Thầy ngoại, thầy nội
(TT&VH) - Sau khi chứng kiến tấm gương thành công rực rỡ của bóng đá Malaysia trong vòng 3 năm qua ở sân chơi khu vực với những ông thầy nội, câu hỏi bao giờ thì ĐTQG VN hoàn toàn được phó thác cho những ông thầy VN một lần nữa lại làm trăn trở dư luận. Với thực lực của U23 VN ở SEA Games 26, rất nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần với một HLV nội thì U23 VN cũng thừa sức vào bán kết.
Thực ra thì trước khi quyết định tiếp tục chọn một ông thầy ngoại để kế nhiệm HLV Henrique Calisto, VFF cũng nghĩ tới khả năng giao quyền dẫn dắt ĐT Olympic VN hoặc ĐT U23 VN cho HLV nội, nhưng nếu để ý sẽ thấy, các HLV nội thường chỉ được tín nhiệm ở những giải đấu mà chắc chắn bóng đá VN không có cơ hội làm nên chuyện lớn, kiểu như Asian Games hay vòng loại Olympic, còn ở những giải khu vực có tính chất “miếng cơm manh áo” như SEA Games hay AFF Cup thì dĩ nhiên phải là HLV ngoại.
HLV Falko Goetz
Chỉ có thầy ngoại mới chịu chấp nhận chỉ tiêu mà VFF giao cho là phải vào tới chung kết hoặc giành HCV, vì khi những HLV như thế lặn lội sang tận một nơi được coi là vùng trũng của bóng đá thế giới như Đông Nam Á để làm việc thì gần như chắc chắn họ sẽ gật đầu với mọi điều kiện mà “người sử dụng lao động” đưa ra. Nói một cách khác, tất cả các HLV ngoại khi đến Đông Nam Á hay VN để làm việc thì trước hết đều là vì kế sinh nhai, sau đó mới là những yếu tố khác như ham muốn khám phá thử thách, tình yêu với miền đất mới…
Thế nên, nếu thành công thì họ sẽ có cả danh vọng lẫn tiền bạc, kiểu như HLV Calisto được nhận Huân chương của Chính phủ Bồ Đào Nha nhờ đưa ĐTVN đoạt chức vô địch AFF Cup 2008, vinh dự mà ông Calisto gần như không thể có nếu như ông cứ ở Bồ Đào Nha cho tới hết đời. Còn trong trường hợp xấu nhất thì các HLV ngoại lại trở về tình trạng như trước khi họ tới Đông Nam Á, nghĩa là không có việc và cũng chẳng có danh, nhưng bù lại đã bỏ túi một khoản thu nhập đáng kể, thậm chí có những người còn được đền bù kha khá nếu bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Trong khi đó, một HLV nội luôn phải đắn đo cân nhắc rất nhiều nếu chính thức nhận lời dẫn dắt ĐTQG kèm theo chỉ tiêu cụ thể của VFF ở sân chơi khu vực, vì ai cũng hiểu cái giá phải trả nếu đội bóng thất bại là gì. Đấy là lý do vì sao mà tuyệt đại đa số các HLV nội có tên tuổi nhờ thành tích ở CLB đều không sẵn lòng từ bỏ hoàn toàn công việc của mình tại CLB để dấn thân vào cuộc phiêu lưu tại ĐTQG.
HLV Lê Thụy Hải là một trường hợp hiếm hoi luôn sẵn sàng nhận lời dẫn dắt ĐTQG mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào, nhưng một phần nguyên nhân là bởi ông Hải sở hữu cá tính rất đặc biệt và bản thân ông cũng không còn thiếu danh hiệu nào ở cấp độ CLB nên đương nhiên ông phải đặc biệt hứng thú với thử thách ở ĐTQG. Chỉ có điều, nhiệt tình và năng lực chuyên môn chưa phải là những yếu tố cần và đủ để một HLV nội có thể được VFF giao phó ĐTQG.
Nhật Huy