'Thầy giáo Thứ' Hữu Mười và Duyên phận nghề giáo
(Thethaovanhoa.vn) - “Thầy giáo Thứ” xuất hiện tại ký túc xá A7, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngay sau khi cư dân sư phạm mãn nhãn với bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy vừa công chiếu. Nhận ra nhân vật trong phim, sinh viên chúng tôi ùa tới, vòng trong vòng ngoài ngắm nghía trầm trồ, nhìn tận mắt nam diễn viên Hữu Mười.
Kể từ cái chạm tay đầu tiên của một fan, 30 năm sau,tôi có nhiều dịp gặp gỡ, cùng “thầy giáo Khang” và ê-kíp phim Mùi cỏ cháy về Quảng Trị giao lưu với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và là đồng nghiệp cùng anh tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội…
Cơ duyên điện ảnh
Nguyễn Hữu Mười sinh ngày 9/9/1957 tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong gia đình 11 anh chị em. Từ nhỏ, anh đã đam mê nghệ thuật. Năm 1974, nghe tin có Đoàn kịch Trung ương về huyện biểu diễn, anh cùng mấy người bạn rủ nhau đến xem. Lúc mua vé, anh chợt thấycó dán thông báo tuyển diễn viên, trong đó có ghi “thí sinh chụp ba kiểu ảnh”. Ngày đó, chỉ đến phố huyện mới có cửa hàng chụp ảnh. Không chút đắn đo, nghĩ suy, ngay và luôn, Hữu Mười viết đơn xin dự tuyển và nộp cho cán bộ Đoàn kịch.
Niềm hoan hỉ khiến chàng trai quên mẫu để viết một lá đơn. Nhận lá đơn chỉ vỏn vẹn vài dòng ngắn cụt lủn, thiếu thông tin cần thiết, người nhận đơn trả lại với nét mặt không vui: "Cậu viết đơn quá cẩu thả. Thiếu những thông tin cần thiết, quan trọng. Thế này mà cũng gọi là đơn à? Thôi cậu cầm lại đi". Niềm hoan hỉ có ba kiểu ảnh choán hết tâm trí, ngay lập tức Hữu Mười xin lỗi và khẩn khoản xin được viết lại đơn. Theo hướng dẫn của cán bộ Đoàn kịch, đơn anh viết đã được chấp nhận và tên Nguyễn Hữu Mười có trong danh sách thí sinh dự thi.
Đề bài Ban Giám khảo đưa ra cho thí sinh là hát một bài hát, đọc một bài thơ và diễn theo yêu cầu. Anh hoàn thành ngay phần hát, đọc thơ và chờ phần thi thứ ba. Cô Phi Nga (nữ diễn viên phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông của đạo diễn Phạm Kỳ Nam) nhìn thấy tố chất điện ảnh ở chàng trai cao ráo, gương mặt chữ điền, trầm lạnh, đôi mắt thăm thẳm như biết nói. Cô ra đề bài là một tình huống: “Em đến một nhà một người bạn thân chơi. Khi đến nơi, em thấy cậu bạn ngủ say, trên tay vẫn giữ cuốn sách em đã từng hỏi mượn mà bạn ấy chưa đồng ý. Lúc đó,em sẽ làm thế nào?”.
Nghe xong, Hữu Mười đã nghĩ ngay ra đáp án. Là người mê đọc sách, anh đã từng gặp tình huống đó ở ngoài đời. Hữu Mười trả lời ngay câu hỏi:
- Cháu sẽ nhẹ nhàng gỡ cuốn sách khỏi tay bạn ấy rồi cầm về. Đọc xong, cháu sẽ mang trả lại bạn.
Tưởng là câu trả lời ngon rồi, bỗng cô Đức Hoàn (diễn viên đóng Mỵ trong phim Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc) hỏi:
- Hữu Mười, cháu làm gì đấy?
- Dạ, cháu chào cô! Cháu sang để trả bạn cuốn sách. Nhưng bạn ấy ngủ say quá, nên ngày mai cháu sẽ mang sách đến và trả tận tay bạn ấy. Cháu chào cô ạ!
Chân thành, dung dị, chàng trai đã gây được thiện cảm với các thành viên Ban giám khảo, vượt qua vòng sơ tuyển và được gọi ra Hà Nội thi vòng chung tuyển. Tuy gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng nhà đông con, nên bố mẹ ủng hộ con trai hiện thực hóa ước mơ trở thành tài tử xi-nê.
Nguyễn Hữu Mười đã trúng tuyển lớp diễn viên điện ảnh khóa II Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cùng các bạn học sau này trở thành các diễn viên nổi tiếng, như: Bùi Cường, Phương Thanh, Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân, Quốc Trọng, Thanh Quý, Ngọc Thu, Đào Bá Sơn, Minh Châu... Năm 1977, khi tốt nghiệp, anh về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Năm 1987, Hữu Mười được Bộ Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cử đi học Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Matxcova theo Hiệp định hợp tác Văn hoá - Giáo dục giữa hai nước.
