt dành áo mưa che gạo. Nga băng bó cho chị dân công Thanh Hóa bị thương tràn trào nước mắt. Cảnh Nga chứng kiến Lý Hoàng Dương (diễn viên Mai Anh) nén ngực, cắt tóc, giả trai vào bộ đội chủ lực và hy sinh. Cảnh Lâm làm dân công hỏa tuyến, cáng thương binh, là bộ đội chủ lực chiến đấu, ôm bộc phá nhảy lên xe tăng địch... Cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (diễn viên Lâm Tùng đóng) thể hiện trong những quyết định lịch sử thiêng liêng, xúc động...
Cách thể hiện mới
Sống cùng lịch sử do Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất cùng ê-kíp sáng tạo là những nghệ sĩ tên tuổi như: quay phim Lý Thái Dũng, biên tập Hoàng Nhuận Cầm, âm nhạc: Quốc Trung, thiết kế mỹ thuật: Nguyễn Nguyên Vũ, thiết kế âm thanh: Bành Bắc Hải, Giám đốc sản xuất: Vương Đức.
Phim Sống cùng lịch sử là 1 trong 4 phim: Mỹ nhân (đạo diễn Đinh Thái Thụy), Nhà tiên tri (đạo diễn Vương Đức), Những đứa con của làng (đạo diễn Nguyễn Đức Việt) được Bộ VH,TT&DL phê duyệt đầu tư cùng đợt.
Tuy vẫn còn những ý kiến khen chê, song phải ghi nhận sự cố gắng của cả ê-kíp làm phim đã nỗ lực sáng tạo để có một cách thể hiện mới, hiện đại, trẻ trung và hấp dẫn về đề tài Điện Biên. Nhờ đó, bộ phim đã mang đến cho khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ sự tươi trẻ, hấp dẫn cùng những cảm nhận và góc nhìn mới về phim đề tài chiến tranh cách mạng như mục đích của đạo diễn Thanh Vân là tập trung truyền tải các thông điệp lịch sử đến khán giả.