Bức tranh kinh tế thế giới 2023 và dự báo năm 2024
Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu đã ghi nhận tăng trưởng yếu, một phần do chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và đà phục hồi còn chậm của kinh tế Trung Quốc sau dịch COVID-19.
Những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị, cụ thể là xung đột Nga-Ukraine leo thang và cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza liên quan tới xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, cũng đã tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bức tranh của kinh tế toàn cầu vẫn lấp lánh những điểm sáng hy vọng.
Bức tranh ảm đạm của kinh tế thế giới 2023
Đánh giá chung về kinh tế thế giới 2023, các chuyên gia nhận định bên cạnh một số điểm tích cực, nhìn chung bức tranh kinh tế thế giới vẫn ảm đạm và đầy thách thức, sau khi đã trải qua rất nhiều yếu tố bất lợi của năm 2022 như khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu... Một số nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, song chậm và không vững chắc, trong khi tác động của tình hình địa chính trị bất ổn làm chậm tốc độ tăng trưởng của một số khu vực.
Nhìn chung, các điều kiện kinh tế toàn cầu trong năm 2023 được đánh giá là luôn ở tình trạng khá mong manh, dễ bị tổn thương trước những rủi ro kinh tế hay địa chính trị.
Gánh nặng nợ công và việc nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng thấy đã tạo thêm lực cản và làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế. Bất chấp những diễn biến khởi sắc hồi đầu năm 2023, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới chưa thể thoát hẳn "bóng ma" COVID-19. Hoạt động kinh tế vẫn chưa trở về mức trước đại dịch, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời có sự khác biệt và phân mảnh ngày càng lớn giữa các khu vực. Những yếu tố khác có tính chu kỳ hơn, như việc nhiều nước giảm hỗ trợ tài chính trong bối cảnh nợ công tăng cao và bất ổn địa chính trị trên thế giới.
Trong báo cáo mới nhất về viễn cảnh kinh tế thế giới công bố ngày 29/11/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 xuống còn 2,9%, giảm nhẹ so với mức 3% đưa ra hồi tháng 9.
Tăng trưởng kinh tế Eurozone được dự báo đạt 0,6% trong năm 2023, giảm so với mức 0,7% trong dự báo trước đó. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phải giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, do tác động của lãi suất cao đến nền kinh tế Eurozone. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định, hoạt động kinh tế tại Eurozone trì trệ trong những quý gần đây và dự kiến vẫn yếu kém cho đến hết năm nay. Thực tế GDP của Eurozone trong quý III đã giảm nhẹ do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm tác động của lãi suất cao, nhu cầu từ bên ngoài yếu và động lực tăng trưởng giảm sau khi mở cửa lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Khu vực châu Á thì lại chứng kiến những tín hiệu tích cực trong năm 2023 khi triển vọng kinh tế khu vực này sáng sủa hơn nhờ "đòn bẩy" là các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa ở các nền kinh tế, sự phục hồi của ngành du lịch và nguồn kiều hối chuyển về tăng mạnh. Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự kiến châu Á sẽ đạt tăng trưởng 4,9% trong năm 2023, chủ yếu nhờ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 12/2023, ADB ghi nhận tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 46 nền kinh tế, không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand. ADB cho biết, khu vực Đông Á và Nam Á đều được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, lần lượt ở mức 4,7% và 5,7% trong năm nay. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á tăng trưởng chậm lại, đạt 4,3% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó là 4,6%.
Riêng với khu vực Đông Nam Á, trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu từ ASEAN đã giảm tốc do nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa sản xuất chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực đã tăng trưởng nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động du lịch. Trong nửa cuối năm 2023, tăng trưởng kinh tế ở ASEAN được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước bật tăng trở lại với sự phục hồi ổn định của thị trường lao động và lạm phát giảm bớt. Hầu hết các nền kinh tế trong ASEAN ghi nhận lạm phát thấp hơn, chủ yếu nhờ giá cả hàng hóa ổn định, các nút thắt trong chuỗi cung ứng được nới lỏng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Hầu hết các ngân hàng trung ương ở ASEAN đã tạm dừng tăng lãi suất và chiều hướng này có thể tiếp diễn. Ngoài ra, tình trạng lạm phát dịu lại ở hầu hết các quốc gia đang mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất nếu cần thiết.
Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh và Caribe được dự báo khép lại năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế thấp, chỉ 2,2%; và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) ước tính, nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ chỉ tăng trưởng 1,9% trong năm 2024 do tốc độ tạo việc làm chậm, sự tồn tại dai dẳng của những công việc phi chính thức và khoảng cách giới, cùng những tác động khác. ECLAC nhấn mạnh rằng những dự báo cũng phần nào phản ánh mức thấp của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine được cho là những yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế thế giới. Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển vẫn không hạ, nên chi phí tài chính vẫn ở mức cao trong suốt năm 2023 và dự kiến xu hướng này duy trì đà trong vài năm tới. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng thấp cũng phản ánh "không gian hạn chế" cho chính sách tài chính và tiền tệ mà các quốc gia trong khu vực phải đối mặt. ECLAC nhấn mạnh rằng, nợ công đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, cùng sự gia tăng chi phí tài chính dẫn đến hạn chế không gian tài chính.
Nhưng vẫn có những gam màu sáng
Trong sự ảm đạm chung của kinh tế thế giới 2023, kinh tế Mỹ lại được coi là một điểm sáng với những thành tựu đáng khích lệ trong năm qua. Theo Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng cao hơn dự báo trong quý III/2023, do đầu tư và chi tiêu chính phủ cao hơn dự kiến ban đầu. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Mỹ đã tăng trưởng 5,2% trong quý III, mức cao nhất kể từ quý IV/2021 và cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng ước tính 4,9% được công bố vào tháng 10/2023.
Các chuyên gia nhận định tăng trưởng việc làm là yếu tố khiến người tiêu dùng không ngần ngại chi tiêu đang là động lực chính cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ giả thuyết tăng trưởng mạnh quý vừa qua có thể chỉ là một "đỉnh cao" trước khi nền kinh tế Mỹ chững lại trong quý tiếp theo và kéo dài sang năm 2024. Các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng mạnh này sẽ giảm xuống khi lãi suất cho vay dài hạn tăng lên, đi kèm việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) nâng lãi suất ngắn hạn, người tiêu dùng sẽ siết chặt hầu bao và doanh nghiệp hạn chế chi tiêu.
Theo các nhà kinh tế, trong ngắn hạn, kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều thách thức. Dự báo lãi suất vẫn ở mức cao và có khả năng sẽ duy trì như vậy khi FED phải tiếp tục các nỗ lực chống lạm phát. Tuy nhiên, cho dù rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu cùng một loạt "cơn gió ngược", thì hầu hết các nhà kinh tế tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể giải được bài toán giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái cho nền kinh tế. Giáo sư Brian Bethune, Đại học Boston nhận định: "Nền kinh tế Mỹ không chỉ có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc mà còn đạt được mức tăng trưởng dựa trên năng suất trong hai quý liên tiếp vào năm 2023, có nghĩa là chu kỳ kinh doanh vẫn rất vững chắc".
Cùng với Mỹ, nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc cũng đạt tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý III/2023. Các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu dùng nội địa trong tháng 9 vừa qua đều đảo chiều tăng mạnh, nhờ chính phủ nước này áp dụng các chính sách khôi phục và phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch.
Hàng loạt nền kinh tế thị trường mới nổi cũng cho thấy sức bền và khả năng phục hồi mạnh mẽ trước tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu năm 2023. Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 4%.
Theo các chuyên gia, về tổng thể, kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2023 đầy biến động và thách thức. Dư âm COVID-19 vẫn còn nặng nề, lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn đua nhau siết chặt dòng tiền kèm theo hàng loạt bất ổn về địa chính trị ở nhiều điểm nóng… Dù vậy, kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới, cùng với đó là những tín hiệu khởi sắc như chi tiêu tiêu dùng tăng, sản xuất phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi xuống và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt.
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
Mặc dù vậy, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước. OECD đánh giá: tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm tới sẽ chậm lại, ở mức vừa phải. Năm 2024 đang ở phía trước, với những tác động được nhận định là vẫn còn những khó khăn nhưng cũng có nhiều điểm sáng.
Khó khăn là bởi tình trạng bất ổn chính trị, xung đột vũ trang vẫn chưa chấm dứt, trong khi các biện pháp thắt chặt tài chính tại nhiều nước cũng phủ bóng triển vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn có những điểm tích cực từ các tín hiệu kinh tế cuối năm của các nền kinh tế đang phát triển cũng như tình trạng lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt đáng kể, tạo đà cho việc thay đổi chính sách vào năm tới.
OECD dự báo, kinh tế thế giới trong năm 2024 có thể sẽ "hạ cánh mềm", tức tăng trưởng chậm lại so với năm 2023. Năm 2024, OECD giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từng đưa ra trước đó là 2,7%. Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, không tính đến năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến năm 2025, kinh tế thế giới có thể sẽ khởi sắc hơn, với tăng trưởng đạt mức 3%. Điều này phụ thuộc vào xu hướng giảm dần của lạm phát và các nền kinh tế ở khu vực châu Á duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cuộc xung đột Hamas-Israel có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn.
Trong khi đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo lạc quan rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt 3,3% vào năm 2024, tăng mạnh so với mức 0,8% của năm nay. WTO nhận định, sự gia tăng thương mại các mặt hàng có chu kỳ kinh doanh, như máy móc và hàng tiêu dùng lâu bền, sẽ kéo theo thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Trong đó, châu Á dự kiến là khu vực có xuất khẩu và nhập khẩu tăng mạnh nhất.
Triển vọng phục hồi kinh tế của Eurozone được kỳ vọng sẽ tươi sáng hơn trong những năm tới, lạm phát dự báo tiếp tục giảm, thu nhập hộ gia đình cải thiện và nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực. Theo đó, Tăng trưởng kinh tế của Eurozone được dự báo ở mức 0,9% vào năm 2024. Tăng trưởng kinh tế Anh dự kiến dần khởi sắc trong các năm 2024 và 2025, với mức tăng trưởng lần lượt là 0,7% và 1,2%.
Kinh tế Mỹ cũng được dự báo suy giảm trong năm 2024, đạt 1,5% trước khi hồi phục vừa phải lên mức 1,7% vào năm 2025.
Ở châu Á, Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2024, giảm còn 1% từ mức 1,7% trong năm 2023. Sau đó, nền kinh tế thứ ba thế giới được dự đoán sẽ tăng nhẹ lên mức 1,2% trong năm 2025.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi sẽ thể hiện một bức tranh hỗn hợp, với sự mở rộng ở Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Cùng lúc, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ảm đạm. Các nhà kinh tế cho rằng nước này sẽ trải qua con đường khá gập ghềnh để trở lại mức tăng trưởng ổn định, nhưng họ cũng kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng bằng các chính sách kích thích nền kinh tế.
Tại Trung Âu, Trung Đông và châu Phi, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng, các nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi, với mức tăng trưởng được nhìn thấy là 3,4% vào năm 2024. Trong khi đó tăng trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chậm lại; Hungary, Cộng hoà Séc sẽ tăng lên. Tại Israel, tác động của xung đột ở Gaza có thể sẽ khiến tăng trưởng của nước này bị hạn chế đến quý IV/2023, sau đó sẽ phục hồi nhanh chóng trong 3 tháng đầu năm 2024…
Nhưng nếu xung đột lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông trong năm 2024, kinh tế thế giới sẽ đối mặt nhiều nguy cơ tăng trưởng chậm lại đồng thời làm gia tăng lạm phát.