Sau 7 năm học tập, năm 1993, anh đã tốt nghiệp Khoa đạo diễn và trở lại Hãng phim Truyện Việt Nam công tác…
Duyên phận nghề giáo trong phim và đời
Hữu Mười sở hữu vóc dáng cao gầy, xương xương, khuôn mặt chữ điền trầm lạnh, ít nói, đặc biệt đôi mắt đầy biểu cảm.Vẻ bên ngoài của anh dễ thích hợp với những vai diễn trầm tĩnh, ưu tư, thiên về nhân vật bộc lộ suy nghĩ nội tâm hơn là kiểu nhân vật hành động.
- Từ 'cái nôi' sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 17): Hành trình 40 năm 'Đêm trắng'
- Từ cái nôi sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 15): Lê Chí Kiên - người đưa 'Hồn Trương Ba...' vào rối
- Từ 'cái nôi' Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (Kỳ 11): Lê Chức - Rút ruột để nhả giọng
Bước vào sự nghiệp diễn xuất, Hữu Mười hoan hỉ niềm hạnh phúc mỗi khi được giao bất kể một vai nào chính hay phụ. Anh luôn tâm niệm đã là diễn viên thì phải hóa thân đa dạng nhiều kiểu nhân vật, nhiều tuyến nhân vật chính diện/phản diện, nhân vật chính/phụ, tránh lối diễn xuất đơn điệu chỉ một kiểu nhân vật. Anh vào vai Phùng - một thanh niên lười biếng, chậm tiến trong phim Khôn dại (đạo diễn Phạm Văn Khoa) khá ấn tượng; vào vai Khang - một nông dân chậm tiến, lại biếng lười lao động trong Ngày ấy bên sông Lam (đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung, 1980); vai mật vụ Bẩy Cứ trong phim Phương án ba bông hồng (đạo diễn Văn Hòa, 1981)...
Song những vai diễn trên hầu như còn nhạt nhòa, chưa để lại dấu ấn gì trong lòng công chúng. Rồi, đến lúcmay mắn gõ cửa khi anh được đạo diễn Phạm Văn Khoa “đo ni đóng giày” mời vào vai thầy giáo Thứ trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Lần đầu tiên, Hữu Mười được giao một vai chính dài hơi là một nhà văn, nhà giáo. Lần đầu tiên, anh mới thực sự có đất diễn để thỏa sức tung tẩy, sáng tạo. Cũng là lần đầu tiên anh đối mặt với thách thức.
Từ khi học phổ thông, anh đã họcvà yêu những tác phẩm của nhà văn Nam Cao, nhưng trong phạm vi còn hạn hẹp. Để hóa thân vào thầy giáo Thứ, một mặt Hữu Mười chăm chú đọc, nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các tuyến nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo, Sống mòn, Lão Hạc… mặt khác, anh học hỏi đồng nghiệp, bạn diễn và nhất là được truyền năng lượng từ nhà văn Kim Lân (vai lão Hạc). Anh biết ơn nhà văn của “phong lưu đồng ruộng” gợi ý cho anh vào vai ông giáo Thứ sao cho ngọt, cho nhuyễn, chođồng bộ từ ngoại hình, phong thái, cách ăn vận, ngôn ngữ… đến cách thể hiện qua các yếu tố phi ngôn ngữ.
Ông giáo Thứ là nhân vật có tính chất tự truyện của nhà văn Nam Cao. Con người ông giáo luôn toát lên sự trang trọng, nho nhã, lịch thiệp của tầng lớp trí thức. Vì thế, vào nhân vật ông giáo Thứ, anh luôn chú trọng trang phục complê, thắt cà vạt, xách cặp; đi đứngkhoan thai, tác phong lịch sự… Theo hướng dẫn của nhà văn Kim Lân, Hữu Mười đã cố gắng nhập tâm, nhập vai diễn sao cho tự nhiên,con người nhân hậu, đức độ, giữ thái độ bình thản, điềm tĩnh, có chút lạnh lùng, tránh sự vồ vập, nói nhiều, hoặc phô trong giao tiếp.
Một kỷ niệm làm phim khiến anh xúc động mãi cho đến bây giờ, đó là cuộc đến thăm của các nhà văn khi đoàn đang thực hiện cảnh quay ở Hà Đông. Từ trên xe Commăngca bước xuống là các nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Kim Lân. Thì ra, biết đạo diễn Phạm Văn Khoa làm phim từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao, nên các bạn văn đã đến thăm, chúc mừng đạo diễn và ê-kíp làm phim. Vào lúc ăn cơm, “giáo Thứ” được các nhà văn mời “ngồi mâm trên”, được nghe các cụ kể bao nhiêu chuyện xung quanh cuộc đời và tác phẩm của Nam Cao. Chăm chắm nhìn Hữu Mười, các nhà văngật gù “Được. Trông cũng ra phong thái Nam Cao”. Chỉ lời khen đóthôi mà khiến “giáo Thứ” âm ỉ quá đỗi mừng vui. Anh đã hóa thân hết mình cho nhân vật và được khán giả yêu mến cũng chính từ vai diễn này.
