Thế giới 2023: Truyền thông quốc tế điểm những sự kiện ghi dấu ấn tích cực
Thế giới sắp bước qua năm 2023 với nhiều biến động, khó khăn và thách thức, khi các vấn đề "nóng" như cuộc xung đột Nga-Ukraine, xung đột Hamas-Israel, suy thoái kinh tế hay biến đổi khí hậu gây ra những tác động ở nhiều cấp độ khác nhau đối với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, trong bức tranh đầy "gam trầm" đó, truyền thông quốc tế vẫn điểm lại những sự kiện tích cực, đem lại niềm vui và hy vọng.
Trong những ngày cuối năm, những nỗ lực tập thể để chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã ghi dấu ấn đậm nét tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) diễn ra ở Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE). COP 28 đã thông qua được thoả thuận cuối cùng vào ngày 13/12 – thỏa thuận được dư luận đánh giá là "lịch sử". Lần đầu tiên đề cập đến việc loại bỏ dần nhiên liệu hoá thạch, tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng biến đổi khí hậu với những hệ quả ngày càng thấy rõ. Dù vẫn còn nhiều kẽ hở và không có tính chất ràng buộc, chỉ đặt vấn đề cắt giảm chứ không loại bỏ việc sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch, thoả thuận đã cho thấy việc bảo vệ khí hậu chung của Trái đất đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Cũng tại hội nghị, các quốc gia đã đồng ý thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại. Quỹ này đã được đề xuất tại COP26, nhằm mục đích bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra hoặc những tổn thất không thể khắc phục được liên quan đến biến đổi khí hậu ở những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Từ đó đến nay, một số quốc gia phát triển đã cam kết đóng góp, với tổng số tiền nay lên tới 655 triệu USD. Con số vẫn còn ở dưới mức cần thiết, nhưng được đánh giá là bước tiến đầu tiên quan trọng.
Cùng với bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một trong những điểm nhấn của các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên trong năm 2023 là thế giới bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm nguy cơ tuyệt chủng ở động vật hoang dã. Theo Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), số lượng của những loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng - linh dương Saiga, tê giác, hải cẩu hay sóc khổng lồ…vẫn tiếp tục tăng lên. Báo cáo của tổ chức này ghi nhận, năm 2023, loài linh dương sừng mã tấu và linh dương saiga đang phục hồi và quần thể loài có xu hướng tăng. Tương tự số cá thể hải cẩu Địa Trung Hải và sóc chuối - một loài sống ở Indonesia cũng đang phục hồi. Những số liệu tích cực này đã giúp đưa những loài động vật trên ra khỏi danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Số lượng tê giác châu Phi đã tăng 5% trong một năm, vượt quá 23.000 con.
Bên cạnh đó, nạn phá rừng giảm đáng kể tại Amazon. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Không gian Brazil (INPE) công bố vào tháng 11/2023, nạn phá rừng ở Amazon đã giảm 22,3% trong vòng một năm, xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Đây là tin vui cho hành tinh và cho hàng chục nghìn loài động thực vật đang sống trong vùng được gọi là "lá phổi xanh" của thế giới này. Theo Chính phủ Brazil, việc giảm nạn phá rừng từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023 đã giúp tránh được 133 triệu tấn khí phát thải CO2, tương đương 7,5% tổng lượng khí phát thải của nước này.
Bức tranh y tế thế giới cũng ghi nhận một số gam màu sáng. Năm 2023, thế giới đón nhận rộng rãi loại vaccine thứ hai ngừa bệnh sốt rét được cấp phép tiêm chủng cho trẻ em. Đầu tháng 10/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho phép đưa vào sử dụng loại vaccine thứ 2 ngừa bệnh sốt rét dành cho trẻ em, vaccine R21/Matrix-M – loại vaccine được các nhà nghiên cứu kết luận "chắc chắn và hiệu quả". Sốt rét thường gây sốt, đau đầu và ớn lạnh. Bệnh này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị. Năm 2021, WHO thống kê có hơn 600.000 người tử vong trên thế giới vì căn bệnh này, trong đó đa số ở châu Phi. WHO ước tính mỗi năm sẽ có khoảng 60 triệu liều vaccine này được đặt mua, bên cạnh hàng triệu liều vaccine được cấp phép lưu hành trước đó. Đây có thể được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc phòng chống bệnh sốt rét.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu về bệnh Parkinson cũng đạt được tiến bộ. Vào tháng 4/2023, tạp chí khoa học The Lancet Neurology công bố nghiên cứu cho thấy sự tích tụ protein alpha-synuclein trong não thực sự có liên quan đến một số dạng bệnh, trong đó có bệnh nan y Parkinson. Bước tiến này có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành y học. Hiện tại, các bệnh lý của bệnh Parkinson chỉ được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu cụ thể từ người bệnh.
Sau đó, tháng 11/2023, một bệnh nhân Parkinson 61 tuổi đã có thể đi được trở lại nhờ một bộ phận thần kinh nhân tạo được đặt ở lưng dưới. Theo các nhà nghiên cứu, thiết bị này sẽ gửi kích thích điện chính xác đến các dây thần kinh vận động điều khiển cơ chân. Dự kiến, nhóm các nhà nghiên cứu Pháp-Thụy Sĩ sẽ đưa 6 bệnh nhân mới vào thử nghiệm lâm sàng trong năm 2024.
Trong lĩnh vực không gian-vũ trụ, một sự kiện nổi bật mà truyền thông quốc tế đặc biệt đề cập đến là những bức ảnh đầu tiên chụp từ kính viễn vọng không gian châu Âu Euclid. Được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX ngày 1/7, kính viễn vọng không gian Euclid của châu Âu đã công bố những hình ảnh đầu tiên vào đầu tháng 11 vừa qua. Những hình ảnh đó đã giới thiệu một hệ tinh vân rực rỡ giống như đầu ngựa. Đó là những thiên hà xa xôi chưa từng thấy trước đây và thậm chí có cả "bằng chứng gián tiếp" về sự tồn tại của vật chất tối khó nắm bắt.
Dự kiến, từ nay đến năm 2029, Euclid - kính viễn vọng có trường quan sát rộng nhất trong lịch sử thiên văn học - sẽ có nhiệm vụ lập bản đồ 1/3 bầu trời với hàng tỷ thiên hà, để tạo ra bản đồ 3 chiều. Những hình ảnh tiếp theo sẽ được công bố vào tháng 1/2024. Theo đó, nhân loại sẽ bước vào đầu năm 2024 đầy mơ mộng về những vì sao xa xôi.