May mắn lại gõ cửa sau 2 năm, anh được đạo diễn Đặng Nhật Minh mời đóng vai thầy giáo Khang trong phim Bao giờ cho đến tháng mười (1984). Vai diễn thầy giáo ở hai thời điểm khác nhau đã được Hữu Mười thể hiện thành công. Ở hai thời điểm quay bộ phim, Hữu Mười đã chịu đựng mọi điều kiện thời tiết. Cảnh ông giáo Thứ lúc nào cũng chỉn chu complet, thắt cà vạtlại giữa mùa Hè đổ lửa. Cảnh thầy giáo Khang lao mình xuống dòng sông vớt bức thư vào ngày cận tết rét căm căm...
Sự nỗ lực của anh đã được đền bù. Không có niềm vui nào hơn khi hóa thân vào nhân vật nhuyễn đến mức ông giáo Thứ, thầy giáo Khang luôn được đông đảo khán giả gọithay tên thật. Anh đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất với Bao giờ cho đến tháng Mười tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VII (1985).
Năm 1986, tạm biệt vai trí thức, nhà giáo nghèo vốn đã định vị, Hữu Mười có dịp vào anh bộ đội Tâm trong phim Ngày về (đạo diễn Tự Huy). Anh đã hóa thân vào vai người lính thời hậu chiến với các thể hiện đa dạng những góc cạnh, chiều sâu tính cách. Vai diễn rất khó này đã khiến người đọc nhớ bền, nhớ lâu.
Hữu Mười tự hào được đào tạo từ chiếc nôi diễn viên điện ảnh uy tín, chất lượng hàng đầutrong nước và được học đạo diễn ở Trường điện ảnh nước ngoài danh giá nhất. Anh là người sống giản dị, khiêm nhường có trách nhiệm với nghề. Ngoài phim ảnh, anh khẳng định không có sở thích nào khác. Dù đóng phim được ghi nhận qua những giải thưởng, nhưng anh vẫn có ý thức cầu thị tiếc và ước được để lại nhiều vai hơn, được đóng nhiều phim hơn. Mong ước ấy cho thấy một ý thức trách nhiệm rất cao.
Cơ duyên với nghề giáo, năm 2003, NSƯT Hữu Mười chuyển công tác về Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, giữ cương vị Trưởng khoa Truyền hình cho đến lúc nghỉ hưu. Gặp tôi, “thầy giáo Khang” cười vui và nói một cách hóm hỉnh “Ai ngờ ông giáo trong phim lại là thầy giáo thật ngoài đời. Đúng là phim vận vào người thật rồi”…
Ngoài nghiệp diễn xuất, NSƯT Hữu Mười là tác giả đạo diễn nhiều phim, như: Chiếc hộp gia bảo, Nhịp sống, Xóm bờ sông, Những kẻ lãng mạn, Cuộc phiêu lưu không định trước, Trở lại chùa Dâu, Mùi cỏ cháy, Trên đỉnh bình yên… Trong đó, bộ phim “Mùi cỏ cháy” (kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc; cùng một số tư liệuvề chiến tranh của các cựu chiến binh: Vũ Đình Văn, Hoàng Thượng Lân, Vũ Xuân… Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Mười xúc động nghẹn lời“Mùi cỏ cháy” là một bộ phim về những người lính đã ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân đẹp nhất cho đất nước. Những trang nhật ký, khát vọng, nghị lực cống hiến của người lính đã truyền lửa cho các thế hệ sau. Tôi nghĩ đây luôn là đề tài để các đạo diễn tiếp tục hướng đến trong tương lai. Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ còn... khốc liệt hơn nhiều. Nhưng khả năng còn có hạn, ê kíp chúng tôi chưa thể mang được hết điều các anh mong muốn lên phim. “Mùi cỏ cháy” chính là công trình của sự tri ân…". Sau khi giành giải Bông Sen Bạc và thắng giải Biên kịch Xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ XVII (12/2011), bộ phim truyện nhựa “Mùi cỏ cháy” tiếp tục được vinh danh tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng tại Hà Nội khi giành “cú đúp” Cánh Diều Vàng và các giải Biên kịch (Hoàng Nhuận Cầm), Quay phim (Phạm Thanh Hà) và Âm nhạc Xuất sắc nhất (Đỗ Hồng Quân ở hạng mục Phim truyện điện ảnhtại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XVII; giải thưởng Bộ Quốc phòng trao tặng cho phim có đề tài về chiến tranh xuất sắc nhất. |
